“Du lịch và đầu tư xanh” được chọn là chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2023 nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho du lịch để hướng tới sự phát triển bền vững, thịnh vượng.
>>Du lịch Việt Nam vượt chỉ tiêu đón khách quốc tế năm 2023
Tại "Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ", ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, “Du lịch và đầu tư xanh” được chọn là chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2023 và đây cũng là chìa khoá đầu tư cho tương lai của Du lịch Việt.
"Chúng ta cần hướng vào các sản phẩm xanh; phát triển các kênh đầu tư vào các hệ sinh thái, nền tảng số để kết nối các dịch vụ của các tỉnh trong vùng, từ đó hình thành chuỗi sản phẩm du lịch kết nối với nhau. Đầu tư vào công nghệ phát triển các ứng dụng chuyên về du lịch… góp phần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của các tỉnh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và toàn quốc." - ông Siêu chia sẻ.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ngày Du lịch thế giới diễn ra hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của du lịch trong đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị. Năm 2023, chủ đề của Ngày Du lịch thế giới là “Du lịch và đầu tư xanh”.
>>Kết nối, phát triển các sản phẩm du lịch giữa các tỉnh Đông Bắc - Tây Bắc
Ở nước ta, du lịch xanh là nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội...
Việc hạn chế, giảm thiểu tiến tới nói không với rác thải nhựa cũng là mục tiêu của ngành Du lịch để hướng tới phát triển bền vững. Đây thực sự là việc có thể làm ngay và cần thực hiện nhanh chóng, huy động cộng đồng, du khách cùng tham gia với nhiều mô hình sinh động.
Chia sẻ về những yếu tố tác động đến yếu tố "xanh" của Du lịch Việt, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch thông tin, rác thải nhựa tác động xấu đến hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường, làm mất đi cảnh quan đẹp, hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm cho du khách, nhất là ở biển, đảo. Rác thải nhựa sẽ làm giảm doanh thu và đóng góp của ngành Du lịch do suy giảm lượng khách, thiệt hại về kinh tế ngành du lịch, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương.
Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành. Với các điểm đến thân thiện môi trường, gần gũi với thiên nhiên, con người tìm được về với cội nguồn cũng như nét văn hóa đặc sắc địa phương. Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, với xã hội là một xu hướng, đồng thời là hướng phát triển của du lịch Việt Nam trong yêu cầu cũng như định hướng chiến lược phát triển.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đưa ra những tiêu chí để các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh và trách nhiệm với xã hội, môi trường và cả cộng đồng người dân bản địa. Các sản phẩm du lịch khi đạt được các tiêu chí xanh và trách nhiệm môi trường, xã hội sẽ ngày càng được chào đón, thu hút sự quan tâm và hấp dẫn du khách đến, thậm chí là quay lại điểm đến ngày càng nhiều hơn.
Có thể bạn quan tâm
02:30, 01/10/2023
00:05, 30/09/2023
14:22, 28/09/2023
11:58, 28/09/2023