Mặc dù dự trữ ngoại hối sụt giảm mạnh so với 2023 và áp lực chênh lệch lãi suất vẫn còn, song tỷ giá được dự báo tăng dưới biên độ +-5% trong 2025.
Tỷ giá là một trong những biến số vĩ mô được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2024. Đây cũng là yếu tố đã chi phối các hành động liên quan đến thanh khoản, lãi suất của thị trường tiền tệ, cũng như luôn biến động và theo dòng hành động bán của các nhà đầu tư nước trên thị trường vốn.
Năm 2024, tỷ giá VND/USD cũng chịu áp lực chi phối của thị trường vàng ở giai đoạn đầu thẳng tiến theo cột giá lên những mốc chưa từng có, kéo theo cả áp lực từ vàng nhập lậu - đã được các cơ quan chức năng nỗ lực kiểm soát, thanh kiểm tra; đồng thời NHNN trở lại hành động đấu thầu vàng sau nhiều năm không triển khai, cho đến tổ chức để SJC và các ngân hàng nhóm Big 4 triển khai bán vàng miếng trực tiếp.
Việc NHNN mạnh tay can thiệp trên thị trường vàng đã mang lại hiệu quả khi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, quy đổi theo tỷ giá được rút ngắn. Cầu vàng trên thị trường trong nước suy yếu giúp giảm phần nào áp lực giữ ổn định tỷ giá hối đoái.
Trên thị trường mở, NHNN chủ yếu can thiệp bằng các biện pháp phát hành tín phiếu để hỗ trợ thanh khoản, trung hòa vốn, giảm áp lực chênh lệch lãi suất VND-USD; đồng thời bán ngoại tệ.
Nhờ tất cả các giải pháp, linh hoạt, đồng bộ, tỷ giá VND/USD đến cuối 2024, cộng cả thời gian căng thẳng trước kỳ nhậm chức của Tổng thống Mỹ, chỉ cộng hơn 5%.
Tuy nhiên, "cái giá" cho hiệu quả từ các hành động ghi nhận dự trữ ngoại hối sụt giảm mạnh. Dữ liệu ABS đánh dấu tháng 8 năm 2024 dự trữ ngoại hối về mức thấp nhất, đạt mức 82 tỷ USD tương đương 2,4 tháng nhập khẩu, thấp hơn đáng kể so với mức khuyến nghị tối thiểu 3 tháng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nguyên nhân là do tỷ giá USD/VND liên tục tăng mạnh, chạm mức NHNN bán, từ đó NHNN đã bán ra lượng lớn ngoại tệ để bình ổn tỷ giá. Hệ quả của dự trữ ngoại hối thấp khiến NHNN có ít dư địa để ổn định tỷ giá, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế liên tục bị ảnh hưởng bởi các biến động từ thị trường quốc tế.
ABS ước tính, dự trữ ngoại hối kết thúc năm 2024 đạt 79 tỷ USD, sụt giảm 8,2 tỷ USD so với cuối năm 2023.
Một lưu ý theo số liệu trong quý III, cán cân vãng lai đạt mức cao 7,7 tỷ USD nhờ xuất khẩu đạt mức kỷ lục (108 triệu USD). Tuy nhiên, cán cân tài chính lại âm 2,7 tỷ USD. Ngoài ra, khoản mục lỗi và sai sót tăng mạnh trở lại trong quý III/2024 lên mức 5,1 tỷ USD. "Tính chung 3 quý đầu năm ghi nhận 16,8 tỷ USD, mức cao thứ 2 chỉ sau năm 2022. Điều này thể hiện hoạt động phi pháp, đầu cơ tỷ giá, găm giữ, cất trữ ngoại tệ của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết triệt để", nhóm chuyên gia ABS ghi chú.
Những ngày vừa qua, doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường dường như vẫn đang "nín thở" dõi theo biến động của chỉ số USD-Index (DXY) và tỷ giá VND/US. Một doanh nghiệp cho biết bởi theo "kinh nghiệm lâu năm", ông thường nhận thấy tỷ giá biến động mạnh và được NHNN có thể xem xét nới biên độ trong những ngày cận Tết - thời điểm thường nhu cầu ngoại tệ tăng cao.
Năm nay, biến động trước mắt dường như diễn ra trong bối cảnh chỉ số DXY vẫn neo ở vùng cao. Nguồn cung ngoại tệ được các chuyên gia đánh giá là tích cực nhờ kiều hối, FDI và cả nguồn xuất khẩu nhận về từ các đơn hàng chốt thanh toán cuối năm. Do đó, áp lực tỷ giá vẫn đang được xem là biến số cần theo dõi dài hơi hơn, bao gồm theo dõi các hành động chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các biến số vĩ mô của Việt Nam bao gồm lạm phát lẫn khả năng cải thiện các yếu tố nền tảng để tiếp tục tăng tốc thu hút FDI đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2025.
Nhóm phân tích ABS dự báo chỉ số DXY tiếp tục duy trì ở mức cao do triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ vượt trội, đồng CNY giảm
giá do triển vọng kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng và NHTW nước này đối phó với chiến tranh thương mại.
Đối với Việt Nam, NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hỗ trợ tăng trưởng, ưu tiên duy trì lãi suất thấp trong điều kiện mức lạm phát được cho phép cao hơn. Theo ABS, tỷ giá trong 2025 sẽ tăng khoảng 3,5–4,0% và lưu ý nửa cuối năm 2025, có cơ hội cho dòng vốn ngoại quay trở lại từ trạng thái bán ròng hơn 3,5 tỷ USD trên thị trường chứng khoán năm qua. Đây cũng là điều mà thị trường hết sức chờ đợi, được xem là tín hiệu cụ thể và đáng giá tương xứng kỳ vọng dòng vốn chảy vào Việt Nam trong giai đoạn được xem xét đạt chuẩn nâng hạng theo FTSE Russell vào cuối năm 2025.