[eMagazine] “Ma trận” sàn đầu tư online lừa đảo: Tiền ảo – Thiệt hại thật!

GIA NGUYỄN 10/07/2021 04:30

Hàng loạt cảnh báo, cùng với đó là những bài học nhãn tiền, thế nhưng, không ít nhà đầu tư đi tìm “siêu lợi nhuận” vẫn “vướng bẫy” của những sàn đầu tư online lừa đảo…

Thời gian qua, hàng loạt sàn đầu tư online như: Wefinex.net, Raidenbo.com, Bitono.io, GardenBO.com, Coolcat, Busstrade,… bị người dùng tố cáo về hành vi lừa đảo, cùng với đó là không ít cảnh báo từ các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng về dấu hiệu tổ chức huy động vốn, lôi kéo người tham gia đầu tư, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy, chưa kể, hàng loạt vụ việc đã bị triệt phá. Thế nhưng, thay vì cảnh giác, không ít nhà đầu tư đi tìm “siêu lợi nhuận” vẫn vô tư đưa mình vào bẫy.

Theo các chuyên gia, mô tuýp chung của các sàn đầu tư online lừa đảo thường tiếp cận “con mồi” với những mời chào hấp dẫn bởi lợi nhuận cao bất thường, chỉ cần ngồi một chỗ với vài ba thao tác nhanh gọn, nhà đầu tư có thể kiểm tới hàng nghìn đô một tháng…

Cụ thể, như sàn đầu tư Busstrade được giới thiệu là sàn giao dịch quyền chọn nhị phân, một cách đặt cược dự đoán giá tiền ảo, cổ phiếu tăng/giảm. Nhà đầu tư bỏ vốn theo tỷ giá quy đổi 24.500 đồng = 1USDT (USD điện tử), và được hướng dẫn sử dụng chức năng copytrade (tự động sao chép) của sàn để giao dịch theo tài khoản chuyên gia (gọi là “thầy”).

Nếu đoán đúng, người chơi nhận lãi, ngược lại, đoán sai cũng không mất gì (với những trường hợp tham gia gói bảo hiểm, phí 2%/tuần). Ngoài ra, người chơi bắt buộc để dư 1% vốn để phòng trường hợp “thầy” đi nhầm lệnh.

Dưới mác lợi nhuận cao và bảo hiểm vốn 100%, Elite team (nhóm đứng đầu Busstrade) cam kết lợi nhuận 5%/tuần với tài khoản 100 USD và lên tới 9%/tuần với tài khoản 5.000 USD. Lợi nhuận thu được có thể rút về ví tại các sàn giao dịch điện tử như Binance, Remitano,... hoặc bán cho Elite team bất cứ lúc nào.

Hay như một số sàn tên miền .io (Vương Quốc Anh), để lôi kéo người chơi, nhóm đứng đầu sàn lập nhiều nhóm “phím hàng bao ăn” trên các ứng dụng Zalo, Telegram,… công khai nhận tiền, chuyển tiền, hướng dẫn mua USD. Nhóm đứng đầu khiến nhà đầu tư “loá mắt” với cuộc sống sang chảnh, cam kết đào tạo đội nhóm, du lịch 5 sao.

Người chơi không cần kiến thức về tài chính, chỉ cần 15 - 20 phút/ ngày gặp “thầy” qua ứng dụng gọi video trực tuyến, nhấn chuột theo hướng dẫn để kiếm lời. Các đầu mối người chơi có thể liên hệ, tự xưng đứng đầu hoàn toàn là người Việt. Chính sách bảo hiểm vốn đều giống cách của Busstrade.

Hấp dẫn là vậy, thế nhưng, khi người chơi dồn tiền của tích cóp, thậm chí đi vay lãi đổ dồn vào đó, bỗng dung một ngày đẹp trời, bao tài sản tự dưng “bốc hơi” không dấu vết.

Thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã gửi đơn thư tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc bị chiếm đoạt tài sản do tham gia đầu tư tài chính ảo.

Như tại TP. Hồ Chí Minh, người tố cáo cho biết, họ tham gia đầu tư vào sàn giao dịch có tên Busstrade từ thời điểm cuối năm 2020, việc chi lãi vẫn ổn định. Tuy nhiên, đến ngày 22/4/2021, họ nhận được thông tin kêu gọi nâng vốn và đóng bảo hiểm 2% với khoản lãi được hứa hẹn: 1.000 USD nhận lợi nhuận 5%; 2.000 USD nhận lợi nhuận 7%; 5.000 USD nhận lợi nhuận 9%...

Thế nhưng, đến ngày 23/4, người đầu tư đã không truy cập vào sàn này để giao dịch được nhưng Busstrade đã có động thái trấn an người tham gia với lý do đang bảo trì hệ thống và sẽ mở lại vào ngày 05/5.

Đến hẹn, sàn này mở lại nhưng yêu cầu người chơi chuyển tiền từ USD sang BToken với tỉ giá 0,01 BToken đổi lấy 1 USD, kèm thêm khoản trừ 10% phí, như vậy, 1 USD sẽ đổi được 0,009 BToken, sàn này cũng yêu cầu người tham gia đổi tiền trước ngày 08/5, mọi giao dịch sau đó sẽ không chịu trách nhiệm.

Đến ngày 07/5, website của sàn giao dịch Busstrade bỗng bất ngờ bị "sập" khiến nhà đầu tư không thể đăng nhập vào tài khoản, trong khi các cấp lãnh đạo thì không thể liên lạc được.

Đây chỉ là một trong những phương thức “biến hình” của các sàn đầu tư lừa đảo, không chỉ riêng Busstrade, nhiều tố cáo của các người chơi trên những sàn giao dịch khác cũng rơi vào cảnh tương tự, lợi nhuận cao, đưa tiền đầu tư vào nhiều và cuối cùng một ngày đẹp trời cũng “bốc hơi”.

Trước sự bùng nổ và diễn biến phức tạp của các sàn đầu tư online lừa đảo, tháng 03/2021, Bộ Tài chính đã phát đi hàng loạt cảnh báo.

Theo Bộ Tài chính, hiện tại chỉ có Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Theo pháp luật chứng khoán, tiền ảo không phải là một loại chứng khoán.

Đại diện đơn vị này cho hay: "Hiện, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo".

Ngoài Bộ Tài chính, hàng loạt các cơ quan chức năng như: Công an TP. Hà Nội, Công an TP. Hồ Chí Minh, Công an TP. Đà Nẵng, Công an tỉnh Nghệ An,… cũng phát đi nhiều cảnh báo.

Cụ thể, theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP. Hà Nội, hiện nay thị trường Việt Nam có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép, thu hút nhiều người tham gia đầu tư và tự gọi là "chơi Forex".

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch Forex thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng (đã có nhiều người bị thua số tiền rất lớn lên đến cả chục tỉ đồng). Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và nhà đầu tư không thể đi đòi tiền...

Theo các chuyên gia, về mặt kỹ thuật các sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ theo dạng “đầu tư online” nếu muốn, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước hoàn toàn có thể xử lý được triệt để và tận gốc rễ, bởi các giao dịch online đều qua hệ thống ngân hàng và hoàn toàn có thể truy vấn lịch sử giao dịch cũng như dấu vết.

Các chuyên gia ví dụ, như ở cấp độ 1, bên tổ chức có thể dùng chứng minh thư giả để mở tài khoản ngân hàng, nhưng ở cấp độ 2 và sau đó, khi số tiền nhận được từ tài khoản công khai chuyển đi (reroute) về các tài khoản khác thì việc truy tìm đến người nhận cuối cùng hoàn toàn có thể thực hiện được khi có yêu cầu của bên công tố là Viện Kiểm sát.

Quản lý sàn đầu tư online lừa đảo có khó không? Câu hỏi thường trực trong suy nghĩ của nhiều người - Ảnh minh họa

Quản lý sàn đầu tư online lừa đảo có khó không? Câu hỏi thường trực trong suy nghĩ của nhiều người - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài những biện pháp đã nêu việc truy tìm còn có thể thông qua số điện thoại giao dịch công khai, vì các nhóm này sử dụng số điện thoại để tham gia, điều phối các nhóm chat, các nhóm cung cấp tín hiệu, cơ quan quản lý khi có số điện thoại, thì hoàn toàn có thể định vị nơi thiết bị được sử dụng và từ đó tìm ra thủ phạm.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty TNHH Luật Hà Việt cho biết, xét về mặt thực tiễn việc kiểm soát và triệt phá các sàn giao dịch vàng, tiền ảo theo dạng “đầu tư online” hoàn toàn khả thi và minh chứng rõ nhất là khi muốn làm, cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đều đánh phá được như vụ bắt và khởi tố các vụ đánh bạc online đình đám, đặc biệt là vụ việc bắt, khởi tố hàng loạt đối tượng liên quan đến đường dây đánh bạch nghìn tỷ, trong đó có cả những cán bộ cao cấp.

Theo Luật sư Luân, các hệ thống trang web, ứng dụng đều có địa chỉ IP, thông tin thuê tên miền, hệ thống máy chủ, trong khi quy định của pháp luật nêu rõ, trường hợp cần thiết theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng, các bên cung cấp dịch vụ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin khách hàng, kể cả đó là các nhà cung cấp quốc tế.

Các chuyên gia đều đồng nhất, xét về mặt kỹ thuật, mặt thẩm quyền chức năng, “dẹp loạn” các sàn giao dịch vàng, tiền ảo theo dạng “đầu tư online” là không khó.

Tháng 02/2021, Công an tỉnh Thanh Hóa đã liên tiếp đánh sập 3 đường dây lừa đảo thông qua các sàn giao dịch Forex, tiền ảo F5trader.com và Tradenew.io… mặc dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, các sàn này đã nhanh chóng kêu gọi được hàng ngàn người trên địa bàn 11 tỉnh, thành trong cả nước tham gia.

Đến tháng 05/2021, Công an TP. Hà Nội đã phối hợp Công an TP. Hồ Chí Minh huy động gần 300 cán bộ, chia thành 21 tổ công tác, đồng loạt triển khai tại 11 tỉnh, thành phố để triệt phá ổ nhóm lừa đảo lập 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép là Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss, đã triệu tập 26 nghi phạm, trong đó có 3 đối tượng tham gia nhóm cầm đầu là Vũ Đình Hùng, Phạm Mạnh Hùng (cùng trú tại TP. Hồ Chí Minh) và Phạm Thị Thái (trú tại Hà Nội).

Các đối tượng trong đường dây sử dụng công nghệ cao tạo lập này, cung cấp, điều hành 15 website khác nhau liên quan các sàn forex, bằng các thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã lừa đảo 12.000 người nạp vào 4,3 triệu USD rồi chiếm đoạt.

Và trong tháng 06/2021 mới đây, Phòng An ninh kinh tế Công an TP. Hải Phòng đã phát hiện và triệt phá sàn Hitoption, chuyên giao dịch ngoại hối trên mạng với giá trị cả ngàn tỉ đồng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tiền của người đầu tư.

Trích suất sơ bộ 16 sàn giao dịch điện tử do các đối tượng trong đường dây này quản trị, cơ quan Công an xác định có khoảng 115.726 tài khoản trên sàn, tổng số dư hiện tại của các sàn là hơn 7.505 tỉ đồng, tổng số tiền đã rút ra là 611 tỉ đồng.

Hệ lụy đến từ những sàn đầu tư online lừa đảo này là vô cùng lớn, câu chuyện tiền ảo – hệ lụy thật sẽ còn xảy đến nếu những người dân vẫn “lóa mắt” chạy theo “siêu lợi nhuận” và sự thiếu quyết liệt vào cuộc của lực lượng chức năng, cơ quan quản lý. Mong rằng, những vụ việc đã qua sẽ như một hồi chuông cảnh tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Nổi bật
Mới nhất
[eMagazine] “Ma trận” sàn đầu tư online lừa đảo: Tiền ảo – Thiệt hại thật!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO