Nghiên cứu - Trao đổi

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Cần tạo sự thông thoáng, đột phá

Gia Nguyễn 31/03/2025 04:30

Góp ý Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, một số chuyên gia cho rằng, Luật mới phải “thông thoáng” và “tạo sự đột phá” trong nghiên cứu khoa học.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW thông qua các quy định như chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân chủ trì, người phê duyệt nhiệm vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước trong quá trình phê duyệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; tổ chức chủ trì không phải bồi hoàn kinh phí đã sử dụng.

du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-30.3.1.jpg
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được cho đã thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW - Ảnh minh họa: ITN

Đáng chú ý, Dự thảo Luật còn quy định các tổ chức nghiên cứu, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ thuộc tổ chức được thành lập, tham gia góp vốn và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu; Đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ phục vụ cho việc đánh giá hiệu quả hoạt động, cấp kinh phi hoạt động, sáp nhập, giải thể; Quy định liên quan đến cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các công nghệ.

Dự thảo cũng mở rộng nhân lực hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ bao gồm nhân lực trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập mà còn bao gồm nghiên cứu sinh, nghiên cứu viên sau tiến sĩ, cá nhân quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ quan quản lý Nhà nước; cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong trong doanh nghiệp; cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy ứng dụng công nghệ độc lập hoặc trong các tổ chức khác…

du-thao-luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-30.3.2.jpg
Góp ý Dự thảo Luật, một số chuyên gia cho rằng, Luật mới phải “thông thoáng” và “tạo sự đột phá” trong nghiên cứu khoa học - Ảnh minh họa: ITN

Đánh giá cao những đề xuất của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, Luật mới phải “thông thoáng” và “tạo sự đột phá” trong nghiên cứu khoa học, làm sao để nhà khoa học có thể dành 80% cho nghiên cứu, 20% cho thanh quyết toán, nhưng thực tế hiện nay họ phải dành tới 50% cho vấn đề này, đó là điều mất cân đối và lãng phí thời gian.

Bên cạnh đó, Luật mới cần giải quyết vấn đề rủi ro trong nghiên cứu, cần tháo gỡ để nhà khoa học yên tâm nghiên cứu mà không phải lo đến trách nhiệm hình sự nếu xảy ra sai sót.

Theo TS Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, giáo dục đào tạo cùng với khoa học và công nghệ luôn được xác định là hai lĩnh vực then chốt, nhưng khoa học và công nghệ phát triển chưa tương xứng với kỳ vọng. Do đó, Luật sửa đổi cần có sự nhìn nhận toàn diện về lĩnh vực này.

Còn theo GS, TS Bùi Tiến Thành - Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhìn xuyên suốt Dự thảo lần này cho thấy, có sự “cất cánh” của khoa học công nghệ và đây sẽ là động lực phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cần có cơ chế tài chính đầu tư cho khoa học công nghệ, bởi hiện nay nghe tới 2-5% GDP dành cho nghiên cứu khoa học tưởng chừng là rất ấn tượng, nhưng nói ra con số cụ thể rồi so với các nước lớn thì lại là rất nhỏ và như vậy sẽ không thể "đua" theo được.

“Ngoài ra, trên thế giới có các tạp chí khoa học lớn là "sân chơi" tốt cho các nhà khoa học đăng tải kết quả nghiên cứu. Trong khi chúng ta còn thiếu nhưng kho lưu trữ dữ liệu. Các trường đại học cũng không có tạp chí nào. Trên thế giới đang công nhận sáng chế và xuất bản. Do đó, Luật sửa đổi cần quan tâm đến vấn đề này”, vị chuyên gia này bài tỏ.

Đồng thời, liên quan đến sản phẩm khoa học, vị chuyên gia này nhấn mạnh, Luật cần bổ sung sự hợp tác vì có như vậy mới làm được khoa học, không thể làm theo tiêu chuẩn riêng. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật không nói đến các trường đại học, trong khi vai trò của nhà trường là rất lớn. Thực tế, các nước phát triển khoa học công nghệ luôn nổi bật lên vai trò của công tác đào tạo tại các trường đại học. Do vậy, cần quan tâm đến vấn đề này.

Góp ý Dự thảo Luật, TS Nguyễn Thị Thu Nga - Viện chiến lược và khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Dự thảo Luật nói về nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế để huy động tối đa nguồn lực nhưng lại đặt ra quá "nặng" về thủ tục hành chính và điều kiện với các chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư nước ngoài,… do đó, cần giảm bớt thủ tục, cân đối các điều kiện để tạo sự hấp dẫn, thu hút được nhiều nguồn lực tham gia.

Hay đối với nhân lực trong nước được quy định tại Điều 55, Điều 42 của Dự thảo vẫn mang tính "khẩu hiệu" và không có cơ chế đảm bảo. Nếu không được cụ thể hóa và có cơ chế đảm bảo thực hiện sẽ chỉ "nằm trên giấy".

Theo vị chuyên gia này, Dự thảo Luật đưa ra nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư (Điều 93) nhưng chưa có cơ chế ràng buộc. Điều này có thể dẫn đến vấn đề lợi dụng ưu đãi hoặc làm việc không hiệu quả. Do vậy, cần đưa ra ưu đãi trong thời gian bao nhiêu, trong thời gian đó cần mang lại hiệu quả cụ thể thế nào thì mới nhận được ưu đãi.

Cùng với các vấn đề đã nêu, tham gia góp ý, không ít ý kiến cũng cho hay, Dự thảo Luật lần này đã làm rõ ràng nhiều nội dung, nhưng cần giải quyết sự chồng chéo giữa Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với Luật Đấu thầu, Luật Kế toán,…

Được biết, theo dự kiến, Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Cần tạo sự thông thoáng, đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO