Nhiều ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét sửa lại khoản 3 Điều 15 Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) nhằm tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp.
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (Dự thảo) gồm 4 Chương, 18 Điều. Dự thảo về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Theo đó, Dự thảo giữ nguyên nội dung quy định tại 05 Điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành, sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 11 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành, đồng thời bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế GTGT và 01 Điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.
Dự thảo được xây dựng với mục đích hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách nhà nước, đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết và các nội dung của Dự thảo, tuy nhiên, Dự thảo còn tồn tại một số quy định bất cập nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của các chuyên gia, doanh nghiệp, đại biểu.
Cụ thể tại khoản 3 Điều 15 Dự thảo quy định về các trường hợp hoàn thuế "... Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế GTGT 5%, trừ hoạt động thanh lý tài sản nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng liên tục hoặc 4 quý liên tiếp thì được hoàn thuế GTGT". Theo quy định này, chỉ những doanh nghiệp áp dụng duy nhất thuế suất GTGT 5% mới được hoàn thuế, còn các doanh nghiệp có từ hai loại thuế suất GTGT trở lên sẽ không được hoàn thuế.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên chưa thực tế, điều này tạo ra sự thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp có nhiều loại thuế suất GTGT. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp được tự do kinh doanh nên đa phần là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, rất ít doanh nghiệp chỉ sản xuất một lĩnh vực chịu thuế GTGT 5%. Do đó, mong muốn việc sửa Luật Thuế GTGT - luật có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và toàn dân cần phải được đảm bảo công bằng đối với các doanh nghiệp, đồng thời phải phù hợp thực tiễn xã hội.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, cần phải xem xét, điều chỉnh khoản 3 Điều 15 của Dự thảo.
"Về bản chất, hoàn thuế GTGT trong trường hợp nêu tại khoản 3 Điều 15 Dự thảo là hoàn thuế cho cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5%. Trong khi đó, thuế GTGT đầu vào của chi phí có mặt hàng chịu thuế suất 10% nên lũy kế thuế GTGT liên tục có khấu trừ. Việc khống chế 5% để đảm bảo bản chất là không giải quyết hoàn thuế cho hàng tồn kho. Quy định này tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh sản xuất, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất khác nhau. Do đó, tôi đề nghị xem xét, sửa đổi lại để đảm bảo số thuế GTGT được hoàn không vượt quá 5% doanh thu của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 5%, trừ hoạt động thanh lý tài sản" - đại biểu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa bình cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ hơn đối với quy định tại khoản 3 Điều 15 dự thảo Luật về hoàn thuế GTGT.
"Theo quy định, trường hợp các đơn vị sản xuất có cả hàng hóa chịu thuế suất 5% và hàng hóa khác chịu thuế suất 10%, thuế GTGT nguyên liệu đầu vào đều thuế suất 10%, doanh thu chủ yếu từ các mặt hàng chịu thuế suất 5%, doanh nghiệp sẽ không thể khấu trừ hết các số thuế GTGT nhiên liệu đầu vào 10% hằng năm và không được hoàn thuế. Theo đó, số thuế GTGT được khấu trừ tăng dần qua các năm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp...", đại biểu Ngọc nhận định.
Về phía chuyên gia, ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về thuế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cũng nhận định, nêu tại khoản 3 Điều 15 Dự thảo không chỉ không thống nhất với các điều khoản khác của Dự thảo, mà đặc biệt, còn tạo ra sự không công bằng đối với các doanh nghiệp có từ 02 loại thuế suất thuế GTGT trở lên.
“Do đó, Quốc hội và các cơ quan soạn thảo cần xem xét sửa lại khoản 3 Điều 15 cho phù hợp thực tiễn và tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp”, chuyên gia này nhấn mạnh.