Với các điểm đến xa trung tâm du lịch, các địa phương cần tận dụng nhóm khách du lịch phượt để quảng bá hình ảnh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tái đầu tư hạ tầng.
>>Phong Nha - Kẻ Bàng: Đón đầu xu hướng du lịch mạo hiểm
Đây là chia sẻ của ông Lê Quốc Việt, Chủ nhiệm CLB Điểm đến Quảng Nam – Gìn giữ giá trị bản địa với DĐDN.
- Thưa ông, khách du lịch phượt được đánh giá là “sứ giả marketing” cho các điểm đến vùng xa đô thị. Vậy các địa phương cần làm gì để tận dụng tốt lượng khách này?
Có thể thấy từ trước đến nay, không ít người đánh giá không cao về hiệu quả khách du lịch phượt như ảnh hưởng đến môi trường, văn hóa... Tuy nhiên, hiện nay khách du lịch phượt đã thay đổi rất nhiều. Khi tận dụng được khách phượt, các địa phương sẽ giải được bài toán “con gà quả trứng” trong du lịch. Đó là hạ tầng có trước hay khách du lịch có trước.
Nếu chúng ta đầu tư hạ tầng mà sợ rủi ro rằng là không có khách hoặc ngược lại, khách đến mà không có hạ tầng thì họ sẽ chán và đi, không quay lại nữa. Tại đây, khách phượt sẽ đến với các địa phương với những hạ tầng, điều kiện tự nhiên có sẵn. Tất nhiên, chúng ta phải cố gắng, chuyên nghiệp nhất có thể để khiến du khách hài lòng.
Thông qua quá trình trải nghiệm, khách du lịch phượt sẽ là cố vấn về du lịch rất tốt cho điểm đến, họ thể hiện rõ họ quan tâm gì, cần gì? Ngược lại họ cũng sẽ marketing tốt nhất cho điểm đến, vì họ là những người có ảnh hưởng trong cộng động, đối tượng của họ.
Nếu tận dụng tốt, phục vụ những sản phẩm tối ưu, chân thật nhất của người làm du lịch, thì chúng ta sẽ hút được khách đến. Và từ những “sứ giả marketing” này, người ta sẽ kéo thêm nhiều tầng khách theo cấp số nhân đến với địa phương. Và lượng khách đó sẽ tạo nên nguồn thu để phục vụ lại cho việc đầu tư hạ tầng của điểm đến.
Dần dần điểm đến sẽ khang trang hơn, chuyên nghiệp hơn và việc quản lý của cơ quan nhà nước là cần giám sát và dìu dắt đúng định hướng Trong đó, gìn giữ được giá trị bản địa, lợi thế thiên nhiên và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, văn hóa,...
Khách phượt trong và ngoài nước sẽ là những người bạn, đối tác marketing tốt nhất đối với các điểm đến nói vùng xa xôi của địa phương. Qua đó, điểm đến sẽ tự vận động để trở nên lớn hơn, hấp dẫn hơn.
- Vậy chúng ta có thể định hình lại các tệp khách du lịch từ việc phát triển khách phượt, thưa ông?
Thực tế, Quảng Nam cần xác định tệp khách hàng rõ cho địa phương, là nhóm đối tương yêu thiên nhiên, văn hóa và trải nghiệm, nghỉ dưỡng có mức chi tiêu cao. Đây là lợi thế cạnh tranh của địa phương so với các địa phương khác.
Vì vậy, Quảng Nam cần khai thác về giá trị bản địa, làm nổi bật giá trị của các điểm đến để thu hút khách du lịch. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống dịch vụ phụ trợ, tour tuyến đặc sắc, thay đổi hạ tầng,... để phục vụ du khách.
Hiện nay không khó để tiếp cận các đối tượng khách phượt. Khách phượt có thể đi bằng ô tô, máy bay, tour jeep, vespa,... chỉ khác về tên gọi một ít. Đơn giản là khách du lịch ngẫu hứng và thích trải nghiệm.
Đối tượng khách phượt, họ sẽ sẵn sàng chấp nhận thử thách trên đường tour, yêu thích thiên nhiên, trải nghiệm nhiều hơn là các dịch vụ khuôn mẫu, chuẩn bị tốt. Họ sẽ linh hoạt hơn trong du lịch, nơi nào thích thì sẽ ở lâu hơn, khám phá kỹ hơn.
Và khách phượt hiện nay rất đa dạng, kể cả đại gia, chủ doanh nghiệp chứ không phải chỉ là các bạn sinh viên, thanh niên,... Làm thế nào để hạn chế tiêu cực, khơi thông được các đối tượng khách phượt mới là việc cần được suy tính của địa phương, trong đó chú trọng quảng bá đến các công ty chuyên khai thác du lịch phượt để xây dựng sản phẩm.
- Vậy thì các địa phương nên có những suy tính, thay đổi thế nào để thu hút khách du lịch phượt, thưa ông?
Theo tôi, thứ nhất các địa phương cần hoạch định lại tour tuyến, điểm đến và xem xét việc đón khách cần làm gì để phù hợp, an toàn, tuân thủ quy định của địa phương,... Đây là mấu chốt của vấn đề thu hút du lịch mà các địa phương lúng túng.
Thứ hai là tận dụng từ chính nội tại của mình. Các cơ sở lưu trú, dịch vụ cần ý thức được thái độ, trách nhiệm của mình đối với việc đón tiếp khách du lịch nói chung và khách phượt nói riêng. Qua đó, tự hình thành phong cách phục vụ chuyên nghiệp hơn và truyền tải thông tin tới du khách hấp dẫn hơn.
Thứ ba là công tác quảng bá, truyền thông điểm đến. Các kênh quảng bá cần được tận dụng đồng bộ, bài bản, thể hiện rõ sản phẩm, dịch vụ mà du khách sẽ được phục vụ tại điểm.
Thứ tư là cần phải tổ chức giao thông thuận tiện cho khách.
Thứ năm, khi khách đến với mình rồi thì mình phải phục vụ khách bằng cách tốt nhất, tận tâm từ trái tim, từ những giá trị của mình.
Đồng hành, hỗ trợ khách bằng những gì mình có để khách thấy rằng đây là điểm đến thân thiện, cơi mở và được quan tâm. Đồng thời, lấy thông tin phản hồi của khách để cải thiện tốt hơn.
Thứ sáu là bước tái đầu tư, phát triển lại điểm đến của mình theo hướng bền vững từ nguồn thu du lịch. Các điểm đến cần phải cải thiện cả về môi trường, giá trị bản địa, văn hóa và chất lượng điểm đến để sau này đón những đoàn khách lớn hơn, cao cấp hơn, không chỉ là khách phượt, qua đó “kích cầu” các điểm đến xa xôi hơn.
Thứ bảy là thay đổi, khắc phục khó khăn như ngôn ngữ tại các điểm đến. Hỗ trợ thêm cơ chế chính sách cho doanh nghiệp đầu tư vào đối tượng đặc thù. Khuyến khích để cho cộng đồng doanh nghiệp và người làm du lịch để bổ trợ nhau, theo hướng “win –win”.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm