Xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi EVFTA, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới...
Theo Bộ Công thương 6 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Dịch bệnh kéo theo các hệ lụy đối với hoạt động kinh tế như thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tình hình khan hiếm nguyên liệu do chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn; các vấn đề về tài chính do gián đoạn sản xuất diễn ra.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ chính là các quốc gia có số ca bệnh lớn nhất và phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài. Đây cũng là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất nhập khẩu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 122,8 tỷ USD (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước); kim ngạch nhập khẩu đạt 117,3 tỷ USD (giảm 2,9%). Trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng nhẹ 0,8%, xuất khẩu các nhóm hàng đều sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 11,7 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 34,5%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng cũng ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ như: Hàng dệt, may đạt 13,18 tỷ USD, giảm 12,7%; giầy dép đạt 8,13 tỷ USD, giảm 6,9%.
Trong bối cảnh khó khăn chung, tín hiệu tốt là xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, 6 tháng đầu năm 2020 đạt 42,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 cũng thể hiện sự hồi phục ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát với con số xuất khẩu đạt 22,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17,6% so với tháng 5/2020.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 6 tháng cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với quý II/2020 sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi, mở cửa.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhận định, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đối diện với các yếu tố khó lường khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn và sẽ khó đạt được kết quả tích cực như các năm trước.
"Diễn biến tình hình thực tế cho thấy xuất khẩu còn nhiều khó khăn. Mất việc làm, thu nhập giảm khiến nhu cầu của người tiêu dùng cho sản phẩm nhập khẩu khó có thể sớm cải thiện. Dự báo cho năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến phòng, chống dịch và mở cửa lại nền kinh tế trên thế giới", đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Niềm hy vọng cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm được trông mong từ việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp được thực hiện trong thời gian tới, đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tại Châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phân tích, với Hiệp định EVFTA, Việt Nam có thế mạnh rất lớn khi khu vực châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam.
“Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm”, ông Hải chỉ rõ.
Đối với các mặt hàng nông, thủy sản khác, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, EU cam kết mở cửa mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, cụ thể là xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, do EU là thị trường bậc cao nên các doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi về mặt thuế quan cần hết sức lưu tâm đến các hàng rào kỹ thuật tại thị trường này.
Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng nhận định, nếu EU khống chế được dịch COVID-19 sớm trong thời gian tới thì Hiệp định EVFTA sẽ là tuyến đường, cánh cửa rộng để đưa hàng sang thị trường EU.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp định EVFTA: "Cơ hội vàng" cho nông sản Việt
02:00, 25/07/2020
Phát triển bền vững giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ EVFTA, CPTPP
13:31, 15/07/2020
EVFTA và động lực cải cách thể chế
11:30, 10/07/2020
Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu về giải pháp phát huy hiệu quả thực thi EVFTA của Diễn đàn Doanh nghiệp
18:53, 07/07/2020
Chìa khóa giúp nông sản Việt thích ứng với EVFTA
05:00, 07/07/2020