Xoay quanh nội dung Luật Dầu khí (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc, bổ sung chính sách ưu đãi để thể hiện tính bao quát, ưu đãi cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích…
>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Không điều chỉnh hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn
Mặc dù được đánh giá đã phần nào đáp ứng được mục tiêu ưu đãi, thu hút, loại bỏ nhiều rào cản thu hút đầu tư; về những chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng cần phải cân nhắc, xem xét bổ sung về chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí như cần phải bổ sung thêm điều kiện ưu đãi.
Đặc biệt, trong luật cần đề cập đến việc có đặc thù riêng cho việc lựa chon nhà thầu cung cấp dịch vụ cho hoạt động dầu khí, bởi hầu hết các dự án tìm kiếm thăm dò không sử dụng vốn trong nước, một số hoạt động nằm trong vùng nhạy cảm chính trị (không đấu thầu quốc tế rộng rãi, chỉ đấu thầu trong nước), các hoạt động dầu khí chủ yếu nằm trong khu vực xa bờ, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài trong một tổ hợp cần phải có sự dung hoà.
Bên cạnh đó, cần có định nghĩa về khai thác tận thu trong hoạt động dầu khí; cần phải thực hiện theo nguyên tắc hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư và nước chủ nhà…
Thông tin tại Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) mới đây, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - Nguyễn Quốc Thập cho rằng, cần cân nhắc, bổ sung chính sách ưu đãi, chẳng hạn như bổ sung thêm khoản: Trường hợp kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò, nhà đầu tư thấy cần ưu đãi cao hơn để chuyển sang giai đoạn khai thác, thì họ sẽ trình hồ sơ xin thay đổi, Bộ Công Thương thẩm định.
“Nếu bổ sung điểm này, luật ra đời sẽ thể hiện tính bao quát, ưu đãi cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích”, ông Thập bày tỏ.
>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Phân định tài nguyên Nhà nước với phần sở hữu PVN
Theo Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, Dự thảo luật cần đề cập tới đặc thù riêng cho doanh nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí, như vậy sẽ phản ánh đúng tình hình, không cản trở vì thủ tục hành chính làm phát sinh chi phí cho nhà đầu tư. Mặt khác, trong hoạt động khai thác có tình huống khai thác tận thu, nhưng Dự thảo chưa có khái niệm “khai thác tận thu, khai thác vét”, trong khi thực tế đang có một số mỏ khai thác vét, tận thu. Do vậy cần bổ sung đây là đối tượng của luật.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong, cần thiết kế luật theo tư duy tăng thu hút đầu tư, nhà đầu tư trong thăm dò khai thác dầu khí. Bên cạnh đó, cần làm rõ các khái niệm về áp dụng chính sách ưu đãi trong hoạt động xuất - nhập dầu khí.
Đồng thời, cũng nên thiết kế bổ sung quy định về tước bỏ ưu đãi với nhà đầu tư trong trường hợp nào, phòng trường hợp bị lạm dụng ưu đãi. Ưu đãi phải có nguyên tắc, có quy định việc thu hồi ưu đãi nếu sai phạm, không tuân thủ các quy định.
Vị chuyên gia này cũng đề xuất, nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20%; tăng thuế xuất khẩu lên gấp đôi, nếu không lại xảy ra câu chuyện “mua đắt mua rẻ”. Và phải đặc biệt chú ý tới vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Đồng tình với quan điểm của TS. Nguyễn Minh Phong về việc cần có điều khoản, quy định về thu hồi ưu đãi, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho hay, đây cũng là theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, cách thể hiện trong luật thế nào để mang tính cảnh báo nếu trường hợp nhà đầu tư không đảm bảo môi trường, công nghệ, đầu tư…
Ông Thành lưu ý, khi làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, nếu họ “đem lại chiếc bánh to hơn” thì sẽ có chính sách kéo dài ưu đãi, mang tính chất “thưởng” cho họ. Do đó, nên thiết kế chính sách thưởng ưu đãi cho nhà đầu tư trong thăm dò, khai thác dầu khí.
Bên cạnh vấn đề đã nêu, trước đó, góp ý Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, tổ chức tiến hành hoạt động dầu khí phải trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp sự cố môi trường, phải xây dựng kế hoạch riêng và phải được thẩm định, phê duyệt. Không nên coi đó như một thủ tục hành chính, sau khi làm xong, được phê duyệt thì coi như xong và cất vào tủ.
Được biết, Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khoá XV sắp tới.
Có thể bạn quan tâm
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Không điều chỉnh hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn
13:27, 15/06/2022
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Phân định tài nguyên Nhà nước với phần sở hữu PVN
12:59, 15/06/2022
Luật Dầu khí (sửa đổi) cần đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển ngành dầu khí
12:46, 15/06/2022
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần một chương thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế
11:38, 15/06/2022
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tạo lợi thế cạnh tranh từ chính sách ưu đãi
19:24, 03/06/2022