Khu thương mại tự do (TMTD) sẽ giúp TP. Hải Phòng khai thác toàn diện tiềm năng, thế mạnh của cảng biển nước sâu cửa ngõ phía Bắc; thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu,…
>>Cơ chế đặc thù mới cho Đà Nẵng: Thí điểm thành lập khu thương mại tự do
Do đó, việc thành lập các khu TMTD là hướng đi đúng đắn để tận dụng các lợi thế của TP. Hải Phòng nói riêng và của cả nước nói chung.
Tại Diễn đàn Logistics vùng lần thứ V do VCCI, UBND Hải Phòng chỉ đạo; Sở Công Thương TP. Hải Phòng, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, VLA, HPLA tổ chức mới đây, bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết TP. Hải Phòng có rất nhiều lợi thế như vị trí địa lý có cảng biển nước sâu, có truyền thống và có được nhiều kết quả về trung chuyển hàng hóa tạo ra môi trường logistics không riêng Hải Phòng mà còn các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng,… TP. Hải Phòng có thể thiết lập khu TMTD một cách có hiệu quả nhất dựa trên tiềm năng địa kinh tế, địa chính trị mà Hải Phòng đã có.
Trên thực tế, TP. Hải Phòng có lợi thế khi thí điểm mô hình khu TMTD, bởi Hải Phòng hội đủ hai điều kiện tiên quyết: Một là, tụ điểm của các nút giao thông, có chức năng mở cửa ra bên ngoài và hội nhập quốc tế. Hai là, có “hậu phương công nghiệp” vững vàng, tiềm năng lớn hậu thuẫn phía sau.
Bên cạnh đó, TP. Hải Phòng là một trong ba thành phố chiến lược của Việt Nam, có vị trí rất thuận lợi, là cửa ngõ kết nối kinh tế phía Bắc với thị trường quốc tế. Hiện nay, Hải Phòng đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, vượt trội, đồng bộ, ít địa phương nào có được. Hệ thống hạ tầng logistics của Hải Phòng có khả năng kết nối cao giữa các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, từ đó rất thuận tiện để kết nối vận tải đa phương thức.
Ngoài ra, TP. Hải Phòng có truyền thống phát triển công nghiệp hơn 100 năm, trở thành điểm đến đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: General Electric, Chevron, LG, Bridgestones, AEON, SK, Pegatron… Đặc biệt, LG Electronics Việt Nam Hải Phòng đã chính thức nhận giấy phép đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Tràng Duệ với số vốn đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết TP. Hải Phòng vừa có cảng, vừa nằm ở khu vực biên giới biển và như vậy chúng ta mới có thể thiết lập được khu TMTD. Tại đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đem hàng hoá đến, tiến hành sản xuất, sơ chế, đóng gói, dán nhãn trước khi xuất khẩu sang một địa điểm khác hoặc xuất khẩu vào Việt Nam. Đây là một điều thuận lợi lớn. Và để làm được điều này, cũng cần sự chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền TP. Hải Phòng để làm sao có thể quy hoạch và tạo ra được một khu TMTD.
Từ năm 2021, TP. Hải Phòng đã xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố, Chính phủ dự kiến quy định việc hình thành khu TMTD tại Hải Phòng. Tuy nhiên, trước khi trình Quốc hội phê chuẩn, đề xuất này sau đó được rút ra khỏi dự thảo để "nghiên cứu kỹ hơn".
Hiện tại, Hải Phòng đang khẩn trương chuẩn bị xây dựng một khu kinh tế mới phía Nam thành phố. Đây sẽ là khu kinh tế sinh thái, phát triển bền vững tích hợp với các hoạt động kinh tế tuần hoàn, diện tích hơn 20.000 ha, áp dụng nhiều chính sách ưu đãi vượt trội gắn với phát triển một khu TMTD để đón các nhà đầu tư.
Trong quy hoạch của Hải Phòng cũng có nội dung thành lập khu TMTD. Với quan điểm mở rộng, phân bố không gian phát triển, quy hoạch Hải Phòng đã định hướng thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích 20.000ha, để tận dụng lợi thế cảng Nam Đồ Sơn và sân bay quốc tế Tiên Lãng. Quy hoạch cũng định hướng sẽ thành lập khu TMTD trong khu kinh tế mới để vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay ở trong nước và quốc tế về TMTD tại Hải Phòng. Từ đó, Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được kỳ vọng là đòn bẩy đủ mạnh giúp đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của vùng đất phía Nam Hải Phòng.
Mặc dù được đánh giá là “như cá gặp nước” nếu như cảng biển gắn liền với khu TMTD, nhưng trong nhiều năm qua mô hình này vẫn loay hoay thai nghén mà chưa thành hiện thực. Nguyên nhân do hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển các khu TMTD chưa được luật định. Việc xã hội chưa hiểu đúng và phân biệt rõ ràng các thuật ngữ như khu phi thuế quan, khu kinh tế, khu chế xuất, kho ngoại quan hay khu TMTD theo định nghĩa quốc tế cũng là một rào cản không nhỏ.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, một kinh nghiệm rất quý báu từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, việc triển khai xây dựng khu TMTD được thực hiện rất thần tốc. Điều này sẽ nắm bắt được cơ hội từ ý tưởng đến thực tiễn. “Thời gian là nguồn lực quý báu để thực hiện các giải pháp trong việc phát triển các khu TMTD. Nếu không tận dụng được lợi thế thời gian, thì tất cả những kế hoạch rất hay có thể bị kéo dài, gây lãng phí nguồn lực, lãng phí cơ hội cực lớn”, bà Minh nói.
Có thể bạn quan tâm
08:49, 20/06/2024
03:30, 19/06/2024
00:30, 08/06/2024
06:44, 30/05/2024
05:00, 28/05/2024