Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa cho biết TP sẽ hoàn thiện đề án quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng trình HĐND xem xét ngay trong năm 2019.
Tuy nhiên, để có thể quy hoạch thành công dự án cần có những lộ trình cụ thể hơn.
Cách đây 20 năm các đề xuất cải tạo, xây dựng thành phố ven sông Hồng đã được TP nêu ra và nhiều lần thành lập các liên doanh, liên minh hợp tác nhằm triển khai quy hoạch xây dựng. Nhưng đến nay, vấn đề về trị thủy vẫn luôn gây khó khăn cho các đồ án này.
Nằm ở mức ý tưởng
Hà Nội vốn có ý nghĩa là thành phố bên sông, nhưng đến nay vẫn chưa thể quy hoạch xây dựng phát triển đô thị ven sông Hồng. Trong khi việc phát triển đô thị quanh các dòng sông vẫn luôn là sự ưu tiên của các nước trên thế giới.
Thực tế cho thấy các đô thị ven sông không chỉ giải quyết vấn đề nhà ở và giúp tăng chất lượng cuộc sống của người dân cũng như phát triển các dịch vụ du lịch. Vì vậy, việc quy hoạch và phát triển đô thị ven hai bờ sông Hồng là hết sức cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
10:45, 23/01/2019
14:48, 21/01/2019
13:00, 19/01/2019
09:00, 18/01/2019
07:00, 17/01/2019
Tuy nhiên, sông Hồng có nhiều đặc điểm thủy văn phức tạp gây khó khăn trong quy hoạch. Được bắt nguồn từ những nhánh lưu vực sông từ Trung Quốc đổ xuống, sông Hồng có địa hình hướng dốc chung từ Tây Bắc xuống Đông Nam, địa hình phần thượng nguồn có sự chia cắt mạnh. Bởi đặc điểm địa hình nên mực nước ở con sông này chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều, cũng như vào hai mùa mưa và mùa khô cách nhau hàng chục mét.
Biến đổi khí hậu cũng gây nhiều tác động đến mực nước của sông Hồng, hiện nay với sự xuất hiện của một loạt các nhà máy thủy điện của Trung Quốc ở đầu nguồn và ba nhà máy thủy điện lớn của Việt Nam trên hệ thống sông Hồng, vấn đề lũ lụt phần nào đã được khống chế và kiểm soát.
Tuy nhiên, số liệu thủy văn là bí mật quốc gia, chúng ta không thể biết trước được thời điểm nào ở bên đó xả lũ, vì thế trong công tác xây dựng hệ thống trị thủy, cần có các phương án phòng tránh lũ bất ngờ do xả lũ thượng nguồn.
Ngoài ra, cảnh quan môi trường hai bên sông Hồng nhiều năm nay trở nên ô nhiễm thậm tệ do sự buông lỏng trong công tác quản lý. Hai bên bờ sông bị ô nhiễm do rác thải tập kết từ các hộ dân cũng như nước thải công nghiệp bị đổ thẳng trực tiếp xuống lòng sông.
Ở các quốc gia trên thế giới, họ quy hoạch các thành phố hướng tầm nhìn về những con sông lớn, mở rộng tầm nhìn cũng như mang lại giá trị thẩm mỹ cho thành phố. Thế nhưng ở sông Hồng, khi đi qua cầu Chương Dương, Cầu Vĩnh Tuy, cảnh quan trông nhếch nhác, hỗn tạp, có những lúc trở thành dòng sông chết.
Vì thế không chỉ đẩy mạnh công tác trị thủy, việc cải tạo cảnh quan môi trường quanh đây cũng cần được chú trọng.
Phát triển hạ tầng giao thông công cộng
Khu vực ven bờ sông Hồng hiện nay còn gặp nhiều vấn đề liên quan đến cư dân. Bên cạnh những hộ dân có sổ đỏ chính thức thì còn có các nhóm là dân tứ xứ đến lấn chiếm đất bãi sông Hồng cư ngụ không chính thức, cũng có nhóm nhà nước bố trí tái định cư... do vậy GPMB là bài toán vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, đây là bài toán cần được giải quyết dứt khoát, đặc biệt đối với những hộ dân định cư trái phép, nhiều nơi còn tồn tại các ổ tệ nạn xã hội. Việc giải phóng mặt bằng cần xử lý không chỉ để lấy quỹ đất xây dựng mà còn giúp đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Ngoài ra, khi tổ chức di dời cần lập dự trù bài toán quỹ đất để di dời cho bà con, hàng nghìn hộ dân cần được tái định cư. Bên cạnh việc di dân đi một nơi khác, có thể bố trí họ ở tại quy hoạch đô thị ven sông, giúp thuận tiện hơn với cuộc sống vốn dĩ đã quen thuộc với họ.
Bên cạnh đó, với vị trí địa lý và môi trường đặc thù, việc quy hoạch xây dựng thành phố ven sông Hồng cần phải có hướng đi thích hợp cho kiến trúc đô thị. Nếu như xây dựng ở đây hàng trăm chung cư cao tầng như ở các khu vực khác thì hoàn toàn không ổn.
Ở nước ta hiện nay việc phát triển cơ sở hạ tầng chưa thật sự nhanh chóng, không đáp ứng đủ nhu cầu giao thông đi lại của người dân. Một thành phố ven sông muốn phát triển cần có sự gắn kết mật thiết với nội đô.
Giao thông công cộng ở đây không chỉ là những tuyến bus dài mà là cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với nội đô. Giải quyết các vấn đề đi lại, di chuyển của người dân mới có thể thu hút được cư dân định cư tại các thành phố ven sông.
Hơn nữa, hiện nay chúng ta đang hướng tới các thành phố thông minh, thành phố hiện đại thì điều quan trọng nhất vẫn là con người. Con người chính là hạt nhân của cuộc sống. Để phát triển xã hội, xây dựng đô thị cần đảm bảo được chất lượng sống của con người phải đi lên, tốt đẹp hơn, văn minh hơn, hiện đại và tiện ích hơn.