EU (Liên minh châu Âu) và Mỹ không thống nhất trong vấn đề thay đổi quy tắc thuế với các công ty kỹ thuật số, bất đồng đang được đẩy lên cao trào và có nguy cơ trở thành một cuộc chiến thương mại mới.
Hôm thứ tư vừa qua, một cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế thế giới (OECD) tổ chức, có đến 140 quốc gia trên toàn thế giới tham gia. Nội dung về việc viết lại các quy tắc thuế toàn cầu lần đầu tiên trong thời đại kỹ thuật số.
Những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và EU
Và Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ đã rút khỏi các cuộc đàm phán với các nước châu Âu về các quy tắc thuế quốc tế mới đối với các công ty kỹ thuật số. Ngay sau đó, EU cho biết họ có thể "trả đũa" bằng cách áp thuế đối với các gã khổng lồ kỹ thuật số như Google, Amazon và Facebook và điều này đang làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới.
Đặc biệt là vào thời điểm này, khi nền kinh tế thế giới đang trải qua một thời kỳ suy thoái lịch sử có thể khiến các quốc gia đã tổn thương càng thêm suy yếu một cách nghiêm trọng. Trên thực tế, các cuộc đàm phán này nhằm đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2020, nhưng có vẻ thời hạn đó hiện đang tuột khỏi sự kiểm soát của các nhà tổ chức với động thái mới nhất của Washington và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Hoa Kỳ, nơi có trụ sở của một số công ty kỹ thuật số lớn nhất cư trú, đã khiến các cuộc đàm phán rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi "ra khỏi phòng họp". Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin đã thông báo cho các đối tác châu Âu của mình về quyết định này trong một lá thư.
Trong bức thư có đoạn: “Cố gắng thúc đẩy các cuộc đàm phán khó khăn như vậy là một việc làm không cần thiết. Đây là thời điểm mà các chính phủ trên thế giới nên tập trung sự chú ý vào việc giải quyết các vấn đề kinh tế do COVID-19 gây ra”.
Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Maire cũng cho biết, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha đã cùng nhau trả lời vào lá thư từ Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin. Bruno Le Maire phát biểu trên đài phát thanh France Inter rằng, bức thư này là một "sự khiêu khích". Đó là một sự khiêu khích đối với các đối tác tại OECD khi tất cả đang đàm phán về một thỏa thuận trong việc đánh thuế các đại gia kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, chính phủ Tây Ban Nha cho biết họ và các quốc gia châu Âu khác sẽ không chấp nhận bất kỳ mối đe dọa nào từ một quốc gia khác về thuế kỹ thuật số. Các nước châu Âu cho rằng, các công ty công nghệ phải trả quá ít thuế ở các quốc gia nơi họ kinh doanh vì họ có thể “chuyển lợi nhuận về công ty mẹ” trên toàn cầu.
Tất cả vấn đề nằm ở chỗ Washington “không đồng ý” các loại áp thuế đơn phương mới đối với các công ty ở Thung lũng Silicon trong thỏa thuận của OECD.
Ủy viên Kinh tế Châu Âu, Cameron Gentiloni cho biết, Ủy ban Châu Âu muốn có một giải pháp toàn cầu để thiết lập một hệ thống đồng bộ thuế doanh nghiệp trong thế kỷ 21. Nếu thỏa thuận không thể thực hiện trong năm nay, EU có thể sẽ đưa ra một đề xuất mới ở cấp độ châu Âu và việc áp thuế có thể được đưa ra ngay cả khi không có sự thỏa thuận nào.
Đi tiên phong đang là Pháp, một trong số các quốc gia châu Âu đã ban hành các loại áp thuế mới. Bộ trưởng Le Maire cho biết Pháp sẽ áp thuế dịch vụ kỹ thuật số trong năm nay cho dù Washington có quay lại đàm phán hay không.
Động thái từ Washington
Washington đã đe dọa sẽ áp thuế quan thương mại đối với rượu sâm banh Pháp, túi xách và các hàng hóa khác để trả đũa. Tiếp đó, Hoa Kỳ đã mở các cuộc điều tra thương mại trong tháng này về thuế kỹ thuật số ở Anh, Ý, Tây Ban Nha và các quốc gia khác vì lo ngại rằng họ không công bằng nhắm vào các công ty Mỹ.
Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump đã tiếp tục đe dọa, trong tháng này sẽ áp thuế đối với ô tô của EU nếu khối này không giảm thuế đối với tôm hùm Mỹ. Theo một số chuyên gia nhận định, những nỗ lực để đạt được “tối thiểu” một thỏa thuận thương mại hạn chế giữa Mỹ và EU dường như rất khó thành hiện thực khi mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn bốn tháng nữa.
Thời gian đang khiến Donald Trump như đang ngồi trên đống lửa, việc liên tục phải tìm kiếm những “kẻ phản diện” để đổ lỗi trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này đang được ông thực hiện một cách cấp tập. Trước đó là những gây hấn với chính quyền Bắc Kinh trong vấn đề xử lý đại dịch và bây giờ đến lượt EU tiếp tục phải là “vật tế thần” cho cuộc chiến bầu cử tháng 11 tới đây của Donald Trump.
Có thể bạn quan tâm