Bài báo in

Du lịch Nam Định “trải thảm” thu hút đầu tư

Lê Hà 25/12/2024 16:43

Nam Định có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng có khả năng tổ chức các loại hình du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên sinh thái...

6-Giải nhì-Trần Hưng-Nam Định-Vườn quốc gia Xuân Thủy ngày mới
Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới thuộc đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Đây cũng được xem là “sân ga” của những đoàn chim di cư quốc tế (ảnh Trần Hưng)

Nam Định đã và đang nỗ lực phát huy tiềm năng du lịch để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Tiềm năng du lịch

Quần thể di tích văn hoá Trần, quần thể di tích văn hoá Phủ Dầy, Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện, Cầu Ngói, Chùa Lương, hàng trăm thánh đường đẹp nguy nga, tráng lệ tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Nam Định.

Bên cạnh các di tích danh thắng, Nam Định còn có trên 100 làng nghề truyền thống nổi tiếng như đúc đồng Tống Xá, sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, ươm tơ Cổ Chất,… đã trở thành những điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Nam Định có 72km bờ biển nối cửa Ba Lạt (sông Hồng) với cửa Đáy (sông Đáy) với những bãi biển thoải, dài, cát mịn đã hình thành nên các khu du lịch biển hấp dẫn như Thịnh Long (huyện Hải Hậu), Quất Lâm (huyện Giao Thủy). Đặc biệt, năm 2004, Vườn quốc gia Xuân Thủy cùng với các vùng đất ngập nước ven biển ở khu vực Đồng bằng sông Hồng thuộc các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo, thu hút khách du lịch.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Theo ông Vũ Đức Thọ - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, tỉnh tập trung phát triển du lịch sinh thái thiên nhiên; du lịch văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề với hạ tầng dịch vụ đồng bộ, hiện đại và chuyên nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030 du lịch Nam Định trở thành một ngành kinh tế quan trọng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu có khoảng 30 doanh nghiệp du lịch lữ hành; phát triển các cơ sở lưu trú cho du khách, phấn đấu đạt khoảng 10.000 giường vào 2030; khuyến khích phát triển các dịch vụ như vui chơi giải trí; thông tin, hướng dẫn và các dịch vụ khác như thể thao, mua sắm, tài chính, ngân hàng,… Đồng thời, khuyến khích phát triển dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hình thành hệ thống nhà hàng chất lượng cao phục vụ du khách.

Chính vì vậy, Nam Định thúc đẩy thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch trên cơ sở tạo điều kiện thu hút đầu tư tư nhân, hợp tác công tư; hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch như chính sách thuế, chính sách đất đai,…

Ngoài ra, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, tập trung công tác giải phóng mặt bằng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước,…; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương gắn với các giá trị đặc trưng về văn hoá, tự nhiên nhằm thu hút khách du lịch và các nhà đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Du lịch Nam Định “trải thảm” thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO