Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần khung pháp lý cho bất động sản du lịch nông nghiệp

GIA NGUYỄN 21/06/2023 04:00

Xoay quanh Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), góp ý hoàn thiện, chuyên gia cho rằng, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, cần xây dựng khung pháp lý cho bất động sản du lịch nông nghiệp…

>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cân nhắc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ

Mặc dù được đánh giá là mô hình phát sinh từ nhu cầu thực tế, tuy nhiên, bất động sản du lịch nông nghiệp được cho chưa có căn cứ quy định đầy đủ của pháp luật đất đai và một số pháp luật khác liên quan. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, việc hoàn thiện chính sách pháp luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho loại hình này phát triển đúng quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Đất đai vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý, xây dựng hoàn thiện - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Luật Đất đai vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý, xây dựng hoàn thiện - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, thống kê cho thấy, đến hết năm 2022, cả nước đang có 580 điểm du lịch được công nhận, và gần 1.500 điểm du lịch khác đang hoạt động khai thác, trong đó có khoảng 70% điểm du lịch tại khu vực nông thôn, khai thác đặc trưng đời sống, canh tác, văn hóa nông nghiệp. Chưa kể, phát triển du lịch nông thôn là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Theo chuyên gia, khi xem xét thực trạng các quy định về bất động sản kết hợp du lịch nông nghiệp cho thấy, Luật Đất đai 2013 vẫn còn thiếu cơ chế, chiến lược tổng thể, bài bản mang tính lâu dài bền vững về quản lý, sử dụng đất du lịch nông nghiệp… trong khi, loại hình kinh doanh này không chỉ giúp ổn định cuộc sống mà còn được xem như nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ về vấn đề đã nêu, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường kiêm Trưởng khoa Pháp luật kinh tế, Trường đại học Luật Hà Nội cho biết, đất du lịch nông nghiệp chưa được định danh chính thức trong Luật Đất đai 2013. Điều 3 giải thích từ ngữ của Đạo luật này đã không đưa ra giải thích: Hiểu như thế nào là đất du lịch nông nghiệp? Điều 10 phân loại đất, cũng không quy định đất du lịch nông nghiệp xếp vào nhóm đất nào theo tiêu chí phân loại đất của Luật Đất đai 2013. Theo đó, loại đất này được xếp vào nhóm đất nông nghiệp hay nhóm đất phi nông nghiệp?

“Chính vì không định danh, giải mã khái niệm đất du lịch nông nghiệp nên pháp luật đất đai hiện hành chưa quy định cụ thể việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất du lịch nông nghiệp…?”, vị chuyên gia này bày tỏ.

>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đột phá về vấn đề tài chính đất đai

Theo chuyên gia, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung khung pháp lý cho bất động sản du lịch nông nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Theo chuyên gia, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung khung pháp lý cho bất động sản du lịch nông nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, trong Luật Đất đai 2013, các quy định mới chỉ “dừng lại” ở việc sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp, bao gồm: sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối mà chưa tích hợp, kết nối gắn kết giữa mục đích sử dụng đất nông nghiệp với phát triển du lịch.

Trong khi quy định về đất nông nghiệp, Điều 142 đất sử dụng cho kinh tế trang trại, dường như liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế du lịch, song khía cạnh sử dụng đất để phát triển du lịch nông nghiệp lại đề cập mờ nhạt, chung chung: “Nhà nước khuyến khích hình thức kinh tế trang trại của hộ gia đình, cá nhân nhằm khai thác có hiệu quả đất đai để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối gắn với dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.

Từ thực tế đã nêu, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến đánh giá, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản nói chung và phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp nói riêng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Khi hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… nên bổ sung một số điều, nhằm tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho bất động sản du lịch nông nghiệp vận hành, phát triển thông suốt, đồng bộ, lành mạnh và cụ thể hóa hơn bằng Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành.

“Với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào Điều 3 phần giải thích từ ngữ một điều khoản quy định hiểu như thế nào là đất du lịch nông nghiệp?”, vị chuyên gia này đề xuất.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, đây là loại đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nhưng không phải là sản xuất nông nghiệp thuần túy mà là sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, vừa tạo ra nông sản hàng hóa vừa phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, lưu trú, khám phá; trải nghiệm của khách nội địa lẫn quốc tế.

Ngoài ra, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng vào mục đích du lịch nông nghiệp; quy định quyền, nghĩa vụ cụ thể của tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp, hình thức tiếp cận đất đai và những ưu đãi thuế, tín dụng… để thu hút đầu tư, phát triển phân khúc bất động sản này. Và cần định danh tường minh đất du lịch nông nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp hay nhóm đất phi nông nghiệp.

“Đồng thời, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất vào mục đích du lịch nông nghiệp; về các loại hình dịch vụ hỗ trợ, đồng hành, chuyển giao công nghệ khoa học, kỹ thuật; cung cấp chuyên gia, kỹ năng, kiến thức, vốn; thu hút lượng khách du lịch; hợp tác quốc tế; thành lập hệ thống, mạng lưới… giúp phát triển du lịch nông nghiệp”, vị chuyên gia này lưu ý.

Được biết, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về quản lý, sử dụng đất đã đặt ra mục tiêu: “Có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai”. Với mục tiêu này cũng như thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản du lịch nông nghiệp được cho là yêu cầu cấp thiết cần được cân nhắc, xem xét và hoàn thiện.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cân nhắc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cân nhắc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ

    04:00, 09/06/2023

  • Sửa Luật Đất đai: Cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai

    Sửa Luật Đất đai: Cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai

    14:59, 09/06/2023

  • Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh với lĩnh vực đất đai

    Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh với lĩnh vực đất đai

    11:30, 30/05/2023

  • Hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) để Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới

    Hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) để Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới

    19:12, 25/05/2023

  • Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi

    Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi

    10:05, 22/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần khung pháp lý cho bất động sản du lịch nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO