Đừng cố “vá” những con tàu vỏ thép

TUẤN VỸ thực hiện 02/06/2022 03:10

Đến hiện tại, những con tàu vỏ thép theo Nghị định 67 chỉ toàn mang lại hệ lụy khiến ngư dân giỏi “hóa” con nợ. Lỗ hổng ngày càng lớn, cố “vá” chỉ khiến nỗi đau của người con vùng biển càng gia tăng.

>>Tàu xa bờ và nước mắt ngư dân

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho rằng các ngư dân giỏi đang bị tàu 67 “ăn mòn” da thịt khi trót “sa chân” vào những chính sách hỗ trợ vươn khơi bám biển.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng.

- Thưa ông, đã hơn nữa thập kỷ Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) được áp dụng vào thực tế nhưng không thể mang lại hiệu quả. Ông có đánh giá gì về việc triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân của Chính phủ?

Như đã biết, Hội nghề cá Đà Nẵng là một tổ chức đầu tiên không tán thành với phương án hoạt động của Nghị định 67. Bởi lẽ, Nghị định này mang lại quá nhiều lỗ hổng và bất cập cho ngư dân.

Vấn đề cơ bản nhất mà Hội nghề cá Đà Nẵng không tán thành là vì nghề cá là một ngành công nghiệp phát triển mà trong có con tàu chỉ là một phương tiện, là một bộ phận cấu thành trong toàn bộ chuỗi công nghiệp của nghề cá. Tức là chỉ dùng con tàu để đi xa hơn, nhưng chưa chắc xa hơn đã có cá. Còn muốn đánh được cá thì phải có cả công nghiệp đánh cá gồm lưới, ngư cụ, công nghệ, tin tức, con người,...

Nghị định 67 chỉ lo cho mỗi câu chuyện là con tàu, mà còn chưa kể đến việc hạn chế một số mẫu của những người chưa bao giờ đi đánh cá thiết kế. Ngoài ra, còn có những quy định chỉ ưu tiên cho tàu sắt mà không dựa vào các yếu tố thực tế như ngành nghề, biên dạng tàu, chủng loại khai thác, vùng biển đánh bắt... và người đóng tàu cũng không có kiến thức chuyên môn.

Xuất phát từ những nguyên nhân đó, Hội nghề cá Đà Nẵng đã nhìn ra triển vọng thất bại của chính sách này. Mặc dù Đà Nẵng được cho 52 xuất nhưng Hội nghề cá đã khuyên ngư dân không nên vay chính sách này. Đến bây giờ Đà Nẵng chỉ được 10 tàu, nhưng cả 10 tàu này đều đã báo cáo với ngân hàng là thất bại hoàn toàn và đã giao ngân hàng giữ tài sản, xử lý theo quy định của nhà nước và đợi ra tòa để bán. Mà bán thì nào có được “mấy đồng”!

- Ngoài những lỗ hổng về thiết kế thì còn những nguyên nhân nào dẫn đến sự thất bại của Nghị định 67, thưa ông?

Thực tế ai cũng rõ, Nghị định 67 ngoài những cái sai về mục tiêu, kỹ thuật thì còn rất nhiều cái sai khác liên quan. Đơn cử, để đủ 10% thì những người chủ tàu nghe theo đơn vị đóng tàu kê khai khống giá trị con tàu lên cao. Bởi lẽ, ngư dân ngoài sức lao động thì lại thiếu đi những kiến thức về tiêu chuẩn hoàn thiện một con tàu đánh bắt cơ lớn, có quy mô và hiện đại nên đã chấp nhận nghe theo lời đơn vị đóng tàu.

Từ chính sách thiếu kiến thức thực tiễn, các ngư dân giỏi bỗng chốc hóa thành con nợ xấu của ngân hàng, nhưng con tàu vỏ thép hiện tại nằm trơ mình chờ được “giải cứu”.

Từ chính sách thiếu kiến thức thực tiễn, các ngư dân giỏi bỗng chốc hóa thành con nợ xấu của ngân hàng, nhưng con tàu vỏ thép hiện tại nằm trơ mình chờ được “giải cứu”.

Chưa kể đến, cả nước Việt Nam này có lẽ không có một người chủ tàu, thuyền trưởng nào được đào tạo ngành khai thác biển, đánh cá cả. Như vậy, không thể đánh giá được người chủ tàu có thực sự đủ tài, đủ sức để vận hành tàu công suất lớn hay không? Bỗng nhiên có tài sản tiền tỷ đã khiến ngư dân trót sa chân vào Nghị định. Và cũng không ai dám chắc chắn rằng những còn tàu ấy được các công ty hoàn thiện đủ với 90% chi phí hỗ trợ, có thể chỉ còn 50-60% giá trị thực mà thôi.

Ngay từ khi hạ thủy thì con tàu đã mất giá, và những con người thiếu kiến thức vận hành cũng đã tạo nên các hệ lụy nhất định. Như thế, các ngư dân giỏi lại trở thành con nợ từ những “mục tiêu cao cả” của một chính sách.

- Xin ông chia sẻ thêm về những hậu quả mà ngư dân phải gánh chịu sau này?

Rõ ràng, ngư dân đang chính là “nạn nhân” từ những ưu đãi của một chính sách hỗ trợ. Giờ dây, các ngư dân sẽ mất đi nhiều cơ hội khi trở thành đối tượng nợ xấu của các ngân hàng, là người mất uy tín trong xã hội. Đối với các hoạt động kinh tế sau này, ngư dân không thể vay hoặc được tạo điều kiện nữa.

Và đối với chính sách của Nhà nước luôn có bảo lãnh, không ai mất gì cả ngay cả là ngân hàng, chỉ là vấn đề thất thoát ngân sách nhà nước. Vì vậy, các ngân hàng cũng sẽ không tích cực trong việc rao bán những con tàu trong mức giá cần thiết mà sẽ chờ được thu hồi.

Cần phải nhấn mạnh rõ, chắc gì xa bờ đã có cá. Hiện tại chúng ta đang khuyến khích dân đi xa bờ để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng ta chỉ mới tạo cho ngư dân cảm giác yên tâm mà không lấy gì đảm bảo cho họ. Chưa kể đến, chúng ta có “láng giềng” hay gây sự.

Hàng loạt tàu đóng theo Nghị định 67 năm

Hàng loạt tàu đóng theo Nghị định 67 năm "trơ mình", hư hỏng nặng.

- Vậy theo ông, chúng ta sẽ có những bài học kinh nghiệm gì cho tương lai khi áp dụng các chính sách vào thực tiễn?

Sẽ chẳng có bài học kinh nghiệm nào cả bởi các chính sách được đưa ra không phù hợp với thực tiễn. Các chính sách được xây dựng bởi những con người không xuất phát từ thực tiễn mà lớn lên, chưa có ai trưởng thành từ nghề cá nên khi đưa ra không thể nào phù hợp.

Thực tế, những con người xây dựng nên chính sách phát triển nghề cá chỉ đang xuất phát từ “trí tưởng tượng” chứ không phải từ nhu cầu của thực tiễn. Vì vậy các biện pháp cũng bắt đầu từ đó và cái tâm “làm từ thiện”, bởi sự nhiệt tâm nhưng không có thật.

Bằng những “mục tiêu cao cả”, “lòng tốt vĩ đại” nhưng không xuất phát từ đòi hỏi, kiến thức thực nên chính sách cũng sẽ không có những tác động mang giá trị thực. Vì vậy, đừng nên “cho” nữa, đừng cố sửa hay “chắp vá” Ngị định 67 để sửa sai mà hãy thay đổi. Hãy bỏ cơ chế “từ thiện” đi, thay vào đó là tạo điều kiện để ngư dân tự do hoạt động bằng chính sức lực của mình.

Nếu muốn nghề cá phát triển, phải xác định yếu tố con người mới là quan trọng nhất, thế nhưng ngành đánh cá gần 20 năm nay không có nổi một trường đào tạo nghề. Trường Đại học tại Nha Trang cũng phải đóng cửa để trở thành một trường đại học tổng hợp và Khoa khai thác thủy sản cũng đã mất đi. Chúng ta hay nói rằng “rừng vàng, biển bạc”, nhưng Nhà nước lại không coi nghề cá là một nghề khi không có một cơ sở đào tạo, chỉ có những lớp ngắn hạn để cấp chứng chỉ máy trưởng, thuyền trường mà đây chỉ là kỹ thuật hàng hải chứ không phải là đào tạo thuyền trưởng đánh cá.

Hơn hết, nghề cá là một nghề quá nguy hiểm, tần suất thiên tai ngày càng dày hơn và nghiêm trọng hơn. Bên cạnh thiên tai còn có nhân tai. Trong khi đó cơ hội ở trên bờ lại lớn hơn nên sẽ không ai muốn đi biển. Và từ việc không có cơ sở đào tạo, nguồn nhân lực thiếu kiến thức thì làm sao để vận hành, phát triển nghề cá tương đương với những ngành nghề khác?

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam: Ngư dân “cắn răng” vươn khơi bám biển

    Quảng Nam: Ngư dân “cắn răng” vươn khơi bám biển

    02:15, 17/03/2022

  • Chủ tàu vỏ thép đứng trước nguy cơ mất nhà

    Chủ tàu vỏ thép đứng trước nguy cơ mất nhà

    12:15, 10/03/2019

  • Quảng Ninh: Đấu thầu quyền đóng mới thay thế tàu du lịch vỏ gỗ sang tàu vỏ thép

    Quảng Ninh: Đấu thầu quyền đóng mới thay thế tàu du lịch vỏ gỗ sang tàu vỏ thép

    18:44, 14/10/2018

  • Chủ tàu vỏ thép... sắp “ra đường” Kỳ II: Tàu vẫn chờ “giải phóng”

    Chủ tàu vỏ thép... sắp “ra đường” Kỳ II: Tàu vẫn chờ “giải phóng”

    11:05, 22/09/2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đừng cố “vá” những con tàu vỏ thép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO