EUDR - rào cản cho doanh nghiệp gỗ: Thay đổi để thích ứng

THY HẰNG thực hiện 10/03/2024 03:30

LTS: Chính phủ và các cơ quan quản lý cần gấp rút nghiên cứu, chủ động xây dựng và ban hành các chính sách quản lý, điều hành, kiểm soát phù hợp với Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU.

>>EUDR - rào cản cho doanh nghiệp gỗ: Chính sách mở đường

Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các bộ ngành liên quan có đàm phán, thoả thuận với các quốc gia để hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững của chúng ta tương thích với yêu cầu của các thị trường lớn, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện tại.. 

Chia sẻ với DĐDN, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, Quy định chống mất rừng (EUDR) của EU cấm lưu thông các sản phẩm hàng hóa gây mất rừng và suy thoái rừng sẽ là áp lực lớn với doanh nghiệp.

-Cụ thể quy định mới EUDR của EU sẽ tác động thế nào đến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, thưa ông?

Những vấn đề liên quan xung đột địa chính trị, lãi suất cao cũng như sức mua của thị trường và hội chứng “sợ chi tiêu tiền” cũng như cả vấn đề lòng tin của người tiêu dùng và việc “siết” quy định, tiêu chuẩn của các thị trường lớn sẽ khiến xuất khẩu của ngành gỗ dự báo khó khăn ít nhất là 2 quý đầu năm 2024.

Đặc biệt, trong đó thị trường EU với quy định EUDR sẽ cấm lưu thông các sản phẩm hàng hóa gây mất rừng và suy thoái rừng tại thị trường khu vực này. Theo quy định này, hầu hết các doanh nghiệp Việt đến giữa năm 2025 phải có thêm nhiều giải trình, nhiều công việc phải làm với những bằng chứng cụ thể để chứng minh nguồn gốc minh bạch.

Như vậy, quy định này làm phát sinh thách thức mới với doanh nghiệp gỗ khi cùng với việc thực hiện trách nhiệm giải trình bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp, doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng về tọa độ địa lý đến từng khoảnh rừng để chứng minh gỗ nguyên liệu được khai thác không gây mất rừng và suy thoái rừng tính từ thời điểm 31/12/2020 về sau. Các sản phẩm phải hợp pháp. Quá trình sản xuất ra sản phẩm tuân thủ toàn bộ các yêu cầu liên quan của quốc gia sản xuất. EUDR cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo công khai hằng năm về hệ thống việc giải trình và các công việc đã làm để hoàn thành trách nhiệm này. Theo EUDR mức độ kiểm soát hàng hóa nhập khẩu được thực hiện dựa trên kết quả phân loại rủi ro với quốc gia, vùng sản xuất cung ứng các sản phẩm cho EU.

Trong khi đó, chuỗi cung của chúng ta rất phức tạp với sự tham gia đông đảo của các hộ tiểu điền, đội ngũ tư thương… cơ chế kiểm tra, giám sát giao dịch giữa các hộ và tư thương chưa chặt chẽ. Ðiều này làm cho việc truy xuất nguồn gốc khó khăn. Ngoài ra, một số hộ hiện còn thiếu giấy chứng nhận sử dụng đất chứng minh là chủ thể hợp pháp của thửa đất canh tác của mình, do vậy sẽ tạo ra rủi ro về pháp lý cho hàng hóa.

 Doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu cần tuân thủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp, về quản lý rừng bền vững.

Doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu cần tuân thủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp, về quản lý rừng bền vững.

>>Doanh nghiệp gỗ "lấy ngắn nuôi dài"


- Vậy các doanh nghiệp sẽ phải làm gì để thích nghi với quy định mới này, thưa ông?

Ðể chứng minh sản phẩm thỏa mãn cả hai điều kiện không gây mất rừng và hợp pháp, trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông tại thị trường EU, doanh nghiệp xuất khẩu cần nộp bản cam kết thẩm định chuỗi cung và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ thông tin trong cam kết này. Ðể cung cấp thông tin trong cam kết, doanh nghiệp cần thực hiện các bước, thu thập thông tin, đánh giá rủi ro, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ báo cáo khi cần.

Do đó, doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp, về quản lý rừng bền vững. Đồng thời nên mở rộng thị trường thay vì gắn với vài thị trường nhất định. Phải tuân thủ nguyên tắc quốc tế, tích cực chuyển đổi công nghệ…

Ngoài EUDR, Việt Nam đang thực thi VPA/FLEGT (Hiệp định đối tác tự nguyện tăng cường thừa hành luật pháp về rừng, quản trị rừng và thương mại lâm sản) và nỗ lực đảm bảo nguyên liệu đầu vào có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.

- Ông có đề xuất nào với Chính phủ và các cơ quan quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp?

Năm 2023 Chính phủ đã có nhiều quyết sách kịp thời, quyết liệt. Thủ tướng cũng đã có buổi làm việc riêng với VIFOREST để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ ngành liên quan cũng đã có đối thoại trực tiếp để nhằm tìm kiếm thêm thị trường, thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng chủ trì nhiều cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp gỗ và các ngân hàng, tăng khả năng tín dụng.

Đây là những chính sách vĩ mô về tài chính, tiền tệ, hay chính sách tăng cường thúc đẩy thương mại đã một phần nào đó hỗ trợ doanh nghiệp gỗ. Chúng tôi mong muốn có sự đồng hành hơn nữa của các cơ quan quản lý Nhà nước trong ngoại giao kinh tế. Rất cần sự giao tiếp, thậm chí ở mức cao nhất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua các rào cản, quy định mới để có thể xuất khẩu bình thường.

Với quy định EUDR, pháp lý sử dụng đất của tiểu điền sẽ khó khăn khi nông dân sản xuất manh mún. Do đó, cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về rừng, sự hợp lý hóa trong sử dụng đất đai của nông dân. Các hộ nông dân và chính quyền địa phương cùng vào cuộc để bảo đảm truy xuất nguồn gốc.

Hiện không chỉ EU, nhiều thị trường lớn cũng đều có yêu cầu phát triển không gây hại tới rừng. Do đó, chúng tôi mong muốn những người dân có được chứng chỉ rừng bền vững và tỷ lệ rừng có quản lý chứng chỉ bền vững của quốc tế cần được tăng lên. Đồng thời, mong muốn Chính phủ và các bộ ngành liên quan có đàm phán thoả thuận với các quốc gia để hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững của chúng ta tương thích với yêu cầu của họ.

Bên cạnh đó, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đều có chủ trương tăng trưởng xanh, thương mại xanh và chế biến xanh giảm phát thải nhà kính, giảm CO2. Trong khi đó, gỗ là lĩnh vực nhạy cảm đã được “nội soi” rất kỹ khi liên quan rừng. Do đó, Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cần tăng cường ngoại giao hơn để chúng ta phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng: “Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam kiên quyết theo đuổi con đường phát triển có trách nhiệm, phát triển bền vững, phát triển không gây hại cho môi trường mà còn giảm phát thải, đảm bảo tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng như toàn cầu”.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • EUDR - rào cản cho doanh nghiệp gỗ: Chính sách mở đường

    02:00, 09/03/2024

  • Doanh nghiệp gỗ "lấy ngắn nuôi dài"

    03:45, 20/01/2024

  • Chiến lược vượt khó của doanh nghiệp gỗ

    08:52, 20/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
EUDR - rào cản cho doanh nghiệp gỗ: Thay đổi để thích ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO