Theo tính toán, EVFTA sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,3% vào năm 2025. Ngược lại, GDP của EU tăng thêm 28,5 tỷ USD vào năm 2035.
Muốn hưởng lợi thực sự từ EVFTA, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực cải cách, nâng cấp nền kinh tế, đặc biệt về quản trị và thể chế. Nếu không, Việt Nam có thể biến mình thành nơi làm ăn tốt cho nhà đầu tư nước ngoài.
Bảo lãnh cho nền kinh tế
Nhờ EVFTA, vị thế kinh tế của Việt Nam trong ASEAN sẽ tăng lên khi Việt Nam trở thành nước đứng thứ hai sau Singapore có liên kết kinh tế cao với EU.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, EVFTA như là một lực hút giữ chân họ vì Việt Nam là một cầu nối chắc chắn, liên thông với một khu vực kinh tế hùng mạnh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư đến từ EU. Nói cách khác, sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trở nên chắc chắn hơn bao giờ hết vì FDI cùng với xuất khẩu hiện đang là những trụ cột của tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Dường như việc ký kết EVFTA trong thời điểm hiện nay lại làm cho sự thành công này thêm ý nghĩa rất nhiều. Bởi vì, Trung Quốc đang mất dần vị thế của trung tâm chế tạo và xuất khẩu của kinh tế thế giới, thì việc ký kết EVFTA đã trao cho Việt Nam sự bảo lãnh rằng đây là một nền kinh tế đáng tin cậy để đầu tư (đối với các nhà đầu tư nước ngoài) thay cho Trung Quốc, và đây là một nơi xuất khẩu mà hàng hóa của nó cũng đáng tin cậy.
Có thể bạn quan tâm
16:35, 06/03/2020
11:54, 05/03/2020
11:00, 02/03/2020
03:30, 28/02/2020
Ba đòi hỏi cải cách
Thứ nhất, nguồn hàng hóa chất lượng thấp và thiếu tập trung. Ví dụ vấn đề chất lượng nông sản của Việt Nam, không chỉ ở thị trường EU, đều luôn có vấn đề. Nền nông nghiệp dựa vào hàng triệu nông hộ manh mún, thiếu công nghệ, quản lý sản xuất và kỹ năng tham gia thị trường… Nguyên nhân do đất đai là một tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất của nông nghiệp nhưng chỉ được sử dụng tạm thời, nên không thể tích tụ quy mô lớn.
Hay như trong vấn đề của ngành may mặc và da giày, trong EVFTA quy định chuyển đổi kép đòi hỏi trong quy trình sản xuất ra sản phẩm thì ít nhất phải có hai công đoạn quan trọng nằm tại nước tham gia FTA thì mới được công nhận có nguồn gốc sở tại để hưởng ưu đãi. Trong ngành may mặc, EVFTA quy định hai công đoạn là dệt vải và cắt may phải làm tại Việt Nam. Tuy nhiên, lệ thuộc nhiều vào nguồn cung sợi và vải từ Trung Quốc có giá rẻ khiến Việt Nam không thể đáp ứng. Nếu chuyển sang nhập nguyên liệu từ Hàn Quốc và Nhật với giá cao hơn nhiều thì lợi nhuận lại giảm mạnh.
Nếu không xây dựng được ngành phụ liệu may thì dù có nhiều FTA cũng không thể giúp Việt Nam hưởng được nhiều lợi ích từ đó. Tuy nhiên nếu Việt Nam xây dựng ngành phu liệu thì cũng khó cạnh tranh với Trung Quốc. Thực tế này cho thấy ngành may mặc và da giày Việt Nam không có nhiều hy vọng dù có EVFTA.
Thứ hai, sức cạnh tranh của nền sản xuất Việt Nam hiện đang bị hạn chế nhiều vì cơ sở hạ tầng kém, khu vực logistics yếu kém và chi phí cao, lãi suất ngân hàng cao. Do đó, cần có những cải cách nhằm loại bỏ dần những hạn chế này.
Thứ ba, việc thiếu sự hiện diện của các nghiệp đoàn độc lập đang là hố ngăn cách giữa giới chủ và người công nhân. Một số xung đột có thể đã không xảy ra nếu có sự hiện diện của tổ chức nghiệp đoàn chuyên nghiệp đứng ra đàm phán với chủ. Tuy nhiên, việc cho phép thành lập nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam theo EVFTA cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.