Không có nơi đâu người nông dân trồng ra sản phẩm rồi thuê người đi đổ mất 1,5 triệu đồng cho 10 tấn dứa! ...
Dưới tán bụi tre luồng mát rượi trong khoảnh đất 1 hecta mô hình “vườn - ao - chuồng” nhìn mê mắt của “lão nông tri điền” Nguyễn Văn T từng là bộ đội xuất ngũ, ông T nhiệt tình kể về những kỷ niệm của 20 năm làm nông nghiệp, chỉ để cho mình.
Ngoài vườn cây, ao cá, ông T còn canh tác thêm 1 mẫu lúa (1 mẫu Miền Trung tương đương 5.000m2). Hăng hái kể chuyện nhưng chốc chốc ông lại chỉ thẳng tay sang tòa nhà 2 tầng màu vàng quay lưng về phía ruộng nhà ông, đó là Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cách đó gần cây số.
Ông nói rằng: “Bao năm nay lúa nhà ông được hay mất, tốt hay xấu… không một cán bộ nông nghiệp địa phương nào đến hỏi han..”.
Chính nơi mà ông và tôi đang ngồi là một trang trại bậc thang dựa theo sườn một chỗ đất nghiêng, thoạt đầu không thể “làm ăn” gì được. Bây giờ, ở đây có thể “đóng cửa” cả năm không chết đói, thậm chí sống khỏe hơn nhờ rau sạch, cá sạch, thịt lợn sạch, gạo sạch… Đương nhiên, đó là sản phẩm của 2 thập kỷ tự mày mò, sáng tạo.
Tôi và ông có cùng suy nghĩ, kết quả này có khi nhờ không phải chịu một quy hoạch, mô hình nào được “coppy” từ đâu đó mà những người có chức trách thường hay vất vả đi thật xa, tốn thật nhiều tiền để học tập rồi mang về… để đấy!
Miền Trung những ngày ngày nắng nóng cực điểm, phương tiện giải khát là những trái dưa hấu không biết từ đâu đổ đống ven đường, “màu đen kịt, đồng đều, vỏ mỏng, mập ú…” đó là vừa là đặc điểm và đã trở thành “cẩm nang” chọn dưa để tránh… hóa chất.
Thế là những trái dưa được trồng tại chỗ, gọi là “dưa nhà”, hình hài không đẹp, mức độ ngọt vừa phải, vỏ dày cứ đổ xuống là hết sạch, mặc dù giá đắt hơn.
Có thể bạn quan tâm
13:05, 31/10/2018
21:22, 10/04/2018
Thông tin về “dưa xe” đổ đống chứa hóa chất không biết xuất phát từ đâu nhưng ai ai cũng cảm thấy quan ngại. Người tiêu dùng nhất quyết nói không, họ muốn được tận thấy thứ mình ăn được trồng ra sao, chỗ nào…
Năm nào cũng vậy, cứ đến hè khi nhu cầu trái cây giải nhiệt tăng mạnh cũng là lúc dưa hấu lâm nạn. Gần nhất, tháng 5/2018 dưa hấu Quảng Ngãi hầu như không còn giá trị, 1000 đồng/kg thà đổ bỏ còn hơn tốn công vận chuyển, đứng bán giữa cái nắng đổ lửa.
Trước đó một năm, dưa hấu Quảng Ngãi thê thảm đến mức… bò khỏi ra đồng ăn cỏ, Big C tham gia cứu hộ bằng cách mua 400 tấn nhưng bán không có một xu tiền lãi, khách hàng cả nước trở thành nhà hảo tâm bất đắc dĩ với khẩu hiệu hao hao đợt hiến máu tình nguyện: “Mỗi trái dưa, một tấm lòng”.
Người ta chưa có cách nào chứng minh dưa hấu Quảng Ngãi là kém chất lượng, là mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nên có thể loại trừ khả năng thừa dưa do chất lượng, mà vấn đề do số lượng.
Riêng Quảng Ngãi có 700 hécta trồng dưa hấu, mỗi vụ cho ra 24.000 tấn quả, thế nhưng đến khi thu hoạch không thương lái nào ngó ngàng, cách đó gần 1.000 km hàng đoàn xe chở dưa ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Năm nào cũng xảy ra tình trạng ách tắc dài hàng kilomet xe chở dưa tại cửa khẩu chờ được thông quan, được mùa mất giá dưa liên tiếp xảy ra nhưng năm sau vẫn tiếp tục tái diễn câu chuyện của năm trước.
Không chỉ có dưa hấu, hàng loạt nông sản khác như cà phê, hạt tiêu, cà chua, hành, ớt… thường xuyên rơi vào tình trạng rớt giá, nông dân bỏ thối tại ruộng... mà nguyên nhân chính là việc trồng tự phát, phá vỡ quy hoạch.
Vì sao cứ hết năm này đến năm khác, dưa Quảng Ngãi chưa “giật mình” bởi kiếp nạn cũ? Phải chăng người nông dân không còn cách nào khác ngoài trồng dưa rồi thấp thỏm cầu trời khấn phật?...
Dứa (Miền Trung gọi là trái Thơm) là một đặc sản của Mường Khương (Lào Cai), đang vào vụ thu hoạch, phía Trung Quốc tự nhiên “cắt cầu” thế là một cuộc “khủng hoảng thừa” ập xuống trong nháy mắt, công sức mấy tháng trời có nguy cơ phí bỏ!
Và lại là nỗi lo mang tên “đường tiểu ngạch” - không hợp đồng, không cam kết, không ràng buộc… thuận thì mua, vừa thì bán, được mất đôi khi như trở lòng bàn tay.
Không có nơi đâu người nông dân trồng ra sản phẩm rồi thuê người đi đổ mất 1,5 triệu đồng cho 10 tấn dứa! Không xót xa nào bằng, và chưa bao giờ người viết bài này đồng ý với quan điểm “do người dân tự phá vỡ quy hoạch”.
Có người nảy ra sáng kiến mang dứa Mường Khương vào miền Nam bán chắc chắn chạy hàng, cứ tạm cho là thị trường miền Nam có thể mua với giá 20.000đ/kg. Nhưng quãng đường đi gần 2.000km dưới cái nóng 40 độ C, hàng chục trạm thu phí, giá xăng dầu leo thang… liệu có còn tiền lời mang trở lại ngoài Bắc?
Đó là biểu hiện thấy rõ nhất của tình trạng thuế, phí bủa vây cuộc sống người nghèo, tác hại là có thật chứ không phải “tăng giá xăng dầu là người dân được lợi” như khẳng định của một vị có chức trách.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và địa phương phải có động thái nào đó cụ thể, có chiều sâu chứ không phải những khẩu hiệu khiến người mua “rủ lòng thương xót” như một biện pháp “nóng tay bắt lỗ tai”.