Bộ KH&CN và các cơ quan chức năng đang tập trung thúc đẩy bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, việc hoàn thiện hệ thống các quy định về sở hữu trí tuệ sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng, chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây cũng chính là kỳ vọng được Chính phủ, Bộ KH&CN gửi gắm trong Quyết định phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030.
Nhận định về vai trò của sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với sự phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng, trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, SHTT đã trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Pháp luật quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia đều công nhận và bảo hộ quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm việc phổ biến tiến bộ khoa học, công nghệ, văn hóa nghệ thuật vào mục đích phát triển xã hội.
“Nước ta mở cửa từ năm 1986, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là hơn 2,9 tỷ USD, trong đó 3/4 là nhập khẩu, còn lại là xuất khẩu. Khi đó, các mặt hàng của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu đi Liên Xô và các nước Đông Âu. Năm 2019, nghĩa là sau 33năm đổi mới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam là 516 tỷ USD, xuất siêu trị giá trên 10 tỷ USD. Như vậy có thể thấy, từ năm 1986 đến nay, tình hình nền kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam đã có sự thay đổi một cách căn bản.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia tích cực vào các khuôn khổ hợp tác quốc tế sâu rộng, gần nhất là việc tham gia Hiệp định CPTPP và ký kết EVFTA. Các đàm phán của Việt Nam khi tham gia các hiệp định nói trên đều có các nội dung vô cùng quan trọng liên quan tới SHTT, thậm chí trở thành một trong những nội dung đàm phán quan trọng bậc nhất, khó khăn bậc nhất mà chúng ta gặp phải.
Điều đó càng khẳng định, SHTT ngày càng được quan tâm nhiều hơn, trở thành vai trò tiên quyết, chi phối nhiều mối quan hệ, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của một quốc gia”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, mặc dù nền móng cho hoạt động SHTT của Việt Nam đã được xây dựng một cách tương đối vững chắc nhưng hiện trạng của chính hệ thống này cũng như mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao như phải tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực sự trở thành công cụ quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Chính vì lẽ đó, Bộ KH&CN và các cơ quan chức năng đang tập trung thúc đẩy bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế, biến khởi nghiệp sáng tạo thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tại Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển ngày càng mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ SHTT hoặc ngại đăng ký vì nhiều lý do.
Số liệu từ Cục SHTT cho thấy. Hiện 80% doanh nghiệp khởi nghiệp chưa hiểu rõ tầm quan trọng của SHTT trong khởi nghiệp và có quá ít startup chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ SHTT cũng như biết cách quản trị thương hiệu. Bởi vậy, các startup rất dễ gặp khó khăn khi phải đối mặt với các tranh chấp, kiện tụng.
“Tình trạng trên có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về kiến thức bảo hộ quyền SHTT của các doanh nghiệp. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội về vai trò và sự gắn kết giữa đổi mới sáng tạo với SHTT là hết sức quan trọng”, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) nhấn mạnh.
Ông Đinh Hữu Phí cũng cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của SHTT đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là đối với việc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách và hành động để thúc đẩy hoạt động này. Trong đó, không thể không kể đến Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ- TTg ngày 22/8/2019 với mục tiêu quan trọng là đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT.
Cũng trong Chiến lược này, Chính phủ đặt kỳ vọng sẽ thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo kết hợp với các hình thức đầu tư mạo hiểm nhằm ươm tạo các tài sản trí tuệ từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu, phát triển tài sản trí tuệ đến sản xuất thử nghiệm, hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoàn thiện công nghệ, tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Đồng thời, hình thành và phát triển mạng lưới trung tâm chuyển giao công nghệ và SHTT tại các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc tạo ra và khai thác tài sản trí tuệ. Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học.
“Để thực hiện mục tiêu trên, Chiến lược đã vạch rõ các nhiệm vụ về hoàn thiện chính sách, pháp luật về SHTT; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; phát triển các hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động sở hữu trí tuệ; hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội; tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ… Với những nỗ lực này, chúng ta đang đặt kỳ vọng lớn vào việc SHTT sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng, chất lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”, ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.