Sau thời gian "đóng băng" vì dịch bệnh, thị trường du lịch Sa Pa đang được làm ấm lên với những hoạt động kích cầu du lịch thiết thực, thu hút du khách.
Thị trường du lịch Sa Pa thời gian qua đã gần như bị "tê liệt" do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19. Lượng du khách đã sụt giảm tới 50% trong tháng 3 và 100% trong tháng 4. Việc tái khởi động và phục hồi du lịch là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Cao Vỹ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa xung quanh vấn đề này.
Có thể bạn quan tâm
16:07, 24/04/2020
11:51, 03/05/2020
02:13, 03/03/2020
11:21, 12/02/2020
- Thưa ông, xin ông đánh giá những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 tới thị trường du lịch Sa Pa?
Dịch COVID 19 đã làm cho thị trường du lịch Sa Pa nói riêng và Việt Nam nói chung hầu như bị đóng băng. Các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ vì không có doanh thu, người dân không tiêu thụ được nông, thổ sản của mình làm ra, nhiều ngành nghề bị đình trệ... Đặc biệt, du lịch Sa Pa bị tê liệt khiến người lao động ở đây bị mất việc rất nhiều.
- Những tín hiệu mừng trong việc kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam đang giúp thị trường du lịch nội địa đang có dấu hiệu "tỉnh giấc" sau thời gian dài. Vậy Hiệp hội Du lịch SaPa đã có những động thái gì để khởi động lại hoạt động du lịch, thưa ông?
Tôi cho rằng tại thời điểm này, việc sớm triển khai các chương trình kích cầu du lịch, tái khởi động nhằm phục hồi ngành du lịch là một điều rất cấp thiết.
Nắm bắt được tầm quan trọng đó, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, một chương trình kích cầu du lịch "Sa Pa đồng hành cùng du khách" được UBND thị xã Sa Pa phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Sa Pa và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan đã được tổ chức.
Với các hoạt động, chương trình thiết thực như: Đồng loạt giảm 30-50% giá book phòng tại các khách sạn khu vực Sa Pa và vé xe khách trong tháng 5 và tháng 6; Cáp treo Fansipan giảm sâu giá vé tới 60% cho người dân 6 tỉnh Tây Bắc...
Phải nói rằng, chưa bao giờ Sa Pa bình yên, trong lành đến vậy. Thủ phủ du lịch Tây Bắc hồi sinh mạnh mẽ, cảnh quan mang vẻ đẹp đầy sức sống hơn bao giờ hết.
Đặc biệt ở “thành phố trong mây” Sun World Fansipan Legend, cánh rừng đỗ quyên cổ thụ, thung lũng hoa hồng, đồi hoa tím rộng mênh mông đang đồng loạt bung nở chào đón du khách tới thăm quan.
- Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, hiệu quả của các họat động của các đơn vị thành viên, chung tay khởi động lại Du lịch Sa pa, đặc biệt trong thời điểm dịch bênh như hiện nay?
Việc khởi động ngay lập tức chương trình kích cầu du lịch của các đơn vị thành viên của Hiệp hội nhằm thu hút khách du lịch là hết sức cần thiết.
Ngay sau khi chương trình được phát động, từ sáng 30/4 đến trưa 1/5, đã có hơn 65 doanh nghiệp du lịch địa phương đăng ký tham gia, bao gồm 27 khách sạn, homestay, 2 hãng xe, một số nhà hàng và khu du lịch Sun World Fansipan Legend. Dự kiến, danh sách các doanh nghiệp tham gia kích cầu du lịch sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Những việc làm này không chỉ góp phần tái khởi động và làm ấm lại thị trường du lịch Sa Pa nói riêng mà còn tác động tích cực đến ngành du lịch Việt Nam nói chung; đồng thời giải quyết việc làm cho nhân lực ngành du lịch, khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội theo đúng Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.
- Ông kỳ vọng gì vào sự khởi sắc của ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới?
Theo dự báo thì thị trường du lịch của Sa Pa nói riêng và Việt Nam nói chung còn gặp nhiều khó khăn, khả năng đến hết năm 2021. Trước tình hình đó, rất cần sự chung tay của chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp, người dân địa phương trong việc tập trung tu sửa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như đa dạng hóa sản phẩm để trước mắt thu hút được một phần thị trường khách nội địa trong thời gian tới.
Với sự chung tay, chung sức và quyết tâm của các thành viên Hiệp hội du lịch Sa pa, tôi tin rằng du lịch Sa Pa sẽ sớm khởi sắc trở lại sau dịch bệnh.
Tôi tin rằng đối với mọi doanh nghiệp ngành Du lịch Việt Nam, nếu có quyết tâm, nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền phương thì Du lịch Việt Nam sẽ có động lực để phục hồi. Tất nhiên, ngành "công nghiệp không khói" này chưa thể phục hồi lại ngay như những năm trước.
- Ông có kiến nghị, đề xuất gì để hỗ trợ các đơn vị du lịch vượt qua khó khăn do dịch bệnh?
Hiệp hội Du lịch Sa Pa cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị và đề xuất lên các cơ quan ban ngành của địa phương như: khoanh nợ gốc ngân hàng, giảm lãi suất, miễn hoặc giảm thuế, tiền điện, nước, bảo hiểm xã hội... và đang được các cơ quan ban ngành triển khai các gói hỗ trợ.
Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và cũng là ngành hồi phục sau cùng, hiện tại khó khăn chỉ mới bắt đầu và ngành du lịch còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn rất lớn ở thời kỳ hậu dịch. Chính vì thế chúng tôi mong muốn Chính quyền địa phương tiếp tục có phương án hỗ trợ, quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp để ngành du lịch Sapa sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Xin cảm ơn ông./