Ông Donald Trump đã giành thắng lợi chính trị lớn với dự luật "To lớn và Đẹp đẽ" (OBBBA), nhưng không tránh khỏi những rủi ro kinh tế và chính trị sắp tới.
Với chiến thắng sít sao tại Thượng viện, dự luật OBBBA trị giá 3,3 nghìn tỷ USD của Tổng thống Donald Trump đã vừa được thông qua và chờ được ký thành luật.
Dự luật OBBBA sẽ kéo dài các khoản giảm thuế từ nhiệm kỳ đầu tiên và đưa ra các biện pháp mới như miễn thuế cho tiền boa và làm thêm giờ, cũng như một khoản khấu trừ thuế mới dành cho người cao tuổi.
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), dự luật OBBBA sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang thêm 3,3 nghìn tỷ USD trong một thập kỷ, chủ yếu do mất nguồn thu từ cắt giảm thuế.
Để cân bằng một phần, chính quyền Trump sẽ cắt giảm phúc lợi Medicaid trị giá 1.100 tỷ USD và khiến gần 11,8 triệu người mất bảo hiểm y tế. Ngoài ra, ông Trump cũng sẽ tăng thuế đối với các quỹ tài trợ đại học và giảm trợ cấp năng lượng sạch.
Dù ông Trump cam đoan rằng các chương trình như Medicaid, Medicare và An sinh Xã hội sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng các con số từ CBO cho thấy điều ngược lại. Khảo sát từ KFF cho thấy gần hai phần ba người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về dự luật OBBBA, bao gồm đa số cử tri độc lập và dân chủ. Ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng xuất hiện sự chia rẽ: 72% người ủng hộ khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" (MAGA) tán thành dự luật OBBBA, nhưng chỉ 33% cử tri đảng Cộng hòa không theo MAGA đồng tình.
Đảng Dân chủ đang tận dụng điểm yếu này. Ủy ban Quốc gia Dân chủ (DNC) đã tổ chức hơn 130 cuộc họp trên toàn quốc để công kích dự luật OBBBA, nhấn mạnh vào việc người dân bị cắt khỏi Medicaid và SNAP (chương trình hỗ trợ thực phẩm).
“Hai phần ba người Mỹ không thích dự luật này – đó là con số khó có thể bỏ qua,” Meghan Hays, chiến lược gia Dân chủ, nhận định.
Trong một chiến thuật chính trị táo bạo, Tổng thống của đảng Cộng hòa đã chọn gộp toàn bộ chương trình nghị sự vào một "siêu dự luật", thay vì phân nhỏ thành từng phần dễ đàm phán hơn. Điều này cho thấy sự tự tin – nhưng cũng khiến toàn bộ chương trình nghị sự của ông trở thành mục tiêu tấn công duy nhất cho đối thủ trong cuộc bầu cử sắp tới.
Các nhà chiến lược đảng Cộng hòa hy vọng rằng cắt giảm thuế sẽ tạo hiệu ứng tích cực lên ví tiền người dân, củng cố hình ảnh Tổng thống Trump như người hùng chống lạm phát. Nhưng điều đó chỉ hiệu quả nếu nền kinh tế thực sự phản ứng tích cực – một điều chưa chắc chắn.
“Để hiện thực hóa các cam kết tranh cử, dự luật này phải được thông qua – nhưng cái giá phải trả là rất lớn,” Matt Terrill, cựu chiến lược gia của Marco Rubio, cho biết.
Dự luật thuế mới của ông Trump là một canh bạc lớn – có thể giúp ông ghi điểm với cử tri trung thành trong ngắn hạn, nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn về tài chính và chính trị trong dài hạn. Khi ngày bầu cử 2026 đến gần, liệu các khoản giảm thuế có đủ sức che mờ hệ quả của cắt giảm phúc lợi và thâm hụt khổng lồ? Đó sẽ là bài kiểm tra lớn cho ông Donald Trump – và cả nền kinh tế Mỹ.