Cục Hàng không dự kiến sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 80,3 triệu khách, tăng 7,1% về hành khách so với năm 2023.
>>>Chính thức khởi động dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị
Cục Hàng không Việt Nam nhận định năm 2023, thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phục hồi với nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt từ khôi phục mạng đường bay quốc tế. Riêng thị trường hàng không nội địa đã vượt lượng khách của năm 2019 (năm chưa có dịch COVID-19), khách quốc tế năm sau sẽ bằng ngưỡng của năm 2019. Dự kiến thị trường vé máy bay 2024 nói chung sẽ có nhiều khởi sắc, tuy nhiên lượng khách nội địa có thể giảm nhẹ.
Cụ thể, lĩnh vực vận tải hàng không năm 2023 đã có sự hồi phục và đón nhận những tín hiệu tăng trưởng tích cực thể hiện ở các mặt như các hãng hàng không (lực lượng vận tải) tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khai thác, mạng đường bay quốc tế được phục hồi và mở rộng, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng so năm 2019, thị trường quốc tế đang dần dần hồi phục và dự báo sẽ sớm đạt được mức 2019 trong năm 2024.
Tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 ước đạt xấp xỉ 74 triệu khách tăng 34,5% so năm 2022, bằng 93,6% so năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) và 1,1 triệu tấn hàng hóa, giảm 9,3% so năm 2022, bằng 87,3% so năm 2019. Vận chuyển hàng khách quốc tế đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so năm 2022, bằng 77% so với năm 2019.
Mạng đường bay quốc tế được phục hồi và từng bước mở rộng. Các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục hoàn toàn các đường bay đến các thị trường truyền thống và mở rộng khai thác một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Mông Cổ. Mặc dù còn hạn chế nhưng trong năm 2023, các đường bay đến Trung Quốc và Nga cũng đã được khôi phục. Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến thị trường Ấn Độ (năm 2023 vận chuyển 920 nghìn hành khách, tăng gần 15 lần so với năm 2019) và thị trường Úc (năm 2023 vận chuyển 913 nghìn hành khách, tăng 40% so với 2019).
Mạng đường bay nội địa được duy trì và phát triển với 66 đường bay nội địa kết nối Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với hơn 600 chuyến bay mỗi ngày. Bên cạnh việc khai thác các đường bay hiện hữu, trong năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới như Cần Thơ-Vân Đồn, Hà Nội-Cà Mau, Tp Hồ Chí Minh-Điện Biên.
Cũng theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam, hệ thống cảng hàng không cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa năm 2023. Nhiều cảng hàng không, sân bay được nâng cấp đáp ứng nhu cầu tăng cao của hành khách va chắp cánh phát triển kinh tế - xã hội nhiều vùng, miền trong cả nước.
Cục Hàng không Việt Nam thường xuyên theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đến nay, các dự án thành phần 1, 2, 3 đã và đang triển khai theo tiến độ. Dự án thành phần 4 đang tổ chức mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: thể chế, cơ chế phát triển ngành chưa theo kịp thực tiễn, quy mô năng lực kết cấu hạ tầng các cảng hàng không chưa theo kịp tốc độ phát triển về thị trường vận tải hàng không.
Một số cảng hàng không đã khai thác tiệm cận năng lực thiết kế, một số hạng mục công trình đã quá tải, đội ngũ nhân lực hàng không còn thiếu...
>>>Boeing: Hãng hàng không giá rẻ sẽ trở thành mô hình thống lĩnh
Trên cơ sở đánh giá khả năng cung ứng của các hãng hàng không Việt Nam, các chỉ tiêu về vận tải hàng không năm 2024, Cục Hàng không dự kiến sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 80,3 triệu khách, tăng 7,1% về hành khách so với năm 2023.
Trong đó, hành khách nội địa là 38,5 triệu khách, giảm 10,5% so với năm 2023, hành khách quốc tế là 41,8 triệu khách, tăng 30,6% so với năm 2023.
Sản lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 1,16 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2023. Trong đó, hàng hóa nội địa là 210.000 tấn, tăng 10,5% so với năm 2023, hàng hóa quốc tế là 950.000 tấn tăng 3,6% so với năm 2023.
Việc khách hàng không nội địa có thể giảm một phần do tác động từ khó khăn kinh tế, việc làm, một phần tới từ giá vé máy bay duy trì ở mức cao. Đặc biệt, từ ngày 1/3/2024, trần giá vé máy bay nội địa được điều chỉnh tăng, các hãng hàng không sẽ tiếp tục điều chỉnh khung giá vé ở mức cao hơn năm nay.
Để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu cần tích cực hơn trong việc đề xuất các chính sách, giải pháp tổ chức thực hiện nhằm giúp cho ngành hàng không vượt qua những thách thức khó khăn hiện nay, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững hơn trong đầu tư phát triển hạ tầng, vận tải.
"Ngành hàng không cần quan tâm phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không phải được quan tâm hơn, làm tốt hơn. Bên cạnh đó, Cục khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 648/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ.
Tiếp tục hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không để báo cáo Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị. Từ đó, triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các định hướng và giải pháp huy động nguồn lực xã hội để đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng hàng không, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Có thể bạn quan tâm
16:54, 15/12/2023
07:00, 14/12/2023
08:57, 13/11/2023
04:00, 11/11/2023
05:05, 05/11/2023