Có một chi phí không thể tiết kiệm và cắt giảm tại nhiều doanh nghiệp, trong khi thực tế hoạt động kinh doanh của họ cũng vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch. Đó là chi phí để yêu thương
Hàng loạt doanh nghiệp, doanh nhân đã “tiêu tiền” theo cách đặc biệt trong đại dịch, chi tiêu nhiều hơn bao giờ khi thực hiện các hoạt động thiện nguyện, từ thiện, góp sức chống dịch và an sinh xã hội.
Những đóng góp thông qua cách tiêu tiền đặc biệt ấy của các doanh nhân, với doanh nghiệp của mình, không chỉ thể hiện tinh thần tương thân, tương ai, “lá lành đùm lá rách”, “lá lành ít đùm lá rách nhiều”, mà còn thể hiện cả tư duy, tầm nhìn, thiện ý của họ với giá trị vật chất. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” được hiện thực bởi cách chi tiêu trong đại dịch của họ, theo đó, càng có giá trị, ý nghĩa đóng góp vượt giá trị tiền bạc, nhân gấp nhiều lần.
Nhân ngày 13/10, xin trân trọng giới thiệu một vài cách “tiêu tiền” từ những doanh nhân, lãnh đạo các doanh nghiệp, đại diện cho những tấm lòng như vậy.
Mua vaccine, tài trợ cho nghiên cứu vaccine, lập công ty để sản xuất vaccine phi lợi nhuận, hợp tác để mua hàng trăm ngàn liều thuốc đặc trị Covid-19… mang về Việt Nam, dường như là ưu tiên “tiêu tiền” hàng đầu của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng cùng Vingroup.
Năm 2020, Tập đoàn này tài trợ, đóng góp cho công tác phòng chống dịch của cả nước lên tới 1.277 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng năm nay, vào tháng 2/ 2021, Vingroup trao tặng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế kinh phí là 20 tỷ đồng để tài trợ cho hoạt động nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVIVAC.
Tháng 5/2021, Tập đoàn Vingroup đi đầu trao tặng 4 triệu liều vaccine phòng dịch COVID-19, trong bối cảnh vaccine về Việt Nam đang hết sức khan hiếm. Một tính toán sơ bộ là giá trị lô vaccine này vào khoảng 500 tỷ đồng.
Tháng 6/2021, Vingroup trao tặng Bộ Y Tế 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao phục vụ cho 2 triệu mẫu test với tổng giá trị hơn 460 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD).
Tháng 8/2021, Vingroup, qua CTy Thành viên VinBioCarre, công ty vừa được Vingroup thành lập với vốn đầu tư ban đầu 200 tỷ đồng, đã ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19, mang đến niềm hy vọng về vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA “made in Vietnam” vào đầu 2022. Thương vụ “chuyển giá” – đúng nghĩa thương trường là mua công nghệ này, không được tiết lộ giá trị.
Đầu tháng 8/2021, lô đầu tiên thuốc Remdesivir trong số 500.000 lọ mà tập đoàn Vingroup đặt mua để trao tặng cho Bộ Y tế nhằm góp phần đẩy nhanh phục hồi cho bệnh nhân COVID-19. Giá trị của lô thuốc này khó tính toán khi giá thành không được người tiêu tiền là Vingroup công bố. Trên thị trường này đây cũng không phải là là biệt dược hễ có tiền là mua.
Tại cuối tháng 6/2021, Vingrop dự kiến “hòm hòm” đã chi cho chống dịch vào khoảng 2.287 tỷ đồng. Với những khoản chi mạnh tay không ngừng tiếp sức và nối dài danh mục đóng góp cho công tác chống dịch như hơn 2.000 máy thở chức năng cao cấp, 20 triệu kit test, hàng ngàn trang thiết bị y tế, sinh phẩm, máy móc thiết bị do Vingroup trao và Bệnh viện Vinmec "chia lửa" cho TP Hồ Chí Minh trong những ngày cao điểm dịch bệnh lần thứ 4, đó là những con số muốn xác thực có lẽ phải chờ kỳ hạch toán, báo cáo tài chính cuối năm nay.
“COVID-19 đã làm đảo lộn ghê gớm cuộc sống ở đất nước Việt Nam xinh đẹp và bình an, làm thay đổi TP.HCM phồn hoa, thân yêu của chúng ta”, đó là chia sẻ của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo nói về đại dịch với những mất mát và nỗ lực của cả Việt Nam suốt thời gian qua.
Tham gia trong cuộc chiến chống đại dịch này, nữ tỷ phú cũng có những trọng tâm “chi tiêu” đặc biệt để sớm đưa Việt Nam trở lại bình thường mới, phục hồi và phồn vinh.
Cũng như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, trước hết, có thể bà khá ưu tiên chi cho vaccine. Đến lúc này, có lẽ Vingroup lẫn Sovico (Tập đoàn bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch), là 2 tập đoàn duy nhất trong đại dịch mạnh dạn đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Theo đó, tập đoàn Sovico đã thực hiện ký kết hợp đồng sản xuất, chuyển giao công nghệ và nhập khẩu theo thỏa thuận hợp tác 40 triệu liều vaccine với VABIOTECH - doanh nghiệp trực thuộc Bộ Y tế và là đối tác nhận chuyển giao công nghệ gia công đóng gói và sản xuất vaccine Sputnik V của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga tại Việt Nam.
Hợp đồng lẫn chuyển giao công nghệ, nhập khẩu này, không được công bố giá trị khoản tiền đầu tư mà nữ tỷ phú bỏ ra, nhưng khát vọng “Việt Nam khỏe mạnh” của bà với việc sản xuất thành công vắc xin Sputnik V từ bán thành phẩm có giá trị hết sức quan trọng. Tại Việt Nam, Sputnik V là vắc xin duy nhất đã có thành công trong việc chuyển giao công nghệ, tạo tiền đề cho việc không những đảm bảo nhu cầu vaccine trong nước, mà còn từng bước biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine Sputnik V trong khu vực Đông Nam Á là rất lớn.
Cũng với thông điệp vì một “Việt Nam khỏe mạnh”, tên website https://vietnamkhoemanh.vn mà nữ tỷ phú phối hợp Bộ Y tế, Cục Công nghệ Thông tin phát triển, là giải pháp toàn diện về khai báo y tế và hỗ trợ quản lý nhập cảnh. Đây là sáng kiến công nghệ của bà, đã nhanh chóng thành địa chỉ góp sức huy động tích cực cho Quỹ vaccine phòng chống COVID-19.
Qua nền tảng, hệ thống đăng ký trực tuyến này, 20 triệu liều vaccine mà Sovico và các thành viên tập đoàn như Phú Long, HDBank, Vietjet trao tặng, đã được triển khai tiêm cho bà con. 2 triệu mẫu xét nghiệm miễn phí cho các thầy cô giáo, shipper và bà con chợ đầu mối, người dân thành phố…trị giá 200 tỷ đồng, trao tặng 2 triệu thẻ bảo hiểm “An tâm thu nhập” với mức chi trả 5 triệu đồng đối với các trường hợp Xét nghiệm nếu là F0 trị giá 50 tỷ đồng, đăng ký qua vnkm.yte.gov.vn …, nguồn kinh phí do các đơn vị này ủng hộ, đã đến với người dân.
Chi tiêu cho “Bữa cơm yêu thương”, Phú Long, một thành viên tích cực của Sovico, đã trao đi hơn 600.000 suất cơm giữa tâm dịch.
HDBank trên tuyến đầu chia sẻ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và người dân khắc phục thiệt hại vì Covid-19, qua hàng chục nghìn tỷ đồng tín dụng cho vay với lãi suất thấp.
Hàng trăm tỷ đồng hiện kim, cùng với đó còn có hiện vật là máy thở, xe cứu thương, các bộ kit test… Các đợt trao tặng đóng góp liên tục, nhiều đợt cho các tổ chức Quỹ vaccine, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bệnh viện… lên tới hàng ngàn tỷ đồng là con số mà nữ tỷ phú này cùng các doanh nghiệp của mình đã “cho đi mà không mong nhận lại”.
Có hơn 30 nhà máy và hàng loạt trang trại chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao tại hầu hết các khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước, trọng trách của Tập đoàn Masan trong cung ứng hàng hóa thiết yếu từ gạo, mì, nước tương, nước mắm, đồ uống, thịt heo, thịt gà, trứng gà, rau xanh… từ khâu sản xuất, phân phối đến tay người tiêu dùng càng trở nên quan trọng.
Có lẽ một trong những “chi phí” để Masan đồng hành cùng người dân mọi vùng miền trong cuộc chiến chống dịch, khó có thể tính đếm nhất chính là khoản chi phí “3 tại chỗ” và các hoạt động khác nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng quan trọng này. Cùng với đó, là chi phí để duy trì an toàn cho chuỗi bán lẻ WinMart và WinMart+ (trước đây là VinMart, VinMart+) mà chỉ riêng tại TP.HCM, hiện có gần 500 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+ tại tất cả các quận phường, có vai lớn cùng người dân TP HCM đi qua những đợt giãn cách xã hội vừa qua.
Bên cạnh nhiệm vụ cung ứng sản phẩm thiết yếu, từ đầu năm 2020 đến nay, Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã đóng góp hơn 270 tỷ đồng vào các hoạt động hỗ trợ người dân và tuyến đầu chống dịch COVID-19.
Phương cách chi tiêu cho đóng góp của Tập đoàn Masan vô cùng đa dạng, từ hàng tỷ đồng qua trao sữa cho các bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại 16 bệnh viện trên địa bàn thành phố; trao tặng vật tư y tế, nhu yếu phẩm trị giá 16 tỷ đồng đến 312 xã/phường/thị trấn thuộc Tp. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, trong hai tháng 7 và 8 cao điểm của dịch bệnh, Tập đoàn Masan đã tài trợ các thiết bị y tế thiết yếu cho trên 15 các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19, cơ quan kiểm soát bệnh tật thành phố và các cơ quan ban ngành thành phố, Công an TP. HCM, tư lệnh TP. HCM gồm rất nhiều vật phẩm mà có lẽ chỉ giới ngành y và các nhà phân phối trang thiết bị mới có thể đo đếm giá trị như: 2 hệ thống máy ECMO & màn hình ELSA, 31. 000 kit test nhanh kháng nguyên Nhật/HQ; 7 máy thở oxy dòng cao HFNC; 3 máy tạo oxy 10L; 5 máy thở xâm lấn; 7.0000 đồ bảo hộ y tế; 50 máy truyền dịch tự động; 20 màn hình theo dõi bệnh 6 thông số; 7.000 găng tay y tế; 10.000 khẩu trang y tế…
Tập đoàn Masan cũng trao tặng các hệ thống ECMO, hàng chục máy thở dòng cao, hàng chục ngàn kit xét nghiệm và đồ bảo hộ y tế đến Sở Y tế tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Hậu Giang… để kịp thời “chia lửa” với các tỉnh trong công tác phòng, chống dịch. Hỗ trợ khách sạn nghỉ ngơi cho y bác sỹ bệnh viện Trưng Vương.
Đặc biệt “hơn cả đặc biệt”, khoản chi hỗ trợ thực phẩm thịt Meatchoice cho các bếp khách sạn thuộc sở du lịch để bổ sung dinh dưỡng các phần ăn cho các y bác sỹ đến cư trú tại khách sạn; Hỗ trợ thực phẩm thịt/mì cho các bếp ăn của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. HCM, trung tâm công tác xã hội TP. HCM, Thành đoàn TP. HCM, Sở Công thương TP. HCM, Sở Du lịch TP. HCM, hay nhiều sản phẩm thiết yếu của Masan như mì KOKOMI, OMACHI, thịt MEATDeli… đã được ủng hộ trực tiếp đến các chốt kiểm soát dịch, đồn biên phòng, bệnh viện và các khu cách ly y tế để tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu hoàn thành nhiệm vụ chống dịch... chắc chắn không phải là những khoản chi đơn thuần “cây nhà lá vườn”, mà tất cả đều là “tiền tươi thóc thật” nếu quy đổi giá trị.
Nhưng hẳn không có giá trị nào quy đổi được tấm lòng của hơn 40.000 CBNV Masan đã cùng tỷ phú USD kín tiếng Nguyễn Đăng Quang, để làm câu chuyện đồng hành cùng cả nước chống dịch theo cách thức sẻ chia tận tình của riêng mình.
2 ngày trước Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, mừng lễ của mình nhưng không quên mục tiêu “sống chung cùng virus”, đảm bảo an toàn để sản xuất, sản xuất để an toàn trong thời kỳ mới, Tập đoàn Thaco mà tỷ phú USD Trần Bá Dương là Chủ tịch đã gửi công văn đến UBND TP Hà Nội đề xuất trao tặng thành phố 300.000 kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 xe cứu thương với tổng giá trị 84 tỷ đồng.
Trao đi hàng chục tỷ đồng cho đến tổng cộng cả ngàn tỷ đồng qua các kit test, vật phẩm y tế và đặc biệt xe cứu thương cùng dòng xe độc nhất vô nhị - xe tiêm chủng vaccine COVID-19 lưu động “Made in Việt Nam” – vừa thể hiện trí tuệ, trình độ công nghệ của Việt Nam đối với công nghiệp xe hơi, vừa là tâm huyết của tỷ phú và các các cộng sự ở Tập đoàn.
Trước đó trong tháng 8, đồng hành cùng với chương trình “Chung tay chống dịch” với mục tiêu nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, Thaco đã trao tặng TP HCM xe cứu thương và vật dụng y tế trị giá 131 tỷ đồng.
Dòng xe độc nhất vô nhị của Thaco khi đó vừa ra mắt, đã khiến người dân hồ hởi, các bác sĩ, y tế trầm trồ bởi sự tiện lợi và chu đáo đến từng… centimet của người trao tặng xe.
Theo đó, xe cứu thương hiệu IVECO của Italy là dòng đạt tiêu chuẩn châu Âu cao cấp nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Ngoài trang thiết bị đầy đủ, xe cứu thương xe còn được lắp đặt bộ khử khuẩn và làm sạch với áp lực âm để chuyên dùng cấp cứu, chuyển viện đối với bệnh nhân COVID-19.
Còn xe tiêm chủng vaccine cơ động, là mẫu xe do THACO thiết kế linh hoạt với cabin kép có 6 chỗ ngồi, chở được 5 người đi cùng để thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm nhanh, tiêm chủng tại chỗ ở các địa bàn đông dân cư, đường nhỏ hẹp trong bối cảnh giãn cách triệt để và hạn chế người dân đi lại như hiện nay, rất “hiểu” cái khó của ngành y tế khi nỗ lực thực thi chiến lược phủ vaccine nhanh, an toàn và hiệu quả.
Tính “sơ sơ” từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến cuối tháng 8/2021, THACO đã “chi tiêu” để mua sắm, trao tặng 3,35 triệu bộ kit test nhanh COVID-19, 63 xe chuyên dụng vận chuyển vaccine, 63 xe tiêm chủng lưu động, 30 xe cứu thương và hỗ trợ 50 xe tiêm chủng cơ động với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Giá trị đóng góp hào phóng trên cũng chưa thể tính đếm nỗ lực thiết kế và sản xuất các xe y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
Sun Group gắn với tên tuổi những nhà sáng lập trở về từ Đông Âu. Những giá trị nhân văn của Sun Group từ những nhà sáng lập thắp lên, vẫn cùng các cộng sự tiếp tục kế thừa, theo từng bước chân của người Sun Group để đi khắp mọi miền đất nước trong công cuộc hỗ trợ người dân thoát đói, giảm nghèo, làm kinh tế; và giờ đây là trong cuộc chiến vượt COVID-19.
Một doanh nhân chia sẻ, điều họ ấn tượng với Sun Group không đến từ số liệu công bố đến ngày 24/6/2021 của Tạp chí Forbes Vietnam, trong danh sách Top 30 doanh nghiệp Việt Nam có đóng góp hỗ trợ nhiều nhất trong đại dịch, Sun Group đang đứng thứ ba, chỉ sau Vingroup và Vạn Thịnh Phát, mà là bởi cách họ đã “chi tiêu” để cống hiến cho công cuộc chống dịch.
Theo đó, kể từ khi dịch COVID-19 tấn công Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay, chưa kể hai bệnh viện dã chiến tại Đà Nẵng và Hải Dương trong các đợt dịch thứ hai và ba, tổng số tiền mặt và trị giá hiện vật mà Sun Group đóng góp cho công tác phòng chống Covid-19 đã lên tới hơn 1000 tỷ đồng tỷ đồng.
Chúng ta hẳn ai cũng không muốn trở lại với những ngày căng thẳng đại dịch vừa qua nhưng cảm xúc về bệnh viện dã chiến Tiên Sơn mà khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch phức tạp, Sun Group là doanh nghiệp tiên phong, đồng hành cùng chính quyền địa phương thiết lập, lắp đặt, phục vụ công tác chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19, mở ra hướng đi cho công tác phòng chống dịch ở mọi địa phương, vẫn sẽ trong tâm trí nhiều người.
Riêng năm 2021, Sun Group cũng đã tài trợ và trực tiếp cử nhân sự vào tận tâm dịch Hải Dương để lắp đặt Bệnh viện dã chiến số 3 với 240 giường bệnh, đồng thời ủng hộ tỉnh Quảng Ninh 10.000 Kit Test Covid-19. Kế tiếp, là những khoản tiền mặt trực tiếp được liên tiếp chuyển đi: 320 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống dịch Covid-19; 65 tỷ đồng cho Quỹ vắc-xin của Hà Nội và Thanh Hóa số tiền 65 tỷ đồng (55 tỷ cho Quỹ vắc –xin của Hà Nội; 10 tỷ cho Quỹ vắc xin của Thanh Hóa); tài trợ và trực tiếp tham gia lắp đặt hai Trung tâm hồi sức tích cực ICU tại hai tâm dịch Bắc Ninh và Bắc Giang trị giá 100 tỷ đồng, tặng gói trang thiết bị y tế phòng chống Covid-19 trị giá hơn 31 tỷ đồng tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh; tài trợ chỉnh trang cơ sở vật chất cho Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) có khả năng điều trị bệnh nhân Covid -19 nặng cho Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên; hỗ trợ 80 tỷ đồng tiếp sức cho các tỉnh thành miền Nam chống dịch, trao tặng Tây Ninh gói hỗ trợ 10 tỷ đồng, trao tặng 45 tỷ đồng cho Đà Nẵng mua lương thực hỗ trợ người dân, tài trợ 5.000 kit test nhanh Covid-19 cho Hà Nội hay 100 tỷ đồng chung tay xây dựng BVDC lớn nhất thủ đô…
Ai đó đã nói rằng Sung Group có lẽ là một trong những nhà chi tiêu, mua sắm “quen tay, quen mặt” với các nhà phân phối cung cấp các hệ thống xét nghiệm PCR, kit test, máy thở, các máy móc, trang thiết bị và sinh phẩm y tế … nhất trong đại dịch vừa qua. Có lẽ, sự “quen tay” này hẳn cũng không phải là điều Người Sun mong muốn, như họ đã từng không mong khi mở ra các bệnh viện dã chiến: Không bao giờ mong được đón bệnh nhân đến thu dung!
Có thể nói, trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với thử thách khốc liệt để duy trì doanh nghiệp, vẫn luôn là một trong những “lực lượng tuyến đầu” giữ lửa kinh tế và đóng góp tài lực, vật lực lớn nhất cho đất nước.
Ngoài những tỷ phú USD tiên phong “chi tiêu” vì người dân hay theo cách đặc biệt như Sun Group kể trên, (còn có những tỷ phú USD như doanh nhân Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát hay tỷ phú USD Hồ Hùng Anh của Techcombank mà chúng tôi không có nhiều dữ liệu thông tin về chi tiêu, đóng góp của họ trong đại dịch), khó có thể kể hết những tấm lòng tỷ phú, doanh nhân nói chung đã hào phóng sẻ chia với cộng đồng. Điển hình như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gắn với nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan cũng đã trao hàng triệu vaccine và máy thở giúp người dân TP phòng, chống COVID-19.
Hay như VPBank với ông chủ quyền lực Ngân hàng Ngô Chí Dũng cùng thông điệp máy thở, máy thở… và đã trao cả nghìn máy thở oxy dòng cao, cứu trợ khẩn cấp cho vùng tâm dịch.
Doanh nhân Bùi Thành Nhơn với Novaland đã 6 lần liên tiếp đóng góp kinh phí đến Quỹ "Vì người nghèo" Trung Ương và TP.HCM với mong muốn chung tay chia sẻ cùng các hộ nghèo trên cả nước cũng như TP.HCM vươn lên thoát nghèo, cùng với đó là thầm lặng hỗ trợ các trang thiết bị y tế cấp thiết, hiện đại; xây dựng Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị, khu cách ly bệnh nhân Covid-19; đóng góp vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19;
Hay những cây ATM gạo, khẩu trang đến biệt đội ATM oxy của PHG Lock và doanh nhân trẻ Hoàng Tuấn Anh vô cùng ý nghĩa, đã sẻ chia, tiếp hơi thở, góp sức giành giật, mang về sự sống cho bao người…
Còn rất nhiều, rất nhiều những tấm lòng như vậy.
Chúng tôi gọi các doanh nhân, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức đã “cho đi”, dù chi tiêu nhiều hay chi tiêu ít, dù cống hiến, đóng góp bằng vật lực, tài lực, hay nhân lực, sức lực… cho cả nước trong cuộc chiến chống đại dịch vừa qua, họ đều đã là những nhà tỷ phú chân chính – Những Tỷ Phú Tình Thương!