Đánh giá cao việc sửa đổi Nghị định về đăng ký doanh nghiệp, tuy nhiên, góp ý hoàn thiện, chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc quy định về ghi giá trị giao dịch thực tế…
>> Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp: Cần quy định cụ thể, tường minh hơn
Theo đó, nhằm triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 4/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp (Nghị định 01), cùng với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác để cụ thể hóa những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp, tạo điều kiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính nói chung và thủ tục đăng ký doanh nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, Nghị định 01 đã xuất hiện một số vướng mắc, cần phải được tiếp tục hoàn thiện hơn nữa để kịp thời đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định 01 được cho là điều rất cần thiết để khắc phục những điểm hạn chế của chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, khoản 3 Điều 83 của Dự thảo, điểm a khoản 2 Điều 66 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020 (Nghị định 31) được điều chỉnh như sau:
“Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về đăng ký doanh nghiệp của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; ngành, nghề kinh doanh; danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập, danh sách chủ sở hữu, thành viên, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có); tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; giá trị giao dịch thực tế của hợp đồng góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thông tin về dự án đầu tư của tổ chức kinh tế (nếu có)”.
Cụ thể, quy định trên yêu cầu giá trị giao dịch ghi tại Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần phải là giá trị giao dịch “thực tế”, thay vì giá trị giao dịch “dự kiến” như quy định hiện hành tại điểm a khoản 2 Điều 66 của Nghị định 31.
>> Vì sao Đà Nẵng dự kiến thu hồi gần 800 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?
Góp ý Dự thảo chính sách, Luật sư Hoàng Thanh Tuấn - Công ty Luật TNHH DIMAC cho rằng, điểm sửa đổi này có thể thuận tiện trong việc quản lý và nắm được giá trị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Tuy nhiên, việc ghi giá trị giao dịch thực tế tại Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần là không phù hợp.
Theo Luật sư Tuấn, sự không phù hợp xuất phát từ những lý do như: Tại thời điểm đăng ký góp vốn, mua cổ phần, bên bán và bên mua chưa ký kết hợp đồng mua bán/chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp chính thức mà mới chỉ thỏa thuận về mặt nguyên tắc về các nội dung chính của giao dịch. Trên thực tế, giá trị chuyển nhượng/mua bán cổ phần sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như kết quả thẩm định pháp lý của nhà đầu tư hay đánh giá của nhà đầu tư đối với tình hình tài chính của công ty.
Nếu bắt buộc phải ghi giá trị thực tế thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thanh toán chính xác số tiền ghi tại Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần. Việc này có thể gây bất lợi và khó khăn cho bên bán và bên mua nếu các bên mong muốn điều chỉnh giá cho phù hợp;
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá là dựa trên nguyên tắc tự do thỏa thuận quy định tại Bộ luật Dân sự, các bên có quyền thỏa thuận và thay đổi giá chuyển nhượng/mua bán.
Vì vậy, vị chuyên gia này đề xuất ban soạn thảo, cân nhắc quy định đã nêu.
Về thành phần hồ sơ thay đổi chủ sở hữu công ty theo Điều 44 của Dự thảo, một trong những tài liệu trong hồ sơ thay đổi chủ sở hữu công ty là Bản sao điều lệ sửa đổi, bổ sung của công ty.
Góp ý quy định đã nêu, Luật sư Tuấn đề xuất, bỏ tài liệu này ra khỏi thành phần hồ sơ bởi, hầu hết các thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có ảnh hưởng đến nội dung của Điều lệ như thay đổi người đại diện theo pháp luật, vốn điều lệ, địa chỉ trụ sở chính thì doanh nghiệp cũng không phải nộp lại Điều lệ. Vì vậy, việc không yêu cầu doanh nghiệp Điều lệ khi đăng ký thay đổi chủ sở hữu sẽ đảm bảo tính thống nhất giữa các trường hợp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
“Điều này cũng giúp đơn giản hóa hơn thành phần hồ sơ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục”, Luật sư Tuấn bày tỏ.
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, theo Dự thảo, đối với các trường hợp thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp như Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, thay đổi chủ sở hữu, thay đổi cổ đông nước ngoài đều phải nộp “Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng”.
Nhìn nhận về quy định này, Luật sư Tuấn cho hay, Dự thảo không hướng dẫn cụ thể giấy tờ chứng minh hoàn tất chuyển nhượng là gì. Trong khi trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp nộp biên bản thanh lý hợp đồng, xác nhận hoàn tất chuyển nhượng cổ phần, có doanh nghiệp lại nộp sổ đăng ký cổ đông hay giấy chứng nhận sở hữu cổ phần/phần vốn góp. Có một số trường hợp, cơ quan đăng ký kinh doanh lại yêu cầu nộp xác nhận của ngân hàng/sao kê tài khoản ngân hàng ghi nhận dòng tiền về, có trường hợp lại yêu cầu nộp tờ khai thuế.
Việc đưa ra các yêu cầu không thống nhất theo từng thời điểm và theo mỗi tỉnh thành khác nhau dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị hồ sơ và nếu nội dung chưa đáp ứng yêu cầu/đánh giá chủ quan của cán bộ xử lý hồ sơ thì sẽ mất thời gian để điều chỉnh.
“Vì vậy, để đơn giản hóa hồ sơ, tôi đề xuất Dự thảo quy định cụ thể tài liệu nào được xem là “giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng”. Theo nguyên tắc doanh nghiệp chịu trách nhiệm về nội dung kê khai, chỉ cần cung cấp một biên bản thanh lý hợp đồng hoặc xác nhận hoàn tất giao dịch giữa bên bán và bên mua”, vị chuyên gia này góp ý.
Ngoài ra, để chính sách được hoàn thiện, thúc đẩy hơn nữa tinh thần cải cách, Luật sư Tuấn cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung liên quan đến: thời hạn xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đối với trường hợp nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung và kê khai số liệu đối với các số thập phân.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp: Cần quy định cụ thể, tường minh hơn
20:00, 15/07/2024
Vì sao Đà Nẵng dự kiến thu hồi gần 800 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?
00:00, 20/08/2022
Vụ CEO 8X đăng ký doanh nghiệp vốn 22 tỷ USD: Khả năng 99,99% không có số vốn thật?
05:14, 05/06/2021
8X đăng ký doanh nghiệp vốn 22 tỷ USD, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lên tiếng
14:32, 01/06/2021
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Thêm quy định về điều kiện đăng ký doanh nghiệp
12:05, 21/05/2020