[eMagazine] Các gói hỗ trợ tín dụng đã kích nhưng... hoạt thế nào?

Phương Hà- Nguyễn Long 23/04/2020 14:50

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã chủ động tung ra các gói hỗ trợ tín dụng trong mùa dịch. Vậy các gói tín dụng này đã được kích hoạt trên thực tế?

Ngay từ cuối tháng 2/2020, ngành ngân hàng đã chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh với các ngân hàng. Theo đó, NHNN đã khẩn trương ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN – giải pháp đột phá, giúp các TCTD thực hiện cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và doanh nghiệp vay vốn. NHNN cũng kịp thời ban hành Chỉ thị 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế. Điều đó cho thấy sự chủ động, tích cực, quyết liệt của toàn hệ thống thời gian qua.

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho biết kết quả triển khai các giải pháp nói trên trong thời gian qua cũng rất tích cực. Theo đó, cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 167 nghìn khách hàng với dư nợ gần 63 nghìn tỷ đồng; Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 12 nghìn tỷ đồng; Hạ lãi suất với dư nợ hiện hữu cho hơn 289 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 948.407 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 146.571 khách với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 102.930 khách hàng với dư nợ 2.815 tỷ đồng, cho vay mới đối với 516.668 khách hàng với dư nợ 18.825 tỷ đồng. Các ngân hàng đã miễn giảm phí thanh toán cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng trên 1.000 tỷ đồng.

"Những con số này thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của cả hệ thống ngân hàng với nền kinh tế và khách hàng vay vốn. Kết quả này là bước đi quan trọng để chúng ta kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khách hàng vay vốn, tạo điều kiện cho nền kinh tế có thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...", ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank:

NHNN đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch. Mục tiêu của NHNN là mục tiêu kép, vừa giữ hoạt động ổn định, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Vietcombank đã và đang chia sẻ 2.240 tỷ đồng lợi nhuận với doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi suất cho vay. Theo đó dự kiến đến tháng 6/2020 khoảng 70% số tiền hỗ trợ này sẽ được chia sẻ, và đến 30/9/2020 sẽ chia sẻ hết số tiền hỗ trợ này. Chúng tôi đã giảm lãi suất cho vay đồng loạt trên hệ thống.

Vừa qua cũng có một số doanh nghiệp có ý kiến phán ánh không tiếp cận được vốn tín dụng, hay có ý kiến kêu ca là các doanh nghiệp không có phương án kinh doanh đảm bảo, không chứng minh được thiệt hại do dịch... Theo đó, các ngân hàng cần giải thích cho doanh nghiệp và thông báo cho các hiệp hội doanh nghiệp để kiến nghị NHNN có giải pháp gỡ vướng cho các doanh nghiệp này.

Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT Vietinbank:

Ngay khi có Thông tư 01 của NHNN, Vietinbank đã ban hành ngay văn bản hướng dẫn, tổ chức các cuộc họp trực tuyến trên toàn quốc để chỉ đạo triển khai Thông tư này đến tất cả các chi nhánh, các đơn vị trong hệ thống Vietinbank.

Ngân hàng vẫn tiếp tục truyền thông, công khai các chính sách tín dụng, cải cách thủ tục hành chính để các nguồn vốn đến được với người dân, doanh nghiệp.

Công bố giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tín dụng là trách nhiệm đồng hành chia sẻ của Vietinbank với doanh nghiệp và nền kinh tế, trong đó xác định rõ một số lĩnh vực thiết yếu và mức độ giảm lãi suất cao nhất như: điện, lương, nước sinh hoạt, nước công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, thiết bị y tế, các thuốc chữa bệnh, thuốc bổ…; các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với Vietinbank; các doanh nghiệp cung ứng, cung cấp các dịch vụ về lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cho người dân; các siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

Đó là các đối tượng mà Vietinbank xác định rõ và chỉ đạo rất nghiêm túc đến các chi nhánh, những trường hợp đó có thể giảm lãi suất cho vay từ 2 – 2,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường của Vietinbank. Đối với các đối tượng còn lại, Vietinbank xem xét tùy theo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp đó để giảm lãi vay từ 0,5 – 1,5%/năm. Với mức giảm lãi suất, giảm phí như thế thì dự kiện lợi nhuận của Vietinbank sẽ giảm từ 3 – 4 nghìn tỷ so với kế hoạch đã đề ra lúc đầu.    

Ông Tiết Văn Thành – Tổng giám đốc Agribank:

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Agribank đã hết sức chủ động triển khai các giải pháp về phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, Agribank thực hiện gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp trị giá 100.000 tỷ đồng, lãi suất giảm so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 đến 2,1%/năm.

Do triển khai gói hỗ trợ trên, nên doanh thu năm nay của Agribank sẽ giảm 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận giảm khoảng 20%, trích lập dự phòng 16.000 tỷ đồng. 

Ông Dương Quyết Thắng – Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội:

Thời quan qua, ngành Ngân hàng hết sức chủ động, quyết liệt hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ. Mặc dù NHCSXH chưa được giao tăng trưởng tín dụng, nhưng trên cơ sở nhận vốn cấp, vốn ủy thác của các địa phương đã thực hiện giải ngân hỗ trợ các đối tượng ưu tiên trong mùa dịch.

Kết thúc quý I, NHCSXH cho vay được 518.668 hộ, doanh số 18.825 tỷ đồng. tổng dư nợ đến 31/3 211.522 tỷ đồng với 6.516.442 hộ đang vay vốn, tỷ lệ tăng trưởng quý I là 1,9%. NHCSXH đã và đang thiết lập 10.483 điểm giao dịch xã, 175307 Tổ tiết kiệm rải khắp phường xã bản làng toàn quốc để hỗ trợ người dân.

NHCSXH đã thực hiện gia hạn, giãn nợ cho 102.903 hộ với số tiền 2.815 tỷ đồng. Ngoài ra, NHCSXH đã xây dựng phương án miễn giảm lãi suất cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác và sẽ trình Thủ tướng thông qua phương án này.

Có thể bạn quan tâm

NHCSXH được giao nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng là cho vay với người sử dụng lao động khó khăn về tài chính để trả lương tối thiểu vùng cho người lao động bị dừng việc. Khó khăn nhất là nhận diện đối tượng chính xác để ngân hàng thực hiện giải ngân, làm rõ trách nhiệm của NHCSXH là ngân hàng của Chính phủ, ngân hàng cho vay theo chỉ định. 

Doanh nghiệp vẫn kêu trời

Dù các ngân hàng đã tích cực triển khai các gói hỗ trợ tín dụng nói trên, nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn than thở không tiếp cận được các gói tín dụng này do không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được thiệt hại do dịch bệnh cũng như dòng tiền để trả nợ.

Đó là thực tế khó khăn chung của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì phần lớn trụ sở, nhà xưởng của họ đều đi thuê, trong khi hoạt động của nhiều doanh nghiệp đã tạm dừng do dịch bệnh, nên khó chứng minh được dòng tiền. Trong khi đó, các gói hỗ trợ này là vốn huy động của ngân hàng, chứ không phải tiền ngân sách. Do đó, ngân hàng cũng không thể hạ tiêu chuẩn quá mức theo quy định để cho vay, vì điều đó có thể dẫn tới nợ xấu, gây bất ổn cho ngân hàng.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng các quỹ bảo lãnh tín dụng cần đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn. Có như vậy, các gói hỗ trợ mới thực sự lan tỏa đến nhiều doanh nghiệp.

Nổi bật
Mới nhất
[eMagazine] Các gói hỗ trợ tín dụng đã kích nhưng... hoạt thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO