Dù nhiều khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm “chất”, nhưng thị trường mua bán nợ vẫn đã và đang “ế ẩm”.
>> “Mắc kẹt” với tài sản bảo đảm bất động sản
Trên sàn giao dịch mua bán nợ VAMC có nhiều khoản nợ rao bán, từ tài sản do VAMC quản lý là quyền khai thác/kinh doanh Khách sạn Saigon Prince Hotel (Quận 1, HCM)… đến tài sản đất “sắp lên quận” hàng chục nghìn ha trồng cây, trồng lúa tại Nhà Bè (TP.HCM). Trong đó, có những tài sản được rao bán tới lần thứ 10 và điều chỉnh giá, nhưng vẫn chưa bán được.
Nhiều khoản nợ xấu nhưng kết cấu tài sản bảo đảm đẹp, chủ yếu là bất động sản, cũng khiến ngân hàng phải rao bán nhiều lần mới thành công. Điển hình như đợt đấu giá khoản nợ của Công ty Thép Việt Nga của BIDV, vừa được lặp lại vào ngày 15/2 vừa qua. Tổng dư nợ của khoản nợ là 475 tỷ đồng, có 5 tài sản bảo đảm với quyền sử dụng đất thuộc các thửa thửa đất tại Long An và TP.HCM (Bình Chánh, Tân Bình) – giá đấu khởi điểm từ 268 tỷ đồng, chỉ cao hơn dư nợ gốc 2 tỷ đồng, tức BIDV chỉ chọn giá đấu “không gộp lãi, xóa phí”… để bán, nhưng khoản nợ này vẫn đang phải rao lần thứ 9.
Trong khi đó, mặc dù Đồng Nai được xem là một trong những địa phương “tăng giá đất vù vù” trong 3 năm gần đây, nhưng VietinBank cũng đang phải “ì ạch” lần thứ 6 rao khoản nợ mà giá đấu khởi điểm chỉ ngang giá tài sản 51 tỷ đồng, gắn liền với nhiều quyền sử dụng đất thuộc các thửa đất ở địa bàn Long Khánh…
>> Nợ xấu, chứng khoán, bất động sản: Những lưu ý cho năm 2022
TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, Chuyên gia kinh tế, cho biết trong những năm trước đây, nhiều ngân hàng cho vay với tài sản bảo đảm được định giá cao, “thoáng”. Nhưng hệ lụy của đợt tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trước đây khiến các ngân hàng đã học được bài học siết chặt chất lượng tín dụng, thẩm định tài sản bảo đảm cho vay, nên việc định giá tài sản hiện nay rất sát. Chính vì vậy, dư địa để ngân hàng “đại hạ giá” so với giá trị thị trường không còn rộng.
“Nếu ngân hàng không chấp nhận lỗ một phần, chỉ muốn bán với giá nợ gốc trở lên – tức gần ngang giá thị trường, sẽ vô cùng khó trong việc rao bán, kể cả những tài sản bất động sản đẹp. Bởi từ mức giá khởi điểm đấu gần ngang thị trường, cộng thuế, phí, ký quỹ… thì bên mua nợ vẫn có thể phải mua giá cao, trong khi họ phải chịu nhiều rủi ro và chi phí pháp lý cao hơn”, TS. Nguyễn Hoàng Hiệp phân tích.
Song song với việc cần hạ giá kỳ vọng bán nợ xấu, các chuyên gia cho rằng mở rộng cơ chế xử lý nợ sao cho thu hút được nhà đầu tư nước ngoài vẫn là giải pháp cần để thị trường mua bán nợ rộng cửa.
Sau đề xuất của NHNN cho phép kéo dài Nghị quyết 42 thêm 3 năm, mới đây Bộ Tư pháp vừa có phiên họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, các ý kiến tại cuộc họp cơ bản nhất trí với việc gia hạn việc thực hiện Nghị quyết số 42 và cho rằng cần đánh giá thêm tác động đối với các đối tượng điều chỉnh khi kéo dài việc thực hiện. Bên cạnh đó cần có đánh giá toàn diện về mặt số liệu cũng như đánh giá về hiệu quả của Nghị quyết để xây dựng luật một cách sớm nhất. Theo đó, nhất trí với sự cần thiết kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 42; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì cần làm rõ hơn sự cần thiết của việc kéo dài Nghị quyết. Bộ Tư pháp yêu cầu trong dự thảo Nghị quyết phải xác định rõ hai nội dung là kéo dài trong thời gian bao nhiêu lâu và kéo dài toàn bộ hay một phần chính sách trong Nghị quyết…
Có thể bạn quan tâm
Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu có hợp lý?
04:50, 09/03/2022
Những đề xuất và kiến nghị xử lý nợ xấu theo hướng thị trường
14:00, 23/02/2022
Luật hóa Nghị quyết 42 để hạn chế nợ xấu
04:10, 21/02/2022
Yếu tố nào tác động đến nợ xấu toàn ngành ngân hàng năm 2022?
05:15, 20/02/2022