Công nghệ

Đưa công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP

Trung Thành 11/12/2024 00:05

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng KHCN phát triển sản phẩm OCOP.

Từ đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo sản phẩm OCOP theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị.

Đưa khoa học công nghệ vào sản phẩm

Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, đến nay nhiều sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 230 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP. Với gần 580 sản phẩm OCOP. Tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ, tuyên truyền tới các doanh nghiệp, HTX ứng dụng KHCN vào sản xuất.

Nhiều sản phẩm OCOP chủ lực trên địa bàn tỉnh được ứng dụng KH&CN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường và quan trọng nhất là chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

3(1).jpg
Áp dụng khoa học công nghệ vào quy trình chế biến ruốc hàu, ruốc tôm của Công ty TNHH Hải sản Vân Đồn (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Nhiều sản phẩm OCOP chủ lực trên địa bàn tỉnh được ứng dụng KH&CN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường và quan trọng nhất là chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Điển hình trong thành công nhờ ứng dụng KHCN có thể kể đến các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP. Cẩm Phả). Nhiều năm qua, với sự quan tâm hỗ trợ của Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh và sự chủ động đầu tư lớn với tổng vốn hàng chục tỷ đồng, đơn vị đã cải tạo, xây mới hệ thống nhà máy chuẩn GMP, phòng R&D, phòng Lab - kiểm nghiệm, nhà sấy quy mô lớn… nhằm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về sản xuất.

Đến nay, các sản phẩm tiêu biểu của công ty như: trà giảo cổ lam, trà bổ gan, trà giải độc gan, trà diệp hạ châu, viên tiểu đường, viên chè vằng... trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu được xếp hạng 4 sao của tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã.

Lãnh đạo Sở KH&CN cho biết, trên cơ sở các nội dung nhiệm vụ đã xác định, Sở chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường các nhiệm vụ ứng dụng KH&CN đối với các sản phẩm OCOP. Trong đó tập trung hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số mã vạch; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng KH&CN trong sản xuất…

Đồng thời phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh rà soát, đánh giá các sản phẩm được cấp sao; tổ chức chương trình cà phê công nghệ với chủ đề "Ứng dụng công nghệ nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP Quảng Ninh", trong đó có các nội dung liên quan đến công nghệ chế biến, đóng gói, bảo quản các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; vai trò của thương mại điện tử đối với sự phát triển sản phẩm OCOP…

Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), người dân, nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ về xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; kết nối người dân, nhà quản lý, nhà khoa học; hỗ trợ vốn vay xây dựng nhà xưởng, đầu tư công nghệ...

Đẩy mạnh ứng dụng

Theo lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn, thời gian qua, huyện đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản phẩm OCOP. Nhất là thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Các cơ sở đã chú trọng đầu tư thiết bị máy móc hiện đại và áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất đến chế biến đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

1(1).jpg
Dây chuyền đóng gói các sản phẩm trà dược liệu tại Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc

Hiện nay, huyện Vân Đồn đã có 53 sản phẩm OCOP, trong đó có 41 sản phẩm đạt 3 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao. Vân Đồn được thiên nhiên ưu đãi, là nơi có biển cả và núi rừng giao thoa hoàn hảo và là một trong những vựa hải sản lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Để giúp giải quyết tốt hơn nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo ra những giá trị mới từ những sản phẩm thô sẵn có tại địa phương.

Huyện Vân Đồn đã tuyên truyền, vận động, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP. Tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải tiến công nghệ, quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ, thúc đẩy quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương, tạo được lòng tin của người tiêu dùng.

Chị Đỗ Thị Thuỳ - Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Vân Đồn cho biết: Cùng với đó, đưa ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để thay thế thiết bị thủ công truyền thống vào phục vụ sản xuất như: Máy sấy, máy xay, chảo điện xao ruốc… để chế biến ra nhiều món ăn tiện lợi, giàu dinh dưỡng. Qua đó, ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tạo nên thương hiệu cho các sản phẩm của Công ty.

Năm 2023, Công ty TNHH Hải sản Vân Đồn có 2 sản phẩm là ruốc hàu Vân Đồn và ruốc tôm Vân Đồn được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Để có được thành quả đó, Công ty đã gắn tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nhanh chóng tiếp cận và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP qua các kênh bán hàng hiện đại như: Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử... giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn.

Ngoài ra, Công ty còn tăng cường ứng dụng các giải pháp mới như livestream bán hàng, tham gia Hội chợ OCOP, kết nối cung - cầu trực tuyến, giúp phổ cập nhanh thông tin về sản phẩm đến người tiêu dùng. Các sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tạo điều kiện thuận lợi để Công ty tiếp tục đầu tư để mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bà Lê Thị Bảy - Giám đốc HTX Cam 10/10 chia sẻ: Những năm qua, để đảm bảo chất lượng, đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam Vạn Yên, các hộ dân, hợp tác xã đã tiến hành trồng, chăm sóc cây cam theo tiêu chuẩn VietGAP, nguồn phân bón được sử dụng hoàn toàn là phân hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Đặc biệt, nguồn nước tưới cây được lấy từ các khe nước trong rừng sâu. Bởi vậy, cam Vạn Yên của huyện Vân Đồn nổi tiếng là một trong những loại nông sản tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh với vị thơm, ngon, ngọt. Loại nông sản này ngày càng được thị trường tiêu dùng địa phương cũng như các vùng lân cận ưa chuộng. Đến nay, cam của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, trên mỗi sản phẩm đều được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Được biết, Quảng Ninh đã quy hoạch vùng; ứng dụng công nghệ xây dựng vùng nguyên liệu; xây dựng công cụ quản lý; giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh… Nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm thuộc chương trình OCOP như: Vải chín sớm Phương Nam Uông Bí, Chả mực Hạ Long, Na dai Đông Triều, Nếp cái hoa vàng Đông Triều, Gà Tiên Yên, chè Đường Hoa, Rau an toàn Quảng Yên, Trứng gà Tân An, Nước mắm Cái Rồng, Tu hài Vân Đồn, rượu Ba kích Quảng Ninh. mực ống Cô Tô, Nhựa thông Quảng Ninh, Thanh long Uông Bí…

Để tăng giá trị đầu ra cũng như tạo thương hiệu riêng của doanh nghiệp cho các sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp cần tập trung theo hướng áp dụng khoa học và công nghệ, chế biến sâu, mở rộng các kênh phân phối, từ đó nâng tầm giá trị kinh tế cho sản phẩm OCOP, giải quyết đầu ra cho nông sản của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đưa công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO