Du lịch

Du lịch đường thủy: Kinh nghiệm phát triển của các địa phương

PGS TS Dương Văn Sáu - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội 03/05/2025 01:44

Việt Nam có mạng lưới sông ngòi dày đặc và đường bờ biển dài 3.260 km. Nắm trong tay nguồn tài nguyên lợi thế, các sản phẩm du lịch đường thủy phát triển ở nhiều địa phương.

Trong thời gian vừa qua, tùy theo tài nguyên du lịch mà một số địa phương trong cả nước đã phát triển loại hình du lịch đường thủy rất thành công. Dưới đây là những bài học quan trọng từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ninh Bình

Ninh Bình có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch đường thủy; nhờ khai thác hiệu quả tài nguyên sông nước, Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển du lịch đường thủy. Trước hết đã định vị thương hiệu du lịch Ninh Bình trên bản đồ quốc tế thông qua việc tổ chức, khai thác giá trị Khu di tích và danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (2014). Điều này giúp Ninh Bình trở thành điểm đến mang tầm quốc tế. Hình ảnh khu du lịch Tràng An đã xuất hiện trong các bộ phim Hollywood như Kong: Skull Island (2017), giúp quảng bá hình ảnh Ninh Bình ra thế giới.

146-ninh-binh-phat-trien-du-lich-tu-nguon-tai-nguyen-van-hoa-lich-su-1.jpg
Ninh Bình có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch đường thủy.

Bên cạnh đó, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Vân Long, Kênh Gà trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thiên nhiên và nhiếp ảnh đem đến trải nghiệm ấn tượng cho các du khách, nhóm du khách thông qua cảnh quan văn hóa - sinh thái suối nước, rừng núi, hang động, cánh đồng; thông qua việc sử dụng phương tiện vận chuyển thủy nhỏ, phù hợp, mang bản sắc địa phương, thân thiện với môi trường trong dịch vụ vận chuyển chèo thuyền trên dòng sông Ngô Đồng (Tam Cốc).

Những năm gần đây, Du lịch Ninh Bình tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách và doanh thu: Năm 2023, Ninh Bình đón hơn 5 triệu lượt khách. Trong đó, Tràng An và Tam Cốc chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2024, tỉnh Ninh Bình đã đón khoảng 8,7 triệu lượt khách du lịch, tăng 30% so với năm 2023. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt khoảng 1,08 triệu lượt, chiếm gần 7% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm. Doanh thu từ du lịch ước đạt trên 9.100 tỷ đồng, tăng 40,15% so với năm trước, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế địa phương. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho cộng đồng. Hàng nghìn lao động địa phương có việc làm từ chèo thuyền đưa du khách tham quan, hướng dẫn viên du lịch, tham gia trong các dịch vụ du lịch…

Các làng nghề ven sông như làm thêu ren, sản xuất đồ thủ công, ẩm thực đặc sản được phục hồi và phát triển để phục vụ lượng lớn khách du lịch. Hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn ven các tuyến đường thủy được đầu tư mạnh, nâng cao chất lượng phục vụ. Thông qua hoạt động du lịch, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên như hệ thống hang động, núi đá vôi, rừng ngập nước được bảo vệ tốt hơn nhờ các quy định về khai thác du lịch bền vững và nguồn tài chính thu được từ hoạt động du lịch cũng như áp lực yêu cầu đặt ra từ phía đội ngũ du khách.

Các lễ hội truyền thống như Lễ hội Tràng An, Lễ hội Hoa Lư được kết hợp với hoạt động du lịch đường thủy, thu hút đông đảo du khách. Ninh Bình tập trung phát triển các phương tiện vận chuyển thủy thô sơ. Các tuyến du lịch không động cơ (dùng thuyền chèo tay) góp phần bảo vệ hệ sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường. Góp phần xây dựng mô hình du lịch bền vững; hạn chế bê tông hóa, giữ nguyên vẻ hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên.

Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng chú trọng phát triển Du lịch thông minh, áp dụng công nghệ số trong quản lý và đặt vé trực tuyến, giúp kiểm soát lượng khách, đảm bảo sức chứa điểm đến, sức chịu tải du lịch, tránh quá tải gây phá vỡ môi trường du lịch. Phát triển du lịch xanh, hướng đến sử dụng thuyền điện và giảm rác thải nhựa trên các tuyến đường thủy.

Huế

Huế không chỉ nổi tiếng đền đài, lăng tẩm với hệ thống di sản cung đình mà còn sở hữu mạng lưới sông ngòi phong phú, tạo điều kiện phát triển du lịch đường thủy. Trong đó, sông Hương đóng vai trò trung tâm, gắn với văn hóa - lịch sử mang đến những trải nghiệm du lịch đặc trưng. Các tuyến du lịch đường thủy tiêu biểu ở Huế trước hết phải kể đến Du thuyền trên sông Hương. Đây là tuyến du lịch đường thủy nổi tiếng, phổ biến nhất; du khách được trải nghiệm ca Huế trên sông Hương, kết hợp tham quan các danh thắng ven sông.

Điều quan trọng đầu tiên đó là phương tiện vận chuyển là Thuyền Rồng mang đặc trưng hoàng gia cung đình. Các nhân viên cũng được trang bị đồng phục, trang phục đặc sắc, ấn tượng. Du khách sẽ trải nghiệm khung cảnh Thuyền rồng và các hoạt động lễ hội mang tính chất cung đình diễn ra trên thuyền, du khách thưởng thức nhã nhạc cung đình. Du thuyền khai thác các điểm đến nổi bật dọc sông Hương, như: Chùa Thiên Mụ – biểu tượng của Huế; Lăng Minh Mạng, Lăng Gia Long – kiến trúc lăng tẩm đặc sắc; Điện Hòn Chén – di tích tâm linh quan trọng.

thuyen-rong-tren-song-huong-1.jpg
Du lịch đường thủy Huế đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể như ca Huế, lễ hội sông nước, ẩm thực cung đình.

Du lịch đường thủy ở Huế cũng tập trung phát triển du lịch vùng đầm phá trong đó nổi bật là Du lịch phá Tam Giang, đầm Cầu Hai, đầm Lập An. Phá Tam Giang là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, cách Huế khoảng 15km. Tại đây, khu khách sẽ được đi thuyền trên đầm phá bằng loại thuyền mang đặc trưng bản địa. Trải nghiệm cuộc sống làng chài, đánh bắt thủy sản, ngắm hoàng hôn trên đầm phá, thưởng thức ẩm thực biển vùng nước lợ. Ngoài ra du khách còn được kết hợp với tham gia du lịch sinh thái tại khu vực Quảng Điền, Phú Vang. Tham gia các lễ hội liên quan đến sông nước: Lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền truyền thống, thu hút đông đảo người dân và du khách.

Du lịch đường thủy ở Huế mang đậm bản sắc văn hóa và lịch sử, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái du lịch của cố đô. Du lịch đường thủy Huế đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể như ca Huế, lễ hội sông nước, ẩm thực cung đình. Tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là ngư dân và nghệ nhân ca Huế. Phát triển du lịch sinh thái bền vững đặc biệt tại phá Tam Giang và vùng đầm phá ven biển.

Các địa phương cần học hỏi phát triển du lịch văn hóa - lịch sử trên sông từ Huế: Tạo sản phẩm du thuyền kết hợp trải nghiệm văn hóa: Huế có ca Huế trên sông Hương. Phát triển tuyến du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa ven sông: Huế khai thác các di tích ven sông như lăng tẩm, Hải Phòng có thể phát triển tour đường sông kết nối di tích Bạch Đằng Giang, làng cổ Tràng Kênh.

Thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) với hệ thống sông ngòi rộng lớn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ du lịch đường thủy. Các tuyến sông chính như sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé cùng các tuyến liên tỉnh kết nối miền Tây và Đông Nam Bộ tạo nên hệ thống giao thông thủy đa dạng, phục vụ du khách trong và ngoài nước. Là một trung tâm du lịch lớn ở phía Nam, đồng thời là một trung tâm du lịch lớn của đất nước; Du lịch thành phố Hồ Chí Minh rất phát triển với nhiều loại hình du lịch khác nhau.

Hiện ở thành phố Hồ Chí Minh có các tuyến du lịch đường thủy tiêu biểu, như: Du thuyền trên sông Sài Gòn. Đây là loại Du thuyền cao cấp giúp cho du khách trải nghiệm ngắm thành phố về đêm, thưởng thức ẩm thực trên các du thuyền sang trọng. Trên sông Sài Gòn thành phố cũng phát triển hệ thống Tàu nhà hàng: Các tour ăn tối trên tàu như Indochina Queen, Bonsai Cruise, Saigon Princess. Cùng với đó, thành phố phát triển tuyến bus sông Sài Gòn: Chạy từ Bến Bạch Đằng đến Linh Đông (Thủ Đức), Bình Quới.

buytduongsong-1599104685-6090-1599104712.jpg
TP.HCM mở thêm nhiều tuyến vận tải hành khách đường thủy kết hợp với các sản phẩm du lịch.

Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tour khám phá kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Du khách được trải nghiệm chèo thuyền, nghe đờn ca tài tử, ngắm phố thị từ góc nhìn sông nước. Lộ trình tham quan du lịch dọc theo Quận 1 - Quận 3 - Bình Thạnh - Phú Nhuận với cảnh quan hai bên bờ kênh dần được cải tạo.

Một tuyến du lịch đường thủy quan trọng là tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Giờ. Xuất phát từ Bến Bạch Đằng đến Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ. Du khách sẽ được kết hợp trải nghiệm rừng ngập mặn, đảo khỉ, thưởng thức hải sản tươi sống.

Các tuyến đường thủy từ thành phố Hồ Chí Minh đi Đồng bằng sông Cửu Long: Các tour từ thành phố Hồ Chí Minh đến Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ giúp kết nối với du lịch miệt vườn và chợ nổi. Tàu cao tốc Greenlines DP chạy tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. Tàu Phú Quý Express chạy tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Côn Đảo, giúp rút ngắn thời gian di chuyển.

Du lịch đường thủy thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển du lịch đô thị, tạo thêm sản phẩm mới ngoài du lịch đường bộ. Thúc đẩy giao thông xanh, giảm áp lực lên đường bộ. Quảng bá hình ảnh thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ được bản sắc sông nước miền Nam. Phát triển kinh tế ven sông, kích thích phát triển dịch vụ ăn uống, lưu trú, thương mại dọc các tuyến đường thủy.

Bài học quan trọng từ phát triển du lịch đường sông tại thành phố Hồ Chí Minh: Việc khai thác du lịch đường thủy đô thị cần cải thiện chất lượng nước trên các kênh rạch (ở thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ...). Phải đồng bộ trong phát triển bến bãi, cầu cảng phục vụ du lịch. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, cần phát triển thêm các tour kết hợp ẩm thực, lịch sử - văn hóa. Đầu tư vào công nghệ và dịch vụ du thuyền thông minh để nâng cao trải nghiệm du khách. Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển tuyến bus sông, du thuyền ngắm thành phố về đêm, tạo điểm dừng chân hấp dẫn ven sông: thành phố Hồ Chí Minh phát triển bến thuyền tại bến Bạch Đằng, cầu Mống, Thảo Điền, kết hợp du lịch với giao thông công cộng: mô hình taxi đường sông, bus sông kết nối từ trung tâm thành phố.

Thành phố Cần Thơ

Cần Thơ - trung tâm của miền Tây Nam Bộ; nổi tiếng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, đóng vai trò quan trọng trong đời sống, giao thương và du lịch. Du lịch đường thủy tại Cần Thơ không chỉ mang lại những trải nghiệm đặc trưng vùng sông nước mà còn góp phần bảo tồn văn hóa miệt vườn và “Văn hóa thương hồ: chợ nổi”. Các tuyến du lịch đường thủy tiêu biểu tại Cần Thơ: Chợ nổi Cái Răng – Biểu tượng du lịch đường thủy Đồng bằng sông Cửu Long. Nằm cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km, chợ nổi Cái Răng là một trong những chợ nổi lớn nhất miền Tây. Chợ hoạt động từ rạng sáng đến khoảng 8-9h sáng, du khách có thể tham quan trên thuyền và thưởng thức đặc sản miền Tây như hủ tiếu, bánh mì, bún riêu, cà phê. Trên các con thuyền chở hàng hóa đến chợ có treo đặc trưng: “Cây bẹo” (cây sào treo hàng hóa) giúp khách dễ dàng nhận biết mặt hàng được bán trên ghe thuyền.

Ngoài ra, tại thành phố Cần Thơ còn phát triển hệ thống Du thuyền trên sông Hậu – ngắm Cần Thơ về đêm. Các tuyến du thuyền chạy dọc bến Ninh Kiều, phục vụ ăn tối trên tàu, nghe đờn ca tài tử. Ngắm cảnh cầu Cần Thơ rực rỡ ánh đèn và cảm nhận vẻ đẹp yên bình của thành phố. Thành phố cũng tập trung phát triển các Tour sinh thái sông nước miệt vườn; như: Các tuyến Cần Thơ – Phong Điền – Bình Thủy đưa du khách tham quan các vườn trái cây, làng nghề truyền thống, nhà cổ. Một số điểm đến nổi bật, như: Vườn trái cây Mỹ Khánh - trải nghiệm làm nông dân, xem đua heo, câu cá. Làng du lịch Ông Đề - tham dự các trò chơi dân gian miền Tây, chèo xuồng ba lá. Nhà cổ Bình Thủy - công trình kiến trúc độc đáo kết hợp phong cách kiến trúc Đông – Tây.

3010.cantho3.jpg
Du lịch đường thủy Cần Thơ cũng đặt ra vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa sông nước của miền Tây.

Thành phố Cần Thơ cũng phát triển các tuyến du lịch Cần Thơ – Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng kết nối với các tỉnh miền Tây qua đường sông, giúp du khách khám phá rừng U Minh, chùa Dơi, khu du lịch Nhà Mát, Đất Mũi.

Du lịch đường thủy Cần Thơ cũng đặt ra vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa sông nước của miền Tây. Tạo sinh kế cho người dân địa phương, đặc biệt là thương hồ chợ nổi, nhà vườn, làng nghề. Hỗ trợ phát triển kinh tế du lịch, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Tăng cường kết nối vùng, thúc đẩy du lịch liên tỉnh qua các tuyến đường thủy.

Đồng thời phát triển du lịch Cần Thơ trong thời gian qua cũng đặt ra nhiều thách thức và định hướng phát triển: Chợ nổi Cái Răng có nguy cơ mai một, cần chính sách bảo tồn và hỗ trợ thương hồ. Vấn đề ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là rác thải từ các ghe thuyền du lịch thải ra trực tiếp. Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cấp bến tàu, cầu cảng, dịch vụ du thuyền.

Du lịch đường thủy là thế mạnh của Cần Thơ, góp phần khẳng định vị thế của thành phố trong bản đồ du lịch miền Tây. Bài học quan trọng từ phát triển du lịch sông nước từ Cần Thơ mà Hải Phòng cần tham khảo là việc khai thác chợ nổi, du lịch miệt vườn: Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, kết hợp tham quan miệt vườn, trải nghiệm văn hóa sông nước.

Từ kinh nghiệm từ các địa phương, có thể thấy rằng, du lịch đường thủy tại Việt Nam là một phần không thể thiếu trong bức tranh du lịch tổng thể. Cùng các tài nguyên sẵn có, Việt Nam có thể đưa du lịch đường thủy lên một vị trí xứng tầm, bổ sung những thiếu sót về mặt nhân lực và kinh nghiệm quản lý, đẩy mạnh truyền thông về các điểm tham quan đường thủy và định vị mình là điểm đến hàng đầu cho những trải nghiệm sông nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Du lịch đường thủy: Kinh nghiệm phát triển của các địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO