Chính trị

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đòn bẩy phát triển kinh tế

Bảo Lam 25/09/2024 13:01

“Lấy phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt Việt Nam nói chung tạo cú hích cho các ngành cơ khí, chế tạo, tự động hóa,…".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại buổi làm việc về tình hình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, ngày 25/9.

tran hong ha3
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: TTXVN

Tại Hội nghị Trung ương 10 khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư dự án để hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

Ban Chấp hành Truong ương cũng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc - Nam, Trung ương giao Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình kỳ họp 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.

Hiện, Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan đang khẩn trương xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, chuẩn bị trình tự, hồ sơ thủ tục để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2024.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025; giải phóng mặt bằng, khởi công trước năm 2030; hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.

Phạm vi đầu tư của dự án có điểm đầu tại TP. Hà Nội: Tổ hợp ga Ngọc Hồi (đầu mối vận chuyển hành khách và hàng hóa phía nam của khu đầu mối đường sắt Hà Nội). Điểm cuối tại TPHCM: Ga Thủ Thiêm (đầu mối vận chuyển hành khách phía đông của khu đầu mối đường sắt TPHCM).

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cho ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu, quán triệt chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như các ý kiến đóng góp tâm huyết của bộ, ngành, chuyên gia và nhân dân; tiếp tục cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Quốc hội, tập trung vào những vấn đề có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Cụ thể là, ngoài phạm vi đầu tư từ điểm đầu dự án là TP. Hà Nội đến điểm cuối tại TPHCM, cũng cần xem xét, nghiên cứu phương án kéo dài tuyến đường sắt tốc độ cao từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau.

"Bộ Giao thông Vận tải phải phân tích ưu điểm, lợi ích đầu tư toàn tuyến sẽ kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác so với đầu tư trước một số đoạn tuyến. Đánh giá hiệu quả của đường sắt tốc độ cao chuyên vận chuyển hành khách (hoặc kết hợp vận tải hàng hóa khi cần thiết) đối với cả nền kinh tế, chứ không giới hạn trong ngành đường sắt", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, báo cáo tiền khả thi cần thể hiện được quan điểm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 350 km/h "thẳng nhất có thể", "gặp núi qua núi, gặp sông bắc cầu".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ rõ ưu điểm, nhược điểm trong trường hợp coi toàn tuyến là một dự án hay có nhiều dự án thành phần; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về phân kỳ đầu tư, phân bổ nguồn vốn Trung ương, địa phương một lần hay theo giai đoạn 5 năm một lần, sử dụng trái phiếu, ODA và các nguồn hợp pháp khác, tận dụng dư địa mức trần nợ công.

Ngoài ra, Bộ GTVT cần kiến nghị giải pháp tăng cường phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho địa phương về chuẩn bị mặt bằng, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà ga…, còn Trung ương thống nhất quản lý quy chuẩn, tiêu chuẩn từ thiết kế, hạ tầng, phương tiện, hệ thống thông tin, điều hành…; đồng thời "phân công nhiệm vụ" cho doanh nghiệp tư nhân để huy động nguồn lực bên ngoài, từ quỹ đất hai bên tuyến đường sắt để giảm bớt chi phí, nguồn lực của nhà nước.

"Các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng cho đường sắt đô thị ở TP. Hà Nội, TPHCM cần được xem xét áp dụng cho các địa phương có tuyến đường sắt đi qua", Phó Thủ tướng nêu rõ và nhắc lại "trong dự án phải có cơ chế cho địa phương, doanh nghiệp tư nhân".

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn xây dựng và triển khai lộ trình tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt từ sản xuất trang thiết bị, vận hành, quản trị; bảo đảm đồng bộ, thống nhất về công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn.

"Lấy phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt Việt Nam nói chung tạo cú hích cho các ngành cơ khí, chế tạo, tự động hóa,… và các ngành công nghiệp khác phục vụ quốc kế, dân sinh", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long khẳng định, Tập đoàn Hoà Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này.

Trong đó, ông Long nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 70 tỉ USD và tin rằng đây sẽ là công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia trong trung và dài hạn.

Ông bày tỏ sự sẵn sàng của Hòa Phát trong việc tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án; đồng thời khẳng định Tập đoàn Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao.

Báo cáo phân tích mới cập nhật của Công ty Chứng khoán Funan (FNS) cũng cho thấy, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Hòa Phát khi doanh nghiệp này đang nghiên cứu sản xuất thép phục vụ cho dự án. Bởi chi phí xây dựng công trình, đường ray, nhà ga có thể lên mức 650.907 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đòn bẩy phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO