Đầu tư phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược mang tầm quốc gia, bước chuẩn bị tất yếu để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển nền kinh tế trong xu thế mới.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra một thực tế: “rất buồn khi Nhà nước năm nay cấp thêm 25.000 tỷ đồng cho Bộ Khoa học và Công nghệ để chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì các dự án của các bộ, ngành và địa phương gửi về có 80% là để xây nhà, mua máy móc, chỉ 20% là đề xuất làm nghiên cứu”.
Như vậy nguồn lực giành cho KHCN đang đi lệch hướng, khi các hoạt động trực tiếp tạo ra sự đổi mới không được đầu tư đầy đủ, trong khi xây dựng cơ sở vật chất - nhiệm vụ thứ cấp chiếm hết ngân sách.
Nghị quyết 57-NQ/TW “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” đặt ra các mục tiêu cơ bản: Đến năm 2030 Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.
Trong nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số xây dựng cơ sở vật chất cũng không kém phần quan trọng. Tuy nhiên, tại sao số liệu Bộ Trương Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra nhận được sự quan tâm của giới chuyên gia, doanh nghiệp và dư luận?
Bởi vì nguồn gốc của mọi tiến bộ trong khoa học công nghệ nhất thiết phải xuất phát từ nghiên cứu khoa học cơ bản, từ những đề tài mới, giàu tính cấp thiết. Nguồn vốn tập trung hỗ trợ các nhà khoa học, giới nghiên cứu để có thể tạo ra phát minh, sáng chế chứ không phải xây dựng các tòa nhà hay cơ sở vật chất hữu hình.
Với góc nhìn rất kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Nhà nước chi 1 đồng cho nghiên cứu thì kết quả nghiên cứu này từ doanh nghiệp phải tạo ra 10 đồng doanh thu. Đồng thời, 1 đồng Nhà nước chi cho nghiên cứu phát triển cũng cần kéo theo từ 3-4 đồng của doanh nghiệp chi cho nghiên cứu phát triển.
Từ thực tế này, một lần nữa cho thấy sự cần thiết của cơ chế tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khối tư nhân, startup, xã hội hóa tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Cơ chế SIS hiện hành cho phép doanh nghiệp bỏ ra 10 đồng chi cho KHCN thì Nhà nước hoàn lại 4 đồng cho doanh nghiệp thông qua thuế, tức là bản chất doanh nghiệp chỉ chi 6 đồng.
Trên thế giới, doanh nghiệp tư nhân có rất nhiều kênh để tham gia nghiên cứu phát triển KHCN, bao gồm tài trợ, hợp tác, hoặc thành lập các bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) riêng. Điều này giúp doanh nghiệp đổi mới, cải thiện sản phẩm và dịch vụ, cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh.