Du lịch

Du lịch Việt "chạy đua" để đạt mục tiêu đón khách quốc tế năm 2024

Minh Châu 07/11/2024 10:09

Chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh đã tạo cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 14,1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 10/2024, Việt Nam đón 1,42 triệu lượt khách quốc tế, tăng 11% so với tháng trước.

Trong tháng 9, ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi vào miền Bắc với sức tàn phá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch ở nhiều trọng điểm du lịch như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Tuyên Quang… Chưa kể hoàn lưu sau bão còn gây ra lũ lụt nhiều ngày ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc khiến lượng khách tháng 9 chỉ đạt hơn 1,27 triệu lượt khách quốc tế, giảm 12% so với tháng trước.

Do đó, đà tăng trưởng trong tháng 10 là so với mức nền thấp của tháng trước. Nếu so với tháng 08/2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm nhẹ gần 2%.

Ảnh chụp màn hình 2024-11-06 152122
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14 triệu lượt trong 10 tháng.

Trong tổng số 14,1 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 12 triệu lượt người, chiếm 84,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Khách đi bằng đường bộ đạt gần 2 triệu lượt người, chiếm 13,9% và tăng 65,7%. Còn khách đi bằng đường biển đạt 189.100 lượt người, chiếm 1,3% và tăng 172,3%.

Về quy mô thị trường, châu Á đạt hơn 11,2 triệu lượt khách, đóng góp gần 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Riêng 4 thị trường lớn ở Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đóng góp gần 60%.

Trong 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất với 3,7 triệu lượt (chiếm 26,4%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 3,0 triệu lượt (chiếm 21,3%). Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ 3 (1,0 triệu lượt), Mỹ xếp thứ 4 (637 nghìn lượt), Nhật Bản xếp thứ 5 (585 nghìn lượt). Tiếp theo là Úc, Ấn Độ, Malaysia, Campuchia và Thái Lan.

Nói về mục tiêu thu hút 17 – 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi.

Đây là thành quả của những nỗ lực từ nới lỏng chính sách thị thực, quảng bá hình ảnh đất nước đến nâng cao chất lượng dịch vụ. “Kỳ vọng trong những tháng còn lại năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đột phá, ngành du lịch sẽ hoàn thành mục tiêu đón từ 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay”, Cục Du lịch Quốc gia nhận định.

images_baoquangnam_vn-storage-newsportal-2023-10-17-149931-_tnb-61019.jpg
Ngoài đếm số lượng, ngành du lịch Việt cần lưu ý chất lượng khách.

Từ phía doanh nghiệp, CEO Lux Group Phạm Hà cho biết du lịch Việt đang trong hành trình "chạy đua" để đạt mục tiêu trong năm 2024, hướng tới mục tiêu lớn trong năm 2025. Tuy nhiên, nếu Việt Nam vẫn chưa khắc phục được vấn đề hiện tại như thiếu nhạc trưởng, nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ, nhiều nơi vẫn "mạnh ai nấy làm", quản lý điểm đến chưa thật sự hiệu quả, mục tiêu đặt ra sẽ khó thực hiện được.

Ông Phạm Hà cũng nhận định ngoài đếm số lượng, ngành cần lưu ý chất lượng khách. Nếu 25-28 triệu lượt khách đến từ các thị trường giàu có, chi tiêu nhiều, ở lâu sẽ là điều tốt. Ngược lại, nếu phần lớn khách đến qua các tour giá rẻ, 0 đồng và không mua sắm thì số lượng khách đến nhiều cũng không đạt hiệu quả như mong muốn. Cần quan tâm đến trong số 25-28 triệu lượt khách của năm 2025, có bao nhiêu phần trăm trong số đó là khách quay lại lần 2, lần 3. Mỗi lần quay lại khách dẫn theo những ai đi cùng.

"Rất nhiều khách Việt đi Thái Lan 5-6 lần, hầu như năm nào cũng đi tiếp", ông Hà nói và hy vọng Việt Nam cũng tính kế lâu dài để thu hút ngày càng nhiều khách quay lại.

Về động lực tăng trưởng, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 130,4% so với cùng kỳ năm 2023, Hàn Quốc tăng 28,5%, Nhật Bản tăng 24,8%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng 59,4%.

Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á cũng tăng trưởng tốt, trong đó: Indonesia tăng 85,5%, Philippines tăng 64,5%,Ấn Độ tăng 29,1%, Lào tăng 13,9%, Campuchia tăng 12,1%. Ngoài ra, Malaysia và Singapore tăng trưởng một chữ số, lần lượt là 5,5% và 4,7%. Riêng thị trường Thái Lan giảm 13,3%.

"Thị trường và nhu cầu của khách luôn luôn thay đổi. Do đó, Việt Nam cần lấy khách hàng làm trung tâm, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng ta cần nỗ lực gấp đôi năm ngoái để tăng năng lực cạnh tranh du lịch với các quốc gia láng giềng", ông Hà nói.

Với động lực từ chính sách thị thực thông thoáng, cùng các hoạt động xúc tiến, quảng bá sôi động những tháng cuối năm, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Du lịch Việt "chạy đua" để đạt mục tiêu đón khách quốc tế năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO