Để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các luật khác, theo chuyên gia, cần đưa vào Luật Dầu khí (sửa đổi) một số quy định đã có ở một số văn bản dưới Luật…
>> Sửa Luật Dầu khí: Thêm quy định chuyển tiếp ưu đãi đầu tư là cần thiết
Theo đó, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) lần đầu được trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 và dự kiến thông qua tại kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV. Việc sửa đổi Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan được cho sẽ giúp mở cánh cửa mới cho ngành Dầu khí Việt Nam nói riêng và cho hành trình phát triển năng lượng của đất nước nói chung.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, điều kiện khai thác dầu khí ngày càng khó khăn, nhất là dầu thô; môi trường đầu tư dầu khí tiềm ẩn nhiều rủi ro… Chưa kể những khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, khó khăn trong cơ chế chính sách pháp luật đã và đang ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.
Thực tế, quá trình xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) thời gian qua cho thấy, quy trình rà soát các quy định về chính sách của Nhà nước về dầu khí đã phần nào đảm bảo sự cụ thể, khả thi như quy định về chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư.
Có cơ chế, chính sách tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức trong và ngoài nước để phát triển ngành dầu khí, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ. Tạo căn cứ pháp lý để điều tra, khai thác các dạng năng lượng mới trong lĩnh vực dầu khí, các nguồn dầu khí phi truyền thống như khí than, khí đá phiến.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là Luật chuyên ngành, nhiều nội dung khó, qua thực tiễn thi hành Luật, bên cạnh kết quả tích cực, hoạt động dầu khí cũng đã và đang phát sinh những vướng mắc cần sửa đổi.
>> Sửa Luật Dầu khí: Cần bổ sung các quy định về lựa chọn nhà thầu
Đặc biệt, có nhiều vấn đề đã và đang được quy định tại các văn bản dưới Luật cần được quy định trong Luật Dầu khí (sửa đổi) để nâng cao hiệu lực thi hành và đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với các Luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Quản lý vốn Nhà nước, Luật Đấu thầu…
Thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong Điều 4 Luật Đầu tư xác định rõ các Luật khác ban hành sau Luật Đầu tư phải xác định nội dung cụ thể thực hiện hoặc không thực hiện theo Luật Đầu tư. Thế nhưng, trong Luật Dầu khí (sửa đổi) lần này, hoạt động về thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải tuân theo Luật nào vẫn chưa được làm rõ là Luật Đầu tư hay Dầu khí?
“Đấy là một ví dụ để chúng ta thấy rằng cần rà soát để khẳng định rõ khi nào theo Luật gốc đã ban hành, khi nào theo Luật Dầu khí sắp ban hành, nếu không sẽ vướng”, TS Nguyễn Minh Phong bày tỏ.
Ngoài nội dung đã nêu, tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, các đại biểu cũng nhấn mạnh, đối với các trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể phải xem xét, điều chỉnh, tránh trùng lặp.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Khắc Định, khoản 2 mâu thuẫn với khoản 1, nó rất khó áp dụng, đề nghị Bộ Tư pháp, Ủy ban pháp luật thiết kế với nhau sao cho hợp lý, viết chi tiết như thế này dễ nhưng khó, “tự ghè đá chân mình”.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Nguyễn Khánh Ngọc, vấn đề khó nhất hiện nay là mối quan hệ giữa Luật này với Luật khác, thiết kế rất khó, thống nhất quan điểm trong lĩnh vực dầu khí có những nội dung đặc thù, và cần phải có quy định riêng cho lĩnh vực này, đảm bảo thu hút đầu tư.
“Vì vậy, cần phải thiết kế kỹ hơn”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp – Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ.
Được biết, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tới đây gồm 11 Chương 64 Điều, với mục tiêu kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Dầu khí: Thêm quy định chuyển tiếp ưu đãi đầu tư là cần thiết
04:00, 04/10/2022
Sửa Luật Dầu khí: Cần bổ sung các quy định về lựa chọn nhà thầu
04:00, 03/10/2022
Sửa Luật Dầu khí: Cần rõ phân cấp, phân quyền
04:00, 02/10/2022
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tránh chồng chéo, đảm bảo tính khả thi
04:00, 30/09/2022
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần cơ chế khuyến khích nhà đầu tư
03:50, 21/09/2022