Theo đại diện Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp muốn hưởng lợi từ hai Hiệp định kiểu mới EVFTA và CPTPP phải tuân thủ phát triển bền vững.
Sáng 15/7, tại Hà Nội, Văn phòng Phát triển Bền vững (VBCSD) đã tổ chức “Chương trình đối thoại cùng báo chí phát triển bền vững doanh nghiệp - Bài học kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19”.
Phát biểu khai mạc ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD cho biết, nếu thực hiện tốt các tiêu chí phát triển bền vững (PTBV) sẽ mở ra nhiều cơ hội với các doanh nghiệp và các quốc gia để có thể tạo ra hơn 300 triệu việc làm, hơn 2.000 tỷ USD.
Bên cạnh đó, trước vấn đề bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Quang Vinh đã đề cập đến câu chuyện rác thải nhựa nhức nhối trong nhiều năm qua.
“Thủ tướng đã kêu gọi xử lý rác thải nhựa trong đại dương, trong sinh hoạt, hiện nay khu vực ASEAN là một trong những khu vực thải rác thải nhựa rất nhiều. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh COVID-19, lượng rác thải nhựa đã tăng đột biến do người dân phải hạn chế đi lại, dẫn đến mua nhiều đồ làm sẵn hơn” - Phó Chủ tịch VBCSD cho biết.
Chính vì vậy, tại VBCSD đang hỗ trợ hàng loạt liên quan đến triển khai thí điểm không xả thải ra thiên nhiên. "Gần đây chúng tôi đang triển khai trong các hội viên sáng kiến liên minh của 13 công ty cam kết thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, bao bì sau khi được sử dụng. Đây là nỗ lực rất lớn lao của các doanh nghiệp, sáng kiến mang tính chất tập thể cần được hưởng ứng, lan tỏa” – ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Tại buổi đối thoại lần này, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam đã trao đổi tầm quan trọng của việc các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chí phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mà cụ thể là ngành da giày.
Theo đó, Hiệp hội Da – Giày – Túi xách đã phối hợp VCCI, VBCSD hỗ trợ việc xuất khẩu, tiếp cận các quy định của thị trường xuất khẩu. “Với hai hiệp định thế hệ mới EVFTA, CPTPP, hai hiệp định này khác các hiệp định cũ ở điểm có chương về PTBV, các doanh nghiệp muốn hưởng lợi từ hai hiệp định này phải đáp ứng tuân thủ về PTBV” – bà Phan Thị Thanh Xuân cho biết.
“Đây là hai hiệp định chúng tôi đánh giá quan trọng đối với ngành xuất khẩu của Việt Nam. Đối với ngành da giày cần tập trung vào hai tiêu chí lao động và môi trường, ngành da giày cần nâng cao năng lực rất nhiều để đáp ứng, tận dụng cơ hội mang lại từ hai Hiệp định EVFTA và CPTPP” - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam nhận định.
Có thể bạn quan tâm