Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự: Cần đảm bảo phân định phạm vi điều chỉnh

GIA NGUYỄN 26/10/2022 03:00

Để khắc phục những tồn tại, bất cập, tránh chồng chéo khi áp dụng thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự cần đảm bảo phân định được phạm vi điều chỉnh…

>> Thủ tướng ban hành kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 Chương, 71 Điều, được cho sẽ cùng với quy định của các luật chuyên ngành tạo thành cơ chế đồng bộ, thống nhất, có phân công, phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng, đặc biệt là vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong phòng, chống, khắc phục thảm hoạ sự cố. Tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân; nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Quy định của Luật Phòng thủ dân sự phải cùng với quy định của các luật chuyên ngành tạo thành cơ chế đồng bộ, thống nhất - Ảnh minh họa: BCP

Quy định của Luật Phòng thủ dân sự phải cùng với quy định của các luật chuyên ngành tạo thành cơ chế đồng bộ, thống nhất - Ảnh minh họa: BCP

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Phòng thủ dân sự tại Phiên họp toàn thể lần thứ 3 do Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban nêu rõ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ; đồng thời cho rằng, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng thủ dân sự; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, cơ quan, tổ chức.

Nội dung Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Việc xây dựng luật cần bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng đây là đạo luật quy định các nguyên tắc, cơ chế chung về phòng thủ dân sự, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật và bảo đảm tính khả thi.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh - Nguyễn Hải Hưng, hồ sơ Dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị cơ bản đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều nội dung được nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu. Cơ quan soạn thảo đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến tại các Thông báo kết luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; rà soát thể chế hoá các chính sách tại Nghị quyết số 22-NQ/TW thành nhiều nội dung quan trọng tại Dự thảo Luật; bổ sung thông tin, kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, còn những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện.

Cụ thể, bên cạnh những mặt tích cực, đánh giá thẩm tra Dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật rộng, liên quan đến hoạt động, chính sách, biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm hoạ, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Nhiều nội dung có liên quan đã được điều chỉnh bởi nhiều luật chuyên ngành.

Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần phân tích làm rõ sự khác nhau giữa quy định của Dự thảo Luật và các luật liên quan - Ảnh minh họa: BCP

Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần phân tích làm rõ sự khác nhau giữa quy định của Dự thảo Luật và các luật liên quan - Ảnh minh họa: BCP

Do đó, để bảo đảm phân định được phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, cần xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là văn bản pháp lý thống nhất, quy định những nguyên tắc, vấn đề chung, bao quát nhất về phòng thủ dân sự, không quy định lại các dạng thảm hoạ, sự cố và các hoạt động phòng, chống, khắc phục thảm hoạ, sự cố đã có.

Bên cạnh đó, quy định của Luật Phòng thủ dân sự phải cùng với quy định của các luật chuyên ngành tạo thành cơ chế đồng bộ, thống nhất, có phân công, phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng, đặc biệt là vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trong phòng, chống, khắc phục thảm hoạ sự cố.

Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo cần phân tích làm rõ sự khác nhau giữa quy định của Dự thảo Luật và các luật liên quan, làm cơ sở để quy định những nội dung cụ thể nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự.

Dù cơ bản nhất trí với bố cục Dự thảo Luật, tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm cân đối các nội dung lớn, giữa các chương, mục; nghiên cứu bổ sung các nội dung để làm rõ hơn về các chính sách xây dựng luật và quy định đầy đủ các nội dung cần bãi bỏ, thay thế trong các luật hiện hành để dễ thực hiện.

Trước đó, góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật, nhiều ý kiến cũng đề xuất cơ quan soạn thảo, cần rà soát, cân nhắc một số nội dụng để đảm bảo tính thống nhất, khả thi.

Theo Thượng tá Cao Trần Quốc Hoàng - Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. Hà Nội, “tình trạng khẩn cấp” tại Dự thảo Luật là khái niệm mới, do đó, việc quy định vào Dự án Luật Phòng thủ dân sự nội hàm khẩn cấp là không phù hợp.

“Nếu xác định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tình trạng khẩn cấp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt trong thời điểm chống dịch COVID-19 vừa qua thì cần tập trung xây dựng Luật Tình trạng khẩn cấp trên cơ sở nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành Luật; thu hút các quy phạm về tình trạng khẩn cấp tại các văn bản Luật khác nhau đưa vào Luật Tình trạng khẩn cấp, tạo sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong hệ thống văn bản quy định về tình trạng khẩn cấp”, Thượng tá Cao Trần Quốc Hoàng bày tỏ.

Về phạm vi điều chỉnh, theo Thiếu tướng Trương Quang Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, nội dung phạm vi điều chỉnh chưa đầy đủ, cần bổ sung thêm nội dung “khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố” vì đây là một hoạt động quan trọng trong phòng thủ dân sự. Mặt khác, Luật Phòng thủ dân sự là khung pháp lý để chủ động ứng phó với các thảm họa, sự cố, bảo vệ Nhân dân.

Thiếu tướng Trương Quang Hoài đề nghị, bổ sung quy định về đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự; đề nghị quy định cụ thể nội dung chương trình đào tạo phòng thủ dân sự tại các nhà trường, học viện và nội dung chương trình huấn luyện phòng thủ dân sự cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, rộng rãi để bảo đảm tính thống nhất và dễ áp dụng thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được chỉnh lý 87/117 điều

    Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đã được chỉnh lý 87/117 điều

    03:30, 25/10/2022

  • Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Một số quy định còn thiếu rõ ràng

    Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Một số quy định còn thiếu rõ ràng

    03:30, 15/10/2022

  • Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Xác lập bảng giá đất sẽ là thách thức lớn

    Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Xác lập bảng giá đất sẽ là thách thức lớn

    03:30, 13/10/2022

  • Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”

    Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”

    03:50, 09/10/2022

  • Dự thảo luật nhà ở (sửa đổi) và luật kinh danh bất động sản (sửa đổi)

    Dự thảo luật nhà ở (sửa đổi) và luật kinh danh bất động sản (sửa đổi)

    10:42, 08/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự: Cần đảm bảo phân định phạm vi điều chỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO