Đường vành đai 2 được kỳ vọng sẽ góp phần làm giảm ùn tắc giao thông cho TP.HCM. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, dự án này vẫn đang “tắc”.
Theo quy hoạch, đường vành đai 2 có tổng chiều dài toàn tuyến 70km, đi qua Quận 2, Quận 7, Quận 8, Quận 9, Quận 12, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Bình Chánh.
Sau hơn 10 năm thi công, đường vành đai 2 vẫn chưa thể khép kín. Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, hiện toàn tuyến vẫn còn khoảng 14km chưa được triển khai.
Nguyên nhân chậm trễ chủ yếu là do khâu giải phóng mặt bằng. Đơn cử như đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao cầu vượt Gò Dưa, quận Thủ Đức, TP.HCM, dự án này đến nay đang phải ngưng thi công do chưa được ký phụ lục hợp đồng BT và còn vướng khoảng 20% mặt bằng ở khu vực quận Thủ Đức...
Dự án vành đai 2 TP.HCM được đầu tư theo hình thức BT- Doanh nghiệp xây dựng chuyển giao và thường “đổi đất lấy hạ tầng”. Tuy nhiên, TP. HCM đang thiếu quỹ đất “sạch” để giao cho doanh nghiệp.
Theo quy định hợp đồng BT, doanh nghiệp làm bao nhiêu thì TP.HCM thanh toán bấy nhiêu. Đến nay, dự án vành đai 2 đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc, nhưng TP.HCM chưa thanh toán quỹ đất nên tiền lãi ngày càng tăng lên.
Đáng quan ngại hơn, trong khi dự án còn “tắc” cứng 1 đoạn, thì thời hạn khai tử BT mà Quốc hội đã thông qua có hiệu lực từ 1/1/2021 đã cận kề.
Theo Luật PPP, dự án này thuộc trường hợp ký kết hợp đồng trước ngày luật này có hiệu lực nên sẽ tiếp tục triển khai dự án, thanh toán theo quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.
Song, việc xuất hiện một phụ lục theo hợp đồng trong trường hợp này có thể sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi hình thức BT bị bãi bỏ. Do đó, cơ quan ký kết hợp đồng liệu có phải thực thi trách nhiệm đàm phán lại để bổ sung phụ lục hợp đồng hay không, và quá trình đàm phán có mang đến những yêu cầu mới, khiến việc hoàn thiện dự án càng kéo dài hơn?
Có thể bạn quan tâm