Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, VCCI lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng trùng lặp về nội dung công việc khi làm các thủ tục hành chính…
>> Sửa Luật Dầu khí: Còn thiếu linh hoạt trong áp dụng các hình thức hợp đồng
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 274/BCT-DKT của Bộ Công Thương về việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí (Dự thảo).
Cụ thể, về lựa chọn tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí, Dự thảo hiện quy định theo hướng các tổ chức đủ năng lực chủ động đề xuất thực hiện các đề án điều tra cơ bản về dầu khí cho từng giai đoạn 05 năm tiếp theo và gửi hồ sơ về Tập đoàn Dầu khí. Tập đoàn sẽ lựa chọn tổ chức chủ trì thực hiện đề án (Điều 3.3 của Dự thảo) và báo cáo Bộ Công Thương để đưa vào Danh mục đề án điều tra điều tra cơ bản về dầu khí.
Góp ý về nội dung đã nêu, VCCI cho rằng, quy định như Dự thảo chưa rõ ràng về hình thức lựa chọn tổ chức chủ trì thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí. Bởi, trong trường hợp có nhiều tổ chức cùng đủ điều kiện và đề xuất các đề án giống nhau hoặc có sự chồng lấn với nhau thì không rõ Tập đoàn Dầu khí sẽ tiến hành lựa chọn như thế nào. Việc thiếu vắng quy định này có thể dẫn đến sự tuỳ tiện trong quá trình thực hiện, thậm chí gây tranh chấp, xung đột giữa các bên liên quan.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về phương thức lựa chọn khi các đề án được đề xuất có nội dung trùng lặp hoặc chồng lấn.
>> Sửa Luật Dầu khí: Đảm bảo tính đồng bộ với các luật khác
Đồng thời, góp ý Điều 4 của Dự thảo quy định về điều kiện của tổ chức chủ trì thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, trong đó, điều kiện thứ nhất về năng lực tài chính và điều kiện thứ hai về máy móc, thiết bị, nhân lực là chưa đủ minh bạch.
Cụ thể, Điều 4.1 quy định: “Có báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 03 năm liền gần nhất hoặc bảo lãnh của công ty mẹ hoặc bảo lãnh của tổ chức tín dụng, tài chính chứng minh có đủ năng lực tài chính hoặc có cam kết được tài trợ, cấp vốn bởi công ty mẹ hoặc bảo lãnh của tổ chức tín dụng, tài chính để thực hiện đề án điều tra cơ bản về dầu khí”.
“Quy định này mới chỉ xác định được hình thức hồ sơ (báo cáo gì, thư bảo lãnh gì) chứ chưa xác định được năng lực tài chính như thế nào (bao nhiêu tiền) mới đủ điều kiện. Trong khi, theo quy định tại Điều 10.4 của Luật Dầu khí thì việc lựa chọn tổ chức chủ trì thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện trước khi phê duyệt dự toán chi phí. Như vậy, không có cơ sở nào để xác định năng lực tài chính như thế nào là đủ để thực hiện đề án”, VCCI đánh giá.
Bên cạnh đó, Điều 4.2 quy định: “Có phương án huy động đủ máy móc, thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thực hiện đề án”. Theo VCCI, quy định này cũng không rõ máy móc, thiết bị, nhân lực như thế nào là đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thực hiện đề án.
“Các quy định không minh bạch này có thể dẫn đến tuỳ tiện trong quá trình áp dụng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo loại bỏ, hoặc quy định chi tiết hơn hai điều kiện này”, VCCI góp ý.
Đánh nói, về nội dung công việc khi làm các thủ tục hành chính, theo VCCI, nhiều thủ tục hành chính trong Dự thảo hiện đang được thiết kế với hai bước thẩm định và đánh giá, trùng lặp về nội dung công việc giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Công Thương, gây tốn kém về thời gian và công sức.
Cụ thể: Thủ tục nghiệm thu, phê duyệt kết quả đề án điều tra cơ bản về dầu khí tại Điều 8 của Dự thảo hiện được chia thành nghiệm thu cấp cơ sở do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiến hành và nghiệm thu cấp bộ do Bộ Công Thương tiến hành. Trong khi đó, Luật Dầu khí chỉ quy định việc nghiệm thu của Bộ Công Thương (Điều 10.4.c của Luật Dầu khí);
Thủ tục gia hạn tìm kiếm thăm dò dầu khí, hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt theo Điều 31.4 của Luật Dầu khí tại Điều 27 của Dự thảo: nhà thầu gửi hồ sơ để Tập đoàn Dầu khí xem xét, đánh giá; Tập đoàn Dầu khí gửi hồ sơ để Bộ Công Thương thẩm định; Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt. Trong khi đó, Luật Dầu khí chỉ quy định việc thẩm định của Bộ Công Thương (Điều 31.4);
Thủ tục giữ lại diện tích phát hiện khí tại Điều 28.4 của Dự thảo: nhà thầu đề nghị Tập đoàn xem xét, đánh giá; Tập đoàn báo cáo Bộ Công Thương thẩm định; Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt;
Thủ tục mở rộng diện tích hợp đồng dầu khí, hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí tại Điều 32 của Dự thảo: nhà thầu đề nghị Tập đoàn xem xét, đánh giá; Tập đoàn báo cáo Bộ Công Thương thẩm định; Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt;
Thủ tục chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tại Điều 33 của Dự thảo.
Từ các dẫn chứng đã nêu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại các quy định này theo hướng chỉ cần làm một lần thủ tục, cơ quan hoặc đơn vị còn lại sẽ được hỏi ý kiến trong quá trình đánh giá hoặc thẩm định.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Dầu khí: Còn thiếu linh hoạt trong áp dụng các hình thức hợp đồng
03:30, 25/10/2022
Sửa Luật Dầu khí: Đảm bảo tính đồng bộ với các luật khác
04:00, 20/10/2022
Sửa Luật Dầu khí: Thêm quy định chuyển tiếp ưu đãi đầu tư là cần thiết
04:00, 04/10/2022
Sửa Luật Dầu khí: Cần bổ sung các quy định về lựa chọn nhà thầu
04:00, 03/10/2022
Sửa Luật Dầu khí: Cần rõ phân cấp, phân quyền
04:00, 02/10/2022