Với những chiếc flagship, các thương hiệu 1 lúc có thể đạt được 3 mục đích.
Việc Hà Nội vừa khởi công xây dựng đường đua và đăng cai tổ chức Giải đua xe công thức 1 (F1) vào năm 2020 - có thể được ví như đầu tư vào một “soái hạm” (flagship) trong chiến lược nâng tầm, khẳng định đẳng cấp của Việt Nam.
Chúng ta chuẩn bị được thấy những chiếc xe chục triệu “đô” lao vun vút trước mắt.
Đổ tiền vào “soái hạm”
Các hãng xe lớn như Ferrari, Mercedes, Mclaren chi lên tới 400 triệu USD mỗi năm cho việc nghiên cứu, phát triển, kiểm tra và lắp ráp những mẫu xe đua cao cấp nhất.
Những chiếc xe này phải được thay động cơ sau mỗi 2 tiếng đua (bộ phận chiếm phần lớn chi phí sản xuất), không chiếc xe nào được sử dụng nhiều hơn 1 mùa. Công sức nghiên cứu và dây chuyền sản xuất không được tận dụng để sản xuất xe thương mại. Doanh thu từ quảng cáo và giải thưởng thì chỉ là “tý hon” khi so với số tiền đầu tư.
Chặng đua F1 được TP Hà Nội đăng cai tổ chức, sau đó giao cho Công ty Việt Nam Grand Prix (do Cty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast - thành viên của Tập đoàn Vingroup sở hữu 100%) là đầu mối đứng ra tổ chức độc quyền.
Tưởng chừng đây là 1 số tiền lãng phí khổng lồ hàng năm của các hãng xe lớn để thể hiện độ chịu chơi của mình. Nhưng không, việc đổ tiền vào những chiếc “soái hạm” (flagship) là chiến lược muôn thuở của các hãng bán đồ xa xỉ và cao cấp.
Những chiếc xe F1 chục triệu USD, những bộ đồ lót hàng triệu USD, và những chiếc điện thoại cao cấp vượt quá nhu cầu sử dụng là những flagship mang trọng trách dẫn dắt cho thương hiệu.
Có thể bạn quan tâm
Một mũi tên trúng 3 đích
Với những chiếc flagship, các thương hiệu 1 lúc có thể đạt được 3 mục đích.
Thứ nhất, nâng cao nhận diện thương hiệu. Chỉ với 1 flagship thương hiệu có thể được nhắc từ năm này qua năm khác - độ phủ truyền thông khó có 1 chiến dịch marketing nào có thể so sánh được.
Thứ hai, nâng cao giá trị cho các sản phẩm phân khúc thấp hơn. Được đặt tên là “hiệu ứng mỏ neo”, việc thương hiệu có 1 flagship được mọi người khao khát với giá trên trời bỗng nhiên làm những sản phẩm khác trông có giá trị hơn nhiều.
Khi nhắc đến Ferrari, người ta nghĩ ngay đến những chiếc siêu xe với giá vài triệu USD mà người bình thường không thể nào sở hữu. Và khi họ cho ra mắt những mẫu xe chỉ từ 500 ngàn USD, phản ứng đầu tiên của tín đồ xe hơi là câu hỏi sao rẻ thế, mặc dù 500 ngàn USD cho 1 chiếc xe là không hề rẻ chút nào.
Thứ ba, chứng minh vị thế của thương hiệu. Có 1 sự thật ngầm hiểu giữa các hãng và giữa người dùng của các hãng rằng: “Flagship của hãng tôi mạnh hơn Flagship của hãng anh nghĩa là hãng tôi giỏi hơn hãng của anh”.
Đó là cuộc khẩu chiến không hồi kết giữa tín đồ iPhone và tín đồ Samsung. Không năm nào mà 2 phe không đá kháy nhau khi 2 nhà sản xuất điện thoại này ra mắt flagship. Một bên thì khoe công nghệ và cấu hình, một bên thì khoe trải nghiệm và độ bền.
Tuy không ai chịu ai, nhưng những chiếc flagship đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình - giúp “phe ta” có cái để tự hào với phe địch.
Không chỉ có ý nghĩa về mặt vị thế, những chiếc flagship mạnh mẽ và ổn định cũng là minh chứng hùng hồn nhất cho năng lực sản xuất của thương hiệu đó: “Nếu họ có thể sản xuất được flagship hàng đầu thế giới, thì khả năng sản xuất của họ cũng thuộc tầm hàng đầu thế giới. Những sản phẩm khác cũng sẽ được đảm bảo chất lượng”.
Nghiên cứu và phát triển Flagship có thể cực kỳ tốn kém, nhưng lợi ích những sản phẩm dẫn đầu này mang lại cũng không hề nhỏ. Đây là chiến lược hiệu quả mà những hãng bán đồ cao cấp trên thế giới áp dụng trong hàng thập kỷ qua.
Và việc xây dựng đường đua và đăng cai tổ chức Giải đua xe công thức 1 (F1) vào năm 2020, - có thể được ví như một “soái hạm” (flagship). Dù đắt đỏ ở khía cạnh phí nhận quyền, hạ tầng, hiệu quả kinh doanh nhưng đây là cơ hội nâng tầm và đẳng cấp cho Việt Nam, khi góp phần khẳng định vị thế, năng lực của Việt Nam trong việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn khác mang tầm quốc tế.
Đặc biệt, việc tổ chức một giải đua danh tiếng, có truyền thống lâu năm như F1 sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của Hà Nội - Việt Nam ra thế giới. Việc đăng cai giải đua này cũng sẽ tạo ra một sự kiện thể thao giải trí hấp dẫn cho người dân trải nghiệm vào dịp cuối tuần; thu hút khách du lịch quốc tế đến Hà Nội và cả nước; tạo đà cho phát triển và nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, dịch vụ lữ hành, vận chuyển và các loại hình dịch vụ phục vụ khác...
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc khai thác quảng cáo khá triển vọng. Ngoài ra, thị trường truyền hình đang thiếu những giải thể thao đủ hấp dẫn để thỏa mãn người hâm mộ. Trong khi đó, hàng loạt nhãn hàng về xe, phụ kiện, đồ thể thao, đồ xa xỉ, nước tăng lực... luôn tìm kiếm các sự kiện chất lượng để đổ tiền vào.