Theo các chuyên gia, bên cạnh việc cần thể hiện được vị trí, vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng cần có đánh giá cụ thể về rủi ro môi trường…
>> Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): "Đánh thức" đầu tư vào dầu khí phải có cách nhìn mới
Luật Dầu khí hiện hành được ban hành ngày 6/7/1993, sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành Dầu khí. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện phát sinh một số vấn đề mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí, cần được nghiên cứu hoàn thiện.
Điển hình như, một số quy định trong luật hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi, chưa có sự đồng bộ với các luật liên quan, chưa cập nhật tình hình phát triển năng lượng trong bối cảnh hiện nay… Từ yêu cầu thực tiễn cho thấy, đã đến lúc cần xem xét, sửa đổi Luật Dầu khí để phù hợp, tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư.
Theo đó, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV tới đây, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ lần đầu được đưa ra xem xét, thảo luận trước Quốc hội.
>> Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Bổ sung quy định về đầu tư dự án dầu khí
Thông tin tại hội thảo “Một số vấn đề thực tiễn đặt ra trong hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí nhằm góp phần phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam” mới đây, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, bối cảnh hiện nay có nhiều nhân tố mới, nhiều xu hướng mới nhưng chưa được thể hiện đầy đủ trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) như vấn đề ở Biển Đông, sự thay đổi cục diện bản đồ năng lượng khu vực; vấn đề về biến đổi khí hậu; vấn đề cạnh tranh giá.
Đặc biệt, theo TS Sang, dù xuất hiện nhiều “nhân tố mới” như đã nêu nhưng, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) chưa được thể hiện đầy đủ. Trong khi, những xu hướng mới này đặt ra những thách thức như: sự chủ động trong ứng phó, trong ưu tiên, trình tự khuyến khích đầu tư, chi ngân sách đầu tư, huy động các loại hình vốn đầu tư, kể cả Nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài, liên quan đến quyền quyết định, quyền tự chủ đối với PVN.
Còn Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam - Nguyễn Huy Quý cho rằng, dự thảo sau này đã có nhiều tiến bộ, cơ bản lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà quản lý. Việc phân cấp, phân quyền đã được thể hiện rõ trong dự thảo, thế nhưng, vẫn chưa phản ánh được vị trí, vai trò của PVN, khi mà bối cảnh vừa qua đã xảy ra những trường hợp tranh chấp trong hoạt động dầu khí.
Cụ thể, Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, khoản 58 Điều 3, Điều 54, 55 chưa phản ánh được vị trí, vai trò của PVN, chưa đáp ứng được yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng quan điểm đã nêu, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng đánh giá, vấn đề xử lý tranh chấp chưa được thể hiện rõ trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đây là vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp, trong khi nhà đầu tư nước ngoài có vai trò rất lớn.
“Từ kinh nghiệm thực tiễn, việc trao quyền đến mức nào thì mình chấp nhận và nó không gây ra xung đột quá lớn dưới góc độ Nhà nước, nhưng lại được quyền đại diện để xử lý tranh chấp”, TS. Thành chia sẻ.
Bên cạnh việc thể hiện vai trò của PVN tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), các chuyên gia cũng cho biết, Điều 38 Luật Dầu khí có đề cập đến vai trò của Bộ Công Thương, bao gồm: tổng hợp, theo dõi, báo cáo tình hình, kết quả tìm kiếm thăm dò, khai thác, tiêu thụ dầu khí, xuất khẩu dầu khí. Thế nhưng, các hoạt động hiện nay Bộ vẫn đang làm như nhập khẩu xăng dầu, quản lý thị trường xăng dầu, an ninh xăng dầu thì vẫn chưa được cập nhật vào dự thảo mới.
Theo chuyên gia kinh tế - Nguyễn Minh Phong, khi có điều khoản này vào nội dung mới của luật thì mới có căn cứ để bỏ quỹ bình ổn giá. Khi đã hình thành thể chế về quản lý an ninh năng lượng dầu khí thì chúng ta sẽ khẳng định hơn vai trò của dự trữ dầu khí quốc gia, từ đó bỏ quỹ bình ổn giá.
Tiếp tục cho ý kiến góp ý về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cũng cho hay, trong dự thảo luật không đề cập đến công tác phòng ngừa sự cố trong khi đây là nội dung quan trọng.
Từ đó, ông Sơn đề xuất, dự thảo cần quy định đánh giá cụ thể về rủi ro môi trường của những dự án một cách cụ thể, quyết liệt, ở cả khâu tổ chức, thẩm định, kịch bản. Khâu giám sát, kiểm tra xử lý, công bố thông tin cũng cần đưa vào văn bản dự thảo luật.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): "Đánh thức" đầu tư vào dầu khí phải có cách nhìn mới
04:00, 15/04/2022
PVN đề xuất sớm ban hành Luật Dầu khí sửa đổi
14:59, 24/03/2022
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Bổ sung quy định về đầu tư dự án dầu khí
03:50, 04/01/2022
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Thêm quy định điều tra cơ bản về dầu khí
04:00, 27/12/2021
Petrovietnam tích cực đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
18:21, 04/11/2021