Nghiên cứu - Trao đổi

Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy chuyển giao công nghệ

Yến Nhung 02/07/2025 04:30

Việc cho phép tác giả hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Luật gồm 73 điều và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2025. Đây là một trong những dự án luật quan trọng nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chủ yếu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững. Với lần sửa đổi này, Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã có những đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng, hứa hẹn tạo ra bước chuyển lớn trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

khcn-2.jpg
Tối thiểu 30% lợi nhuận sau thuế sẽ được thưởng cho tác giả nếu kết quả được cho thuê, bán, chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng - Ảnh: ITN

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của luật sửa đổi là cơ chế phân chia lợi nhuận từ việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể, tối thiểu 30% lợi nhuận sau thuế sẽ được thưởng cho tác giả nếu kết quả được cho thuê, bán, chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng; và tối thiểu 30% giá trị nếu góp vốn, hợp tác, liên kết kinh doanh.

Chia sẻ về nội dung mới này, PGS, TS Trương Nguyễn Luân Vũ, Trưởng khoa Cơ khí Chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nhận định, việc quy định tác giả được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu đã thể hiện một bước tiến trong tư duy quản lý khoa học, mang tính đột phá so với cách tiếp cận truyền thống.

"Cơ chế này không chỉ bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà khoa học mà còn khuyến khích họ theo đuổi các nghiên cứu có khả năng ứng dụng, thương mại hóa cao", ông Vũ nhận định.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các trường đại học, viện nghiên cứu đang nỗ lực gắn kết với doanh nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, việc có một cơ chế phân chia lợi nhuận rõ ràng sẽ giúp nhà khoa học chủ động kết nối với thị trường. Theo PGS, TS Trương Nguyễn Luân Vũ, khi quyền lợi được bảo đảm, các nhà nghiên cứu sẽ có thêm động lực lựa chọn hướng đi sát với thực tiễn. Điều này sẽ dần thay đổi cách các cơ sở giáo dục đầu tư cho nghiên cứu, từ nặng về lý thuyết sang tăng tính ứng dụng, kết nối với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Tuấn, ĐBQH tỉnh Bắc Ninh (ĐBQH tỉnh Bắc Giang cũ) nhấn mạnh, quy định người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa sẽ tạo sự chủ động trong việc thương mại hóa, ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Việc giao kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho tổ chức chủ trì về tổng thể sẽ tạo động lực cho các tổ chức nghiên cứu, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

a1-335-.jpg
Quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ trong hoạt động chuyển giao công nghệ - Ảnh: ITN

Tuy nhiên, để quy định này phát huy hiệu quả trong thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng, cần đi kèm với các hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc và cách thức phân chia lợi ích một cách minh bạch, công bằng và dễ thực thi. Việc thiết lập các đơn vị trung gian như trung tâm chuyển giao công nghệ, trung tâm sở hữu trí tuệ ngay trong các trường đại học là một giải pháp then chốt. Những đơn vị này không chỉ đóng vai trò cầu nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp mà còn góp phần thẩm định giá trị công nghệ, hỗ trợ đàm phán hợp đồng, đảm bảo quyền lợi các bên và thúc đẩy quá trình thương mại hóa chuyên nghiệp, bền vững.

Bên cạnh đó, cần có quy định rõ ràng về tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa cá nhân/tập thể nghiên cứu, tổ chức chủ trì và các bên liên quan. Việc xác định giá trị công nghệ và ký kết hợp đồng chuyển giao cũng cần minh bạch, có sự tham gia của các hội đồng thẩm định độc lập hoặc các đơn vị tư vấn chuyên môn. Đặc biệt, nên công khai thông tin về hợp đồng chuyển giao và phân bổ lợi nhuận trong nội bộ tổ chức để tránh phát sinh mâu thuẫn hoặc khiếu kiện. Đảm bảo vai trò và trách nhiệm của tổ chức chủ trì trong việc hỗ trợ thương mại hóa, chứ không chỉ giữ quyền sở hữu công nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy chuyển giao công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO