Duyên nợ quan hệ Việt - Nhật

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 01/05/2022 09:44

Việt Nam luôn là người bạn tốt, đối tác tích cực, phía Nhật luôn đóng vai trò là “nhà kiến thiết” trong chặng đường phát triển của Việt Nam trong gần nửa thế kỷ qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng bức thư pháp cho Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bức thư pháp mang thông điệp quan hệ hai nước.

>>Thông điệp gì từ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản?

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản, Kishida Fumio đến Việt Nam trong 2 ngày 30/4 và 1/5 tiếp tục khẳng định mối quan hệ đặc trưng Việt - Nhật, trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương đứng trước nhiều thay đổi lớn.

Rất nhiều “giá trị Nhật Bản” được viện dẫn như là thước đo phi chính thức trong xã hội Việt Nam, tính kỷ luật công việc, đúng giờ, tiết kiệm, văn hóa công sở,… Hai quốc gia cùng ảnh hưởng Nho giáo, tính cách Á đông, có điểm cắt về bối cảnh lịch sử - cùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề.

Nhật Bản “Tây hóa” và đạt được thành công rực rỡ về phương diện kinh tế cũng như quản lý xã hội. Việt Nam cũng hòa vào dòng chảy chung nhưng vẫn kiên định cho mình con đường đã chọn từ đầu thế kỷ XX.

Trong cuốn sách “Kinh tế Nhật Bản”, Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda) cho rằng kinh nghiệm cho Việt Nam được tổng kết qua 2 khái niệm “nhà nước kiến tạo phát triển” và “năng lực xã hội”.

Cả hai vấn đề này đã xuất hiện ngày một rõ trong các chính sách vĩ mô ở Việt Nam, trong đó thuật ngữ “nhà nước kiến tạo” được đưa ra dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất phù hợp với thực tiễn. Thuật ngữ này đã và đang được hiện thực hóa, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Việt Nam cũng đạt được nhiều bước tiến về năng lực xã hội, được đánh giá qua các chỉ số quyền lực châu Á 2020; chỉ số quyền lực “mềm” toàn cầu 2021; chỉ số phục hồi COVID-19; chỉ số sẵn sàng cho trí tuệ nhân tạo; chỉ số hạnh phúc toàn cầu, chỉ số tín nhiệm quốc gia,…

Vì những lý do đó, Việt Nam là nơi dễ bị hấp dẫn bởi giá trị Nhật Bản, biểu hiện rõ rệt nhất qua con số vốn đầu tư doanh nghiệp. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch lớn thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Hai bên tích cực phối hợp tháo gỡ vướng mắc ở nhiều dự án hợp tác quan trọng, cũng như rất nhiều chương trình hỗ trợ nhân đạo.

Đầu tư Nhật Bản luôn ở top đầu tại Việt Nam

Đầu tư Nhật Bản luôn ở top đầu tại Việt Nam

Dấu ấn lịch sử quan hệ Việt - Nhật còn để lại ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) và con đường tơ lụa trên biển nối hải cảng sầm uất nhất Trung bộ một thời với nền kinh tế Đông Á.

Ngày nay, Việt Nam trở nên hấp dẫn ở Đông Nam Á, không chỉ là nơi làm ăn thuận lợi, mà còn sở hữu vị trí địa chính trị quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến cục diện châu Á - Thái Bình Dương mà Tokyo là “cánh tay phải” của Mỹ.

Trong 10 năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những điểm đến ngoại giao đầu tiên của những Thủ tướng Nhật, đó là ông Shinzo Abe và Suga Yoshihide và cả Thủ tướng đương nhiệm Kishida Fumio. Điều này thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam đối với chiến lược Nhật Bản qua nhiều đời lãnh đạo.

Trước diễn biến ở châu Á -Thái Bình Dương, trọng tâm là cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ, đặt các nước nhỏ vào tình thế khó, ít nhất cũng làm thay đổi cấu trúc chính sách ngoại giao để phù hợp với tình hình mới.

Về điều này, người Nhật rất giàu kinh nghiệm, từ sau thế chiến II, Nhật Bản tăng cường hướng Tây, dựa hẳn vào Mỹ về an ninh, quốc phòng; hấp thu mọi tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Nhưng Nhật Bản cũng khéo léo điều hòa quan hệ với Trung Quốc, vì các Thủ tướng Nhật đều hiểu rằng, nền kinh tế Trung Quốc ngày nay là động lực không thể tách khỏi sự sống còn của kinh tế Nhật.

Hy vọng rằng, bài học “đi giữa hai làn đạn” từ Nhật Bản có thể là tham chiếu giúp Việt Nam cân bằng quan hệ, không thiên cực, đó là ý nguyện của chúng ta và cũng là phương sách tối ưu nhất khi cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc đã “nóng” lên.

Có thể bạn quan tâm

  • Kỳ vọng và thách thức đối với Tân Thủ tướng Nhật Bản

    Kỳ vọng và thách thức đối với Tân Thủ tướng Nhật Bản

    05:19, 01/10/2021

  • Ai sẽ là tân Thủ tướng Nhật Bản?

    Ai sẽ là tân Thủ tướng Nhật Bản?

    10:00, 14/09/2021

  • Thủ tướng Nhật Bản dự định từ chức

    Thủ tướng Nhật Bản dự định từ chức

    13:06, 03/09/2021

  • Thông điệp gì từ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản?

    Thông điệp gì từ chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản?

    17:06, 20/10/2020

  • Thủ tướng Nhật Bản: Việt Nam đóng vai trò trọng yếu và là địa điểm thích hợp nhất

    Thủ tướng Nhật Bản: Việt Nam đóng vai trò trọng yếu và là địa điểm thích hợp nhất

    12:05, 19/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Duyên nợ quan hệ Việt - Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO