Nhiều doanh nghiệp vẫn phải lập hóa đơn dù giao dịch không phát sinh doanh thu. Tình trạng này gây tốn kém, rủi ro pháp lý và cần được điều chỉnh…
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không bán hàng, không thu tiền nhưng vẫn phải phát hành hóa đơn. Đó là những giao dịch thuần kỹ thuật như cho mượn tài sản, luân chuyển nội bộ, gửi hàng đi kiểm nghiệm… nhưng nếu không lập hóa đơn, họ có thể bị quy kết là vi phạm.
Bất cập này không chỉ tạo thêm chi phí tuân thủ mà còn đẩy doanh nghiệp vào tình huống "làm đúng cũng sợ sai".
Trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính liên quan đến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần bổ sung rõ các trường hợp không bắt buộc phải lập hóa đơn điện tử đối với các nghiệp vụ như: chuyển nội bộ, cho – tặng – mượn – hoàn trả tài sản, luân chuyển hàng hóa giữa các kho của doanh nghiệp, xuất hàng mẫu, gửi hàng đi kiểm nghiệm, kiểm định, bảo hành...
Theo VCCI, đây là những giao dịch không có yếu tố mua – bán, không phát sinh nghĩa vụ thanh toán, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn buộc phải lập hóa đơn điện tử để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy thu thuế trong tương lai. Việc này không những gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rủi ro pháp lý và phát sinh chi phí tuân thủ không cần thiết cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan thuế.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, các quy định hiện hành đang thiếu sự phân định rạch ròi giữa giao dịch thương mại và phi thương mại. Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 78/2021/TT-BTC có quy định khá chung về các trường hợp lập hóa đơn, nhưng không hướng dẫn cụ thể cho những tình huống nghiệp vụ như gửi mẫu, điều chuyển nội bộ. Chính sự mơ hồ đó dẫn đến cách hiểu không đồng nhất giữa các địa phương, khiến doanh nghiệp lúng túng và dễ bị xử phạt oan.
Đáng chú ý, việc lập hóa đơn điện tử cho các giao dịch không phát sinh doanh thu, nếu không làm rõ phạm vi và tính chất, có thể dẫn tới hệ quả trái chiều: hoặc doanh nghiệp thực hiện hình thức đối phó, hoặc bị quy kết vi phạm do không hiểu đúng quy định. Đề xuất này, vì vậy, được nhiều ý kiến xem là lời cảnh báo đúng lúc và cần được cụ thể hóa trong hệ thống văn bản pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt khẳng định hoàn toàn đồng tình với đề xuất trong việc không bắt buộc xuất hóa đơn với các giao dịch không phát sinh doanh thu, bởi những hoạt động đó không làm phát sinh nghĩa vụ thuế. “Nếu vẫn phải xuất hóa đơn thì vô hình trung doanh nghiệp đang tự tạo ra bằng chứng khiến mình có thể bị quy kết sai phạm”, luật sư Luân nhấn mạnh.
Ông Luân cho biết, hiện nay chưa có hướng dẫn pháp lý cụ thể về các trường hợp miễn lập hóa đơn, dẫn đến việc doanh nghiệp dù không có nghĩa vụ thuế vẫn phải thực hiện để "cho an toàn". Điều này gây áp lực đáng kể về chi phí tuân thủ, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Muốn đảm bảo hiệu quả quản lý mà không làm khó doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần sớm có văn bản hướng dẫn rõ các tình huống không cần lập hóa đơn. Đồng thời, đẩy mạnh hậu kiểm và phân loại rủi ro theo ngành nghề sẽ giúp ngăn ngừa việc lợi dụng chính sách để trốn thuế, mà vẫn không làm gia tăng gánh nặng hành chính”, luật sư Nguyễn Thành Luân góp ý.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts cũng cho rằng việc doanh nghiệp phải xuất hóa đơn cho các giao dịch phi thương mại như luân chuyển nội bộ, mượn thiết bị, xuất mẫu thử… là hoàn toàn bất cập. “Các giao dịch này không phát sinh dòng tiền, không liên quan đến nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng. Nhưng nếu vẫn phải xuất hóa đơn, thì chẳng khác nào chúng ta đang hợp thức hóa một hoạt động thương mại không tồn tại”, luật sư Nhung nêu quan điểm.
Bà Nhung cũng nhấn mạnh: “Luật nên bảo vệ doanh nghiệp làm đúng, chứ không đẩy họ vào vòng xoáy sợ sai. Tôi cho rằng cần thiết phải quy định cụ thể danh mục miễn xuất hóa đơn trong nghị định, đồng thời cho phép sử dụng chứng từ nội bộ thay thế trong các trường hợp phù hợp, kết hợp với cơ chế xác minh minh bạch và thống nhất giữa các địa phương”.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một số ý kiến từ chuyên gia cũng cho rằng, việc không bắt buộc xuất hóa đơn với giao dịch không phát sinh doanh thu không phải là sự nới lỏng quản lý, mà là một điều chỉnh cần thiết để pháp luật đi đúng bản chất. Một doanh nghiệp làm đúng, không phát sinh nghĩa vụ thuế, thì không nên bị trói buộc bởi thủ tục vô nghĩa.
Để gỡ nút thắt này một cách căn cơ, điều quan trọng là cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về các trường hợp được miễn lập hóa đơn, đồng thời đẩy mạnh hậu kiểm có trọng tâm, minh bạch. Khi luật pháp vừa chặt chẽ, vừa hợp lý, doanh nghiệp mới thực sự an tâm phát triển, còn cơ quan quản lý cũng tránh được tình trạng “hành chính hóa” những hoạt động không đáng quản.