Kinh tế thế giới

EU cân nhắc “vũ khí thương mại” mạnh nhất

Nam Trần 09/04/2025 11:09

Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho phản ứng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với chính sách thuế quan của Mỹ, nhưng vẫn còn nhiều sự bất đồng nội khối.

EU 1
Các lãnh đạo EU đang tính toán những phương án đáp trả thương mại mạnh mẽ nhất với Mỹ (Ảnh: Politico)

Tại cuộc họp các bộ trưởng thương mại EU ở Luxembourg hôm thứ Hai, các lãnh đạo thể hiện thống nhất, cam kết phản ứng "tương xứng" và "phối hợp" trước mức thuế 20% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ EU — đe dọa đến 380 tỷ euro giá trị xuất khẩu của châu Âu. Nhưng đằng sau những tuyên bố chung ấy, sự đồng thuận vẫn còn xa vời.

ACI – vũ khí cuối cùng của EU

Brussels đang cân nhắc kích hoạt Cơ chế Chống Cưỡng ép (ACI) — một công cụ lập pháp được thiết kế để đối phó với hành vi ép buộc kinh tế từ các cường quốc. Nếu được sử dụng, ACI có thể nhằm vào ngành công nghệ và tài chính của Mỹ, gây chấn động thị trường toàn cầu.

ACI cho phép EU áp thuế, hạn chế đầu tư, đình chỉ hoạt động doanh nghiệp hoặc cấm xuất nhập khẩu với các quốc gia gây áp lực, mà không cần sự phê chuẩn từ WTO. Ngoài ra, EU có thể thực hiện thêm các biện pháp trả đũa kỹ thuật số, như đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số (nhắm vào Big Tech của Mỹ).

Dù vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tái khẳng định ưu tiên của khối là ngoại giao. “Chúng tôi đang đưa tay ra,” bà nói, đề xuất một thỏa thuận "thuế bằng không" đối với hàng công nghiệp, bao gồm ô tô, hóa chất và máy móc — những lĩnh vực vốn đã có mức thuế thấp. Đề nghị này cho thấy EU đang muốn hạ nhiệt căng thẳng, nhưng vẫn giữ thế mạnh trên bàn đàm phán.

Các mức thuế của ông Trump đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương. Bên cạnh mức thuế chung 20%, Nhà Trắng đã áp thêm thuế 25% với thép, nhôm và ô tô từ EU. Brussels cho rằng các lý do mà ông Trump viện dẫn — như quy định công nghệ, hệ thống VAT và tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm của EU — là vô lý. Theo dữ liệu nội bộ, mức thuế trung bình của EU đối với hàng công nghiệp chỉ là 1,6%.

Một tài liệu dự thảo của Ủy ban châu Âu cho thấy kế hoạch đánh thuế 25% với nhiều loại hàng hóa Mỹ như đậu nành, gạo, quả nam việt quất, sắt thép, dệt may và mỹ phẩm. Nếu được các nước thành viên phê duyệt trong cuộc bỏ phiếu hôm thứ Tư, biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 22,1 tỷ euro hàng xuất khẩu từ Mỹ — thấp hơn so với dự kiến ban đầu, sau khi nhiều quốc gia vận động loại bỏ một số mặt hàng như rượu bourbon của Kentucky.

Pháp, Đức và Tây Ban Nha là những nước dẫn đầu lời kêu gọi phản ứng mạnh mẽ, nhấn mạnh rằng không nên loại trừ bất kỳ công cụ nào, kể cả ACI. “Chúng ta phải sử dụng tất cả công cụ hiện có. Tuy nhiên, thông điệp ngày hôm nay cần tích cực. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm giải pháp qua đối thoại”, Bộ trưởng Thương mại Tây Ban Nha Carlos Cuerpo.

Bộ trưởng Kinh tế Đức sắp mãn nhiệm, ông Robert Habeck, nói: “ACI không chỉ dừng ở thuế. Nó bao phủ cả dịch vụ số, thị trường tài chính – một loạt các lĩnh vực.” Phát biểu này cho thấy Berlin sẵn sàng leo thang nếu Washington không lùi bước.

soybean.jpg
Nhiều mặt hàng quan trọng của Mỹ như đậu nành có thể là nạn nhân của đòn trả đũa từ châu Âu

EU còn nhiều chia rẽ

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào trong EU cũng đồng thuận. Ireland và Italy — nơi có ngành dược phẩm và rượu vang xuất khẩu lớn — đang thận trọng với nguy cơ Mỹ trả đũa.

Bộ trưởng Thương mại Ireland Simon Harris cảnh báo rằng việc kích hoạt ACI sẽ là “leo thang ở mức nghiêm trọng, trong khi chúng ta nên ưu tiên giảm căng thẳng.” Ông sẽ bay sang Washington vào thứ Ba để đàm phán trực tiếp.

Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani thậm chí còn đề xuất trì hoãn việc áp thuế trả đũa của EU với thép và nhôm từ ngày 15/4 sang 30/4. Thủ tướng Giorgia Meloni — một trong những lãnh đạo thân ông Trump nhất châu Âu — dự kiến sẽ đến thăm Nhà Trắng vào tuần tới.

Trong cuộc họp kín, Ủy viên Thương mại Maroš Šefčovič đã lấy ý kiến thăm dò về các công cụ phản ứng. Một nhà ngoại giao cấp cao cho biết, chỉ khoảng 20% các nước ủng hộ sử dụng toàn bộ “kho vũ khí” — bao gồm cả ACI. “Phần lớn đồng ý rằng nếu bị ép buộc, cần phản công. Nhưng ủng hộ dùng ACI thì còn hạn chế.”

Vấn đề mà các quan chức châu Âu đang lo ngại, là một khi đã đặt “vũ khí mạnh nhất” lên bàn đàm phán, sẽ rất khó để rút lại nếu mọi việc xấu đi. Gần đây, EU đang chuẩn bị phạt Apple và Meta vì vi phạm luật cạnh tranh số của EU.

Thị trường tài chính châu Âu vẫn đang bất ổn khi loạt thuế mà ông Trump công bố tuần trước đã gây ra biến động lớn. EU kỳ vọng phản ứng tiêu cực từ nhà đầu tư và áp lực chính trị nội bộ tại Mỹ sẽ khiến chính quyền Trump nhượng bộ.

Cán cân thương mại xuyên Đại Tây Dương là một trong những mối quan hệ kinh tế giá trị nhất thế giới. Nhưng với ông Trump đang đẩy cao chủ nghĩa bảo hộ, sự đoàn kết của EU đang bị thử thách đúng lúc cần thiết nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
EU cân nhắc “vũ khí thương mại” mạnh nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO