Năm 2025, ngành du lịch tập trung nguồn lực hướng tới thị trường tiềm năng, có chất lượng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông.
Tại hội nghị về công tác xúc tiến du lịch năm 2025, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết đối với thị trường quốc tế, ngành du lịch Việt Nam sẽ lựa chọn thị trường theo các tiêu chí: Thị trường được miễn thị thực nhập cảnh; Thị trường có kết nối đường bay thuận lợi; Thị trường có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, có chất lượng.
Theo kế hoạch dự kiến năm 2025, ngành du lịch Việt Nam sẽ tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, kết nối doanh nghiệp tại các thị trường nói tiếng Trung; thị trường Hàn Quốc; thị trường Nhật Bản; thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore); thị trường châu Âu (Tây Âu, Đông-Trung Âu, Bắc Âu); thị trường Australia, Bắc Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông...
Đáng chú ý năm 2025 sẽ có chương trình Tuần Văn hóa du lịch Việt Nam (với Năm Du lịch quốc gia Huế 2025 là điểm nhấn) tại châu Âu; ngoài ra Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2025 Osaka, Kansai (từ tháng 4 đến tháng 10/2025) cũng là dịp quan trọng để quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam.
Dự kiến, các hội chợ du lịch hàng đầu trên thế giới mà ngành du lịch Việt Nam nghiên cứu tham dự trong năm 2025 gồm: hội chợ ITB Berlin, IMEX Frankfurt (Đức), WTM London (Anh), FITUR (Tây Ban Nha), IFTM Top Resa (Pháp), MITT (Nga), MATKA (Phần Lan), hội chợ ITB China (Trung Quốc), TITF (Đài Loan, Trung Quốc), SITF (Hàn Quốc), Tourism EXPO Japan (Nhật Bản), hội chợ TRAVEX, ITB Singapore, hội chợ AIME (Australia), IMEX America/Seatrade Cruise Global Miami (Mỹ), SATTE/OTM (Ấn Độ), Arabian Travel Market (Dubai)...
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, công tác xúc tiến quảng bá luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đặc biệt là sau đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu tăng cường kết nối lại thị trường, phát triển sản phẩm mới, thu hút khách quay lại. Công tác thống kê, nghiên cứu thị trường luôn được chú trọng, hàng tháng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam luôn xây dựng và đăng tải bản tin phân tích thị trường ngay trong ngày Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố số liệu thống kê về khách quốc tế.
Trong công tác phối hợp, thời gian qua Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thường xuyên phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, mở đường bay mới... Ngoài ra, Cục trưởng cũng cho biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong tháng 12/2024 sẽ tổ chức 2 hội nghị quan trọng sơ kết, đánh giá kết quả mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt được trong triển khai thực hiện Luật Du lịch 2017 và Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó có những đề xuất các cấp xem xét điều chỉnh, ban hành những chính sách, quy định mới phù hợp trong tình hình mới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – ông Hồ An Phong yêu cầu công tác xúc tiến du lịch năm 2025 phải tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả. "Phải đo lường kết quả, tính toán hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Như sau chương trình xúc tiến du lịch điện ảnh tại Hoa Kỳ năm nay, thì sang năm 2025 Việt Nam sẽ đón các nhà làm phim Mỹ đến khảo sát, đặt vấn đề làm phim, qua đó giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài và thu hút khách đông hơn...
Trong thời gian tới, công tác quảng bá xúc tiến du lịch thì một mặt lựa chọn thị trường nguồn để phù hợp các điểm đến khác nhau trong nước, mặt khác xây dựng sản phẩm trong nước đáp ứng đúng nhu cầu của khách quốc tế và tạo nguồn cung để kích cầu".