Chính trị - Xã hội

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình quan trọng và cần thiết

Nguyễn Việt 18/09/2024 21:26

Ngày 18/9/2024, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Tờ trình Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận đây là công trình rất quan trọng và rất cần thiết.

đường sắt 1
Bộ Chính trị kết luận, Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình rất quan trọng và rất cần thiết. Ảnh minh hoạ

Một là, mục tiêu chung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hoá các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.

Hai là, tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ba là, bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistic.

Bốn là, tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ.

Năm là, phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bộ Chính trị thống nhất xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trước khi Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Bình luận về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái-Khoa Kinh tế vận tải trường Đại học GTVT cho rằng, để triển khai dự án, công tác chuẩn bị nguồn nhân lực rất quan trọng, từ đầu tư, thi công đến vận hành, công việc này cần nhiều thời gian (5-10 năm).

Do đó, phải tập trung đào tạo ngay từ bây giờ, để 4-10 năm sau mới có đội ngũ kỹ sư, trong khi dự án chưa đề cập bài toán nhân lực. Nếu không có nhân lực, cứ thuê người nước ngoài và mua trang thiết bị thay thế trong khi nhược điểm của công nghệ này là khối lượng bảo trì lớn, sẽ bị phụ thuộc và ảnh hưởng nghiêm trọng quá trình vận hành dự án.

“Trước đây công nghệ chưa cao nên chúng ta lựa chọn tàu có tốc độ thấp. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ đã rất phát triển. Hơn nữa, thời gian từ khi xây dựng đề án đến đầu tư, xây dựng khai thác vận hành khá lớn. Do đó, phải chọn tốc độ cao để phù hợp với tương lai", PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh.

Về phương án tàu cao tốc chuyên chở hành khách hay tích hợp chở hàng hóa và hành khách, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thái về logic khi xây dựng tàu cao tốc chỉ phục vụ hành khách có thể ưu tiên tốc độ cao hơn.

đường sắt 2
Bộ Chính trị thống nhất xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trước khi Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Ảnh minh hoạ

“Khi khai thác vừa vận tải hành khách và hàng hóa sẽ hạn chế về tốc độ. Việt Nam có thể nghiên cứu chuyển tuyến đường sắt khổ 1m sang vận tải hàng hóa”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thái nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia ngành GTVT đánh giá việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại theo đúng Quy hoạch đường sắt năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt là yêu cầu tất yếu.

Bởi, hệ thống đường sắt của Việt Nam hiện nay so với thế giới đã rất lạc hậu, năng lực vận tải hàng hóa và hành khách chỉ đạt 1% nhu cầu thị trường.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thời gian Bộ GTVT đề xuất đến năm 2050 mới đưa vào khai thác toàn tuyến là quá lâu sẽ dẫn đến rủi ro về tăng vốn đầu tư, bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Bộ GTVT cần hoàn thiện phương án phân kỳ đầu tư hợp lý, đảm bảo tính khả thi, hoàn thành dự án sớm hơn.

“Kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao ở các nước cho thấy, cần đầu tư tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại thay vì cải tạo, sử dụng hạ tầng vốn có. Đây là cơ hội để ngành đường sắt làm chủ công nghệ, đổi mới phương thức quản trị vốn đã lạc hậu rất nhiều so với thế giới”, ông Nghĩa nói.

Chuyên gia tư vấn CNTT Lâm Việt Tùng góp ý, thực tế trong những năm vừa qua, dự tính kinh phí và thời gian nhiều dự án lớn của chúng ta đều gặp phải hậu quả đội vốn rất cao, kéo dài nhiều năm và gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Do đó, cần làm rõ một số nội dung, như nên chọn thầu và mời thầu như thế nào để tránh bất ngờ về sau, lập danh sách các yêu cầu và kiến trúc tổng thể…

Theo ông Tùng, thông thường các doanh nghiệp sẽ thuê nhóm tư vấn thu thập yêu cầu chi tiết từ khách hàng mà ở đây là Bộ GTVT như vận tốc tối đa, đường dài bao nhiêu km, hai hay một đường ray, ga tàu nằm ở đâu, kết nối với các phương tiện khác ra sao, số lượng người sẽ tham gia giao thông…

Từ đó, nhóm tư vấn lập ra kiến trúc tổng thể dựa trên yêu cầu chức năng mà chủ đầu tư yêu cầu, theo chuẩn chung của thế giới để tránh phụ thuộc vào một nhà cung cấp đầu tàu, thiết bị và hệ thống điều khiển.

Tiến hành chia các hạng mục công việc theo kiến trúc ở mức độ khái quát, thêm các yêu cầu kỹ thuật vào như hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống điện ra sao?

Các giao thức kết nối như thế nào, chọn khung tiêu chuẩn nào như EN của châu Âu, kiểu động lực phân tán hay kéo-đẩy, nguồn điện ra sao…và làm thành danh sách yêu cầu theo theo mức độ quan trọng như “bắt buộc phải có” hay “tốt nhất nếu có”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình quan trọng và cần thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO