Với 38% số doanh nghiệp được hỏi bày tỏ tin tưởng về tiềm năng tăng trưởng cao, du lịch và lữ hành là một trong ba lĩnh vực hàng đầu được kỳ vọng sẵn sàng cho tăng trưởng trong quý 2/2023.
>>Áp lực cạnh tranh thu hút FDI: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn
Theo báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) mới nhất do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Decision Lab thực hiện, triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện đáng mong đợi.
Khảo sát hàng quý này tổng hợp phản hồi từ mạng lưới rộng lớn gồm 1.300 thành viên của EuroCham Việt Nam, đại diện cho hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế năng động của đất nước.
Báo cáo cung cấp những hiểu biết sâu sắc, cần thiết về hiện trạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, đồng thời cho thấy bức tranh tổng quan những gì có thể xảy ra trong tương lai.
Theo BIC, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, khi các biên giới đang được mở ra, lĩnh vực du lịch và lữ hành được chọn là lĩnh vực có nhiều khả năng phát triển nhất trong tương lai. Xếp sau du lịch và lữ hành lần lượt là F&B (dịch vụ ẩm thực, nhà hàng và đồ uống), năng lượng tái tạo.
Riêng trong quý 2/2023, các doanh nghiệp tham gia khảo sát của báo cáo BIC kỳ vọng du lịch là một trong ba lĩnh vực hàng đầu sẵn sàng cho tăng trưởng trong quý 2/2023 khi có tới 38% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng đây là ngành có tiềm năng tăng trưởng cao.
Cải cách quy định, khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững được xác định là động lực chính cho tăng trưởng của nhiều ngành tại Việt Nam, trong đó có du lịch và lữ hành.
Nhận định về lĩnh vực du lịch và lữ hành trong BCI quý 1/2023, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho biết: “Những cải cách sắp tới đối với thủ tục cấp phép lao động và thị thực du lịch có thể sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng. Chúng tôi rất mong đợi có thêm thông tin về những thay đổi được đề xuất này”.
Ngày 24/3, cuộc họp của Thường trực Chính phủ đã quyết định trình Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) đối với 3 nội dung: (i) Nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; (ii) Cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ; (iii) Nâng cấp thời hạn chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
>>Du lịch là điểm sáng trong phục hồi kinh tế
Trong Sách Trắng năm 2023 với chủ đề “Hướng tới Kinh tế xanh và Phát triển bền vững” công bố hôm 16/2, EuroCham đã đề xuất nhiều khuyến nghị nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của du lịch và lữ hành Việt Nam.
Cụ thể, EuroCham đưa ra 4 khuyến nghị cho Việt Nam, gồm: Mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực cho tất cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và kéo dài thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày; Kéo dài thời hạn chương trình miễn thị thực được công bố với thời hạn chương trình miễn thị thực mới trong 5 năm; Cấp thị thực du lịch 3 tháng cho những du khách châu Âu muốn thực hiện các kỳ nghỉ dài ngày để thu hút thị trường cao cấp với mức chi tiêu cao; Miễn thị thực lưu trú ngắn hạn trong một số tình huống nhất định, đặc biệt là để hỗ trợ các diễn đàn, triển lãm và sự kiện thể thao.
Tổng cục Thống kê ngày 29/3 công bố báo cáo cho thấy, hết quý 1/2023, Việt Nam đã đón gần 2,7 triệu lượt khách quốc tế, chiếm hơn 2/3 mục tiêu khách quốc tế năm 2023. Trong quý 1, doanh thu du lịch lữ hành quý 1/2023 ước đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.
Có thể bạn quan tâm
17:24, 12/04/2023
16:58, 12/04/2023
03:00, 12/04/2023
18:35, 10/04/2023