Đầu tư

Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam: Cần lưu ý nguy cơ rủi ro về tài chính

Yến Nhung 15/11/2024 04:00

Liên quan đến tổng mức vốn đầu tư cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp kiểm soát nguy cơ rủi ro về tài chính dài hạn.

Cho ý kiến về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đa số đồng ý với chủ trương đầu tư dự án là rất cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước; đặc biệt là trong việc thúc đẩy hệ thống giao thông hiện đại, giảm tải áp lực đường bộ, đường hàng không và giảm ô nhiễm môi trường. Song, các đại biểu cũng bày tỏ ý kiến, quan điểm về nguồn vốn, công nghệ, tiến độ hoàn thiện và tác động của thực hiện dự án với đảm bảo kinh tế vĩ mô, ngân sách nhà nước, nợ công và bội chi ngân sách...

duong-sat-bac-nam-11.jpg
Đa số đồng ý với chủ trương đầu tư dự án là rất cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước - Ảnh: ITN

Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần tổng mức đầu tư lên đến 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD), đây là một khoản kinh phí khổng lồ, chưa từng có trong lịch sử phát triển hạ tầng Việt Nam. Con số này vượt xa 114% so với tổng mức vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021–2025. Ngay cả dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành - vốn được xem là dự án trọng điểm, phức tạp nhất quốc gia với tổng vốn 16 tỷ USD - cũng chỉ chiếm khoảng 24% so với số vốn mà dự án đường sắt tốc độ cao yêu cầu.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đánh giá, với tổng vốn đầu tư ước tính 67 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hứa hẹn góp phần thay đổi diện mạo giao thông vận tải, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Lưu ý vấn đề nguồn vốn và rủi ro phải trả nợ là một áp lực lớn đối với dự án này, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị có các giải pháp minh bạch, quản lý chặt chẽ và kiểm soát nguy cơ rủi ro về tài chính dài hạn.

"Dự án rất cần một cơ chế linh hoạt và đặc thù, bao gồm cả việc kêu gọi nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế, vay vốn ưu đãi hoặc huy động trái phiếu trong nước để giảm áp lực cho ngân sách. Ngoài ra, việc phân nhỏ các thành phần đầu tư theo giai đoạn không chỉ giúp giám sát kỹ càng hơn mà còn tạo điều kiện phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh lãng phí các nguồn lực và phù hợp với năng lực tài chính của từng thời kỳ của nước ta. Việt Nam chưa có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao nên sẽ phát sinh rủi ro trong việc vận hành và bảo trì. Do đó, cần dự trù ngân sách và kế hoạch bảo trì dài hạn để bảo đảm tính bền vững", đại biểu nhấn mạnh.

5-8627 (1)
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp kiểm soát nguy cơ rủi ro về tài chính dài hạn - Ảnh: ITN

Nhất trí cao việc có 19 cơ chế, chính sách đặc thù đối với dự án này, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị, khi áp dụng các cơ chế đặc thù cần quán triệt chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, dự án triển khai sẽ tạo đòn bẩy để kinh tế Việt Nam vươn mình. Tuy nhiên, để giấc mơ này thành hiện thực cần đối mặt thách thức như vốn đầu tư, lộ trình chuẩn bị khoa học, tính toán cẩn thận từ mọi cấp độ.

Theo đại biểu, nếu không có chiến lược tài chính tối ưu, phân bổ nguồn vốn, có thể dẫn tới mất cân đối. Điều này gây ra tác động dài hạn nợ công, đẩy mức bội chi cao, trong khi ngân sách ưu tiên cho các lĩnh vực như y tế, thiết yếu, phúc lợi xã hội...

“Vì vậy, để dự án đảm bảo tiến độ và mức độ đầu tư, cần phải giám sát chặt chẽ, dự phòng rủi ro. Tính toán chi tiết về sự sẵn sàng cao thì dự án mới bền vững, không đội vốn, với kế hoạch rõ ràng, phương án khả thi. Đặc biệt, cần tính toán cẩn trọng kỹ lưỡng thời gian hoàn vốn”, đại biểu đề nghị.

Cũng quan tâm đến vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Thành Trung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nhận định, việc xác định tổng mức đầu tư dự án cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố biến động, cho nên khả năng tổng mức đầu tư tăng là hiện hữu (nhất là việc xây dựng vốn cho giải phóng mặt bằng, vấn đề áp dụng công nghệ, lựa chọn thiết bị...).

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội giao nắm thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Trong trường hợp khẩn cấp, cấp bách thì có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giữa hai kỳ họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Về nguồn vốn, đại biểu Nguyễn Thành Trung ủng hộ phương án dùng vốn đầu tư công để thực hiện dự án và tập trung trong hai giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035.

Xác định là có bội chi ngân sách và nguồn vốn đầu tư công chủ yếu từ vay nợ, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động của việc đầu tư dự án đến bội chi ngân sách nhà nước, đến nợ công và khả năng trả nợ của ngân sách trong trung và dài hạn. Ngoài ra, cần bổ sung thêm một nguồn vốn là nguồn tăng thu hàng năm. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì toàn bộ phần tăng thu ngân sách trung ương sẽ để dành 50% để cải cách tiền lương, 50%, còn lại ưu tiên để giảm bội chi và bố trí vốn cho các dự án quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam: Cần lưu ý nguy cơ rủi ro về tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO