Facebook đang đối mặt với nhiều dấu hiệu khủng hoảng, không phải vì họ chậm thay đổi mà vì các lý do: sự tới hạn của ý tưởng làm mới; cạnh tranh ngày càng khốc liệt, tinh vi hơn...
Thoạt đầu Facebook là trang web nội bộ để kết nối các sinh viên trong nhà trường, ý tưởng nhỏ nhoi này nảy sinh trong ký túc xá đại học Havard. Nhưng chưa đầy một thập kỷ sau, chính Facebook tung quả đấm góp phần đặt dấu chấm hết đế chế Yahoo.
Ở trên đỉnh vinh quang, Facebook trở thành mạng xã hội lớn nhất hành tinh, gần 1/2 dân số thế giới dùng Facebook; Mark Zuckerberg luôn ở trong top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới khi mới ngoài 30 tuổi, cứ mỗi giây trôi qua Facebook kiếm được 2.000 USD!
Nhưng giờ là lúc không phải nói về độ lớn của Facebook, thứ được quan tâm nhất là một cuộc khủng hoảng manh nha. Phiên giao dịch gần đây nhất, cổ phiếu Facebook lao dốc 24%, tương đương 130 tỷ USD. Vị trí mạng xã hội lớn nhất thế giới theo vốn hóa đã rơi vào tay Tencent (Trung Quốc).
Bảo mật thông tin là vấn đề sống còn trong kinh doanh hiện nay. Facebook đã vướng vào bê bối rất lớn làm lộ thông tin hàng chục triệu người dùng, mức độ nguy hiểm của vấn đề tăng lên theo sự nhận thức của con người từng không gian khác nhau, nhất là với Châu Âu, Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
|
Vì sao một công ty công nghệ hàng đầu thế giới bị đánh cắp dữ liệu bởi một giảng viên? Facebook có thật sự mạnh về bảo mật hay ngoài ra có tác động nào khác mang màu sắc chính trị?
Từ mất an toàn thông tin đến sa sút niềm tin luôn rất gần nhau, cộng hưởng với mặt trái của nó - Facebook là kẻ đánh cắp thời gian khủng khiếp, nhất là với những cộng đồng còn thiếu tác phong công nghiệp.
Mặc dù chưa có làn sóng đóng đóng tài khoản quy mô lớn nhưng con người bắt đầu nhận ra mặt trái của Facebook. Nhiều nước đã có trại cai nghiện Facebook, kể cả Mỹ - nơi khai sinh ra mạng xã hội này. Những thứ đó khiến niềm tin của người dùng bị "lung lay".
Tính bảo mật và an toàn thông tin cá nhân có thể sẽ là “lỗ hổng” để đối thủ cạnh tranh xoáy vào khi mà mọi thứ trong tay Mark vẫn ổn. Facebook sẽ rơi vào khó khăn nhưng không phải do chậm thay đổi.
Những đối thủ cạnh tranh với Facebook không còn ở dạng “tiềm tàng”. Instagram sắp cán mốc 1 tỷ người dùng; Twitter sắp sửa đạt con số nửa tỷ; đáng sợ nhất là những ông chủ lắm tiền từ Trung Quốc như Mã Hóa Đằng (Tencent), Charles Chao (Weibo).
Facebook dường như khai thác tối đa mọi ưu thế của mạng xã hội, tạo ra môi trường “siêu kết nối”, mà các đối thủ chưa thể bằng Facebook. Đó là vũ khí để Mark và cộng sự đánh bại Yahoo.
Mặt trái của mạng xã hội là tính kết nối đa phương tiện, Facebook gây nghiện cho người dùng chính là thành công lớn nhất của họ. Con người có thể tẩy chay Facebook nhưng cũng không thể thoát ra ngoài sự bủa vây của các mạng xã hội khác.
Loài người không bao giờ ngừng khám phá thế giới, phá vỡ những kỷ lục do chính mình tạo ra, hàng triệu ý tưởng kinh doanh xuất hiện mỗi ngày nên mọi thứ không thể nào tồn tại mãi mãi, kể cả khi đó là một đế chế.
Ngày nay các công ty càng trở nên "khôn ngoan" hơn, họ luôn nắm bắt rất nhanh thị hiếu khách hàng, thậm chí dẫn dắt khách hàng. Câu chuyện taxi công nghệ ở Việt Nam là một ví dụ, trước khi Grab vào Việt Nam người tiêu dùng vẫn im lặng sử dụng dịch vụ taxi truyền thống.
Những cáo buộc gây bất lợi cho Facebook hầu hết xuất phát từ bên thứ ba, điển hình là vụ lộ thông tin người dùng đến công ty Cambridge Analytica có liên quan mật thiết đến vụ trưng cầu dân ý quyết định nước Anh có rời EU hay không, cũng như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016...
Facebook đã đạt đỉnh, bắt đầu có dấu hiệu tụt dốc, không có gì bất ngờ nếu một ngày nào đó bị đánh bại, vì đó là quy luật muôn thuở. Giống như Nokia, Motorola, hay Yahoo cũng từng thống trị, nhưng bị thay thế như một xu hướng tiến lên không ngưng nghỉ của công nghệ. Trong thời đại hiện nay, chỉ cần một ý tưởng mới cũng có thể đánh đổ cả một đế chế công nghệ.