Dùng tài khoản cá nhân để quyên tiền từ thiện là không đúng pháp luật

Diendandoanhnghiep.vn Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc dùng tài khoản cá nhân để quyên góp, kêu gọi ủng hộ từ thiện là không đúng pháp luật.

Thời gian gần đây trong dư luận đã phát sinh những tranh cãi xung quanh việc các nghệ sĩ đứng ra quyên góp từ thiện và làn sóng yêu cầu các nghệ sĩ kêu gọi được số tiền lớn phải sao kê bùng nổ.

Trên thực tế, hiện nay Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng đang dự thảo bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ. Trong đó, dự thảo nhấn mạnh nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện. Quy định này nhận được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng trong thời điểm hiện nay.

Những tranh cãi xung quanh việc nghệ sĩ và cá nhân làm từ thiện vừa chưa ngớt.

Những tranh cãi xung quanh việc nghệ sĩ và cá nhân làm từ thiện vừa chưa ngớt.

Phải minh bạch tiền từ thiện 

Về việc nghệ sĩ nói riêng và các cá nhân dùng tài khoản cá nhân quyên tiền từ thiện, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết hiện nay đa số cá nhân hoạt động từ thiện tự túc, tự huy động không điều chỉnh theo quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/6/2008 về hoạt động thiện nguyện.

Theo ông Hùng, Nghị định 64/2008 chỉ điều chỉnh các đối tượng như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương; các quỹ xã hội, quỹ từ thiện; các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

“Các cá nhân hiện nay hoạt động từ thiện, quyên góp để làm từ thiện phân bổ hàng cứu trợ chưa có pháp luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể. Việc dùng tài khoản cá nhân để quyên góp làm từ thiện thì về pháp lý cũng chỉ là tài khoản cá nhân mà thôi chứ không phải tài khoản làm từ thiện hay quỹ từ thiện.

Tôi cho rằng việc dùng tài khoản cá nhân để quyên góp, kêu gọi ủng hộ việc từ thiện là chưa tuân thủ quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này có quy định về thủ tục thành lập quỹ từ thiện”, Luật sư Hùng nói.

Do vậy, ông Hùng nhấn mạnh quan điểm nhiều nghệ sĩ dùng tài khoản cá nhân để quyên góp từ thiện là không đúng pháp luật.

Luật sư Hùng cũng nêu, vừa qua Bộ Văn hoá-Thể thao và Du lịch đã đưa ra dự thảo Bộ quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ, trong đó dự thảo nhấn mạnh nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện.

Tuy nhiên, Bộ quy tắc trên chỉ mang tính định hướng, không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên cũng không có giá trị bắt buộc áp dụng và chế tài khi có sự tranh chấp.

Cần minh bạch trong vấn đề từ thiện.

Cần minh bạch trong vấn đề từ thiện.

Dù hoạt động quyên góp dưới bất kỳ hình thức nào thì trong mọi trường hợp nên công khai hoạt động từ thiện, công khai, minh bạch thu-chi cụ thể tới những người đã quyên góp và cộng đồng nhận tiền từ thiện.

Nghệ sĩ hay cá nhân được nhiều người tin tưởng thì càng phải minh bạch, tránh lợi dụng để trục lợi. Đồng thời khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hay cá nhân quyên góp yêu cầu thì cũng phải sao kê, minh bạch thu-chi. Thực tế bên làm từ thiện đã có thỏa thuận bằng miệng hoặc văn bản là nhờ chuyển số tiền, tài sản đến vùng thiên tai, người nghèo đói, hoạn nạn… chứ không phải họ cho nghệ sĩ, hay cho người vận động quyên góp số tiền hay tài sản đó. Nghệ sĩ chỉ là trung gian, người vận động, vận chuyển hàng hóa, tiền, tài sản đến vùng thiên tai…”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trường hợp người nhận quyên góp trục lợi hay sử dụng tiền sai mục đích thì người quyên góp, người làm từ thiện, người nhờ chuyển tiền có quyền yêu cầu trả lại hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nếu không trả hoặc không có khả năng chi trả vì đã sử dụng tiền sai mục đích thì có thể bị xử lý về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017.

Tôi cho rằng người kêu gọi quyên góp, vận động dù dưới hình thức nào cũng phải minh bạch tài khoản, phải báo cáo kết quả tổng kết sau khi kết thúc hoạt động từ thiện về thời gian cụ thể. Việc đợi khi dư luận lên tiếng mới công khai thì tôi cho rằng chưa tuân thủ hết các quy định cũng như chưa làm hết trách nhiệm”, ông Hùng nhấn mạnh.

Phải luật hoá hoạt động thiện nguyện

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, hoạt động cứu trợ tự nguyện có tổ chức cao của người dân từ đợt bão lũ tháng 10/2020 của miền trung vừa rồi đã đặt ra các vấn đề về chính sách và pháp luật cần giải quyết, trong đó, bao gồm: tính hợp pháp; bảo đảm công khai minh bạch; bảo đảm phân phối hợp lý, công bằng; hỗ trợ hậu cần; cơ chế phối hợp; ứng xử thống nhất của chính quyền địa phương; bảo đảm an ninh, an toàn cho tài sản và người tham gia; có chính sách nhất quán, ổn định để khuyến khích và hỗ trợ. 

Do đó, Luật sư Lập kiến nghị, quy định chung phải phân biệt với tài trợ trực tiếp, riêng tư, có địa chỉ cụ thể; là hoạt động công khai, có tính đại chúng; quy định quyền chính đáng của các tổ chức, cá nhân, được Nhà nước khuyến khích, phối hợp và bảo trợ; quy định các quyền pháp lý và các lợi ích tinh thần, vật chất mà bên tổ chức hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối cứu trợ và bên tài trợ, đóng góp được hưởng.

Đặc biệt, ông Lập cho rằng cần quy định chi tiết về các mô hình tổ chức hoạt động theo hướng quy định nghĩa vụ của Bên tổ chức có đề án hoạt động và văn bản cam kết, đăng ký với chính quyền; công khai hóa và trách nhiệm báo cáo, giải trình; Bên đóng góp, tài trợ có nghĩa vụ sử dụng tài sản hợp pháp của mình để đóng góp, tài trợ; Bên nhận tài trợ có nghĩa vụ sử dụng các khoản đóng góp đúng mục đích của Nhà tài trợ và cam kết của cá nhân; Bên giám sát, phối hợp, hỗ trợ có chương trình phối hợp; hỗ trợ, không gây phiền hà; giải quyết các khiếu nại, tranh chấp; xử lý quan hệ quốc tế.

Tính tới phương án lâu dài hơn, ông Lập đề xuất luật hoá vấn đề thiện nguyện.

Việc luật hoá này cần quy định bao quát cả hoạt động thiện nguyện thường xuyên cho các nhóm yếu thế cũng như bao quát cả hoạt động phi lợi nhuận khác trong mọi lĩnh vực, khẳng định quyền dân sự chính đáng của tổ chức, cá nhân trong mưu cầu hạnh phúc, bảo đảm đời sống, phát triển cộng đồng và giải quyết các vấn đề xã hội”, ông Lập nói.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Dùng tài khoản cá nhân để quyên tiền từ thiện là không đúng pháp luật tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711703744 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711703744 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10