Nhìn dòng người ngồn ngộn trên đường trở lại thành phố lớn sau tết Nguyên đán tôi bắt đầu mượng tượng ra khung cảnh hoe hoắt ở nông thôn.
Xóm anh Tư độ vài chục nóc nhà, quanh năm suốt tháng hầu như không thấy bóng thanh nam thanh nữ. Anh Tư có 3 đứa con, hai đứa lớn lên Sài Gòn làm công nhân, gái nhỏ đang học lớp 12, cũng dự tính theo chân hai anh lớn sau kỳ thi tốt nghiệp năm nay.
Khắp xóm này có rất nhiều “mô hình” như nhà anh Tư, tụi nhỏ cứ lũ lượt kéo về thành phố kiếm kế mưu sinh, mặc cho ruộng đồng bát ngát thiếu nhân lực.
Có lẽ, “đi Bình Dương”, “đi Sài Gòn” là hai câu trả lời phổ biến nhất ở những vùng quê Đồng bằng sông Cửu Long, nó giải quyết nỗi bí bách trước mắt nhưng lại ẩn chứa những vấn đề rất vĩ mô.
Tha hương cầu thực là khái niệm quá quen thuộc ở mọi vùng miền trong một đất nước có sự chênh lệch quá lớn giữa nông thôn và thành thị. Nhưng, Miền Tây Nam Bộ là một trong những đồng bằng châu thổ trù phú bậc nhất thế giới.
Tết nào cũng vậy, sau mấy ngày nghỉ lại diễn ra cảnh tượng quen thuộc, đường về TP HCM qua cửa ngõ phía Nam luôn tắc nghẽn. Cao tốc Trung Lương và con đường huyết mạch quốc lộ 1A không thể chứa nổi lượng người từ 13 tỉnh Tây Nam Bộ đang cấp tập trở lại.
Đây không chỉ và không phải là chuyện của tết! “Đi Sài Gòn, “đi Bình Dương” là lựa chọn mấy chục năm nay của hàng triệu ở vùng đất vốn phì nhiêu hiếm thấy thế giới.
Có thể bạn quan tâm
15:41, 23/03/2018
13:56, 04/05/2018
04:02, 12/05/2018
TP HCM sẽ “chết” nếu thiếu lao động nhập cư, nhịp sống hối hả ở đây vốn được tạo ra bởi mười mấy triệu con người mang trong mình một mục đích duy nhất là đổi đời.
Nhưng ai sẽ lo cho cả vùng đồng bằng rộng lớn nếu những người sung mãn nhất chọn cách ra đi? Phải chăng, đấy chỉ là trào lưu đám đông?
Một căn phòng khoảng 12m2 tít tận trên tầng 6 cách không xa nhà máy Pouchen Bình Tân (TP HCM) là chỗ ở của vợ chồng anh H hơn 10 năm nay. Nhiều lần đến chơi nhưng tôi hiếm khi gặp cả hai người.
Đời công nhân, ăn ngủ sinh hoạt theo ca kíp, lúc anh về chị đã đi, lúc chị ở nhà thì anh vắng mặt, có lẽ vì thế mà lấy nhau đã chừng ấy năm vẫn chưa thấy bóng dáng con trẻ trong căn phòng tuy nhỏ nhưng chưa một lần được thấy chật chội.
Ở khu trọ này hầu như không ai biết mặt ai, tan ca ai nấy hối hả về nhà trọ rồi vùi vào giấc ngủ lấy lại sức, ngày nghỉ được chút thời gian lại chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo.
Cà phê với tôi một sáng cuối tuần, anh tâm sự “dành cả tuổi thanh xuân cho nhà máy, thoắt cái đã ngót 40, không biết còn trụ được bao lâu với cường độ làm việc khủng khiếp này”.
Sao không về quê? Tôi hỏi. Anh rít vội khúc thuốc đỏ rực và trầm ngâm không nói gì. Nghe trong hơi thở anh thoát ra sự mỏi mệt, tôi không định hỏi thêm nữa nhưng anh vặn lại “về quê rồi lại thất nghiệp, mấy công ruộng làm quần quật mà không có xu dính túi thì về làm gì”.
Tôi đoán được câu trả lời, vì tôi biết anh chỉ là một trong hàng triệu người ở cái thành phố bát ngát này cũng vì lý do tương tự mà cố gắng bám víu lại.
Nhìn dòng người ngồn ngộn trên đường trở lại thành phố lớn sau tết Nguyên đán tôi bắt đầu mượng tượng ra khung cảnh hoe hoắt ở nông thôn, nơi có ruộng đồng thẳng cánh cò bay mà nhân lực thiếu trầm trọng.
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi hứng chịu nhiều hệ quả, cả thiên tai lẫn nhân tai, cư dân ít nhiều cảm thấy bất lực trên mảnh đất mình sinh ra, họ buộc đổ dồn về thành phố để kiếm cơm.
Trung bình mỗi ngày vùng này mất đi một diện tích tương đương 1,5 sân bóng đá do tình trạng xói lở và hoạt động khai thác cát vô tội vạ đang diễn ra.
Thống kê về tình trạng sạt lở bờ biển cho thấy, vùng bờ biển các tỉnh phía đông như Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu lượng bồi đắp, lấn ra biển chỉ chiếm 22% diện tích, trong khi có đến 48% khu vực bờ biển có biểu hiện thoái lui do bị biển lấn.
Tương lai không xa nữa, cát, bùn và phù sa không còn đổ về đây, đó là nhận định của nhiều nhà khoa học khi tham dự hội thảo tham vấn “Dự án thuỷ điện Pak-Beng của Lào trên dòng chính sông Mekong”.
Nơi sản xuất ra 90% lúa gạo và 60% thủy sản xuất khẩu, nhưng nông dân mãi chưa khá lên. Những gì tồn tại hàng trăm năm nay đang đổi thay đáng báo động trong mười năm trở lại đây, thủy sản cùng kiệt dần vì những con đập mọc lên ở thượng nguồn Mekong.
Tương lai bất định ở vùng đồng bằng trù phú, đó là một nghịch lý. Làm sao để người miền Tây quay trở về giữ đất giữ làng một cách êm dịu như khúc dân ca hào sảng?