First News kiện Lazada: Trách nhiệm pháp lý của sàn thương mại điện tử?

Diendandoanhnghiep.vn Những ngày gần đây, thông tin vụ kiện giữa First News và Công ty TNHH Recess, chủ sở hữu của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada Việt Nam đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.

Điểm đặc biệt của vụ kiện này là nguyên đơn không khởi kiện trực tiếp người bán trên sàn TMĐT mà khởi kiện chính “chủ sàn TMĐT”. Vụ kiện mở ra một vấn đề pháp lý không dễ giải quyết là trách nhiệm của sàn TMĐT đến đâu nếu như người bán trên sàn TMĐT có hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể trong trường hợp này là vi phạm quyền tác giả (nếu có)?

 Tại buổi gỡ báo chí, First News công khai bóc một đơn hàng đặt ngẫu nhiên vừa mua thử trên Lazada hai cuốn Muôn kiếp nhân sinh - Cả hai cuốn đều là sách giả. Ảnh: Q.Trân

Tại buổi gỡ báo chí, First News công khai bóc một đơn hàng đặt ngẫu nhiên vừa mua thử trên Lazada hai cuốn Muôn kiếp nhân sinh - Cả hai cuốn đều là sách giả. Ảnh: Q.Trân

Sơ lược về vụ tranh chấp

Theo thông tin đã được công bố, nguyên đơn Công ty TNHH Văn hóa - Sáng tạo Trí Việt (First News) đang tiến hành khởi kiện bị đơn Công ty TNHH Recess (chủ sở hữu của sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam) về hành vi “tiếp tay” cho việc bán sách giả, nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với bị đơn. Nguyên đơn đã đệ trình Đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh và đã được tiếp nhận Đơn kiện, đang chờ kết quả xử lý Đơn kiện và các thủ tục tố tụng tiếp theo từ phía Tòa án.

Về phía mình, Lazada cũng đã có phản hồi đến truyền thông. Theo đó, “Lazada là nơi quy tụ lượng lớn các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, phân phối sách hàng đầu Việt Nam trên môi trường trực tuyến. Chúng tôi luôn tôn trọng các quy định của pháp luật hiện hành, cũng như luôn thực thi những biện pháp quản lý nền tảng nghiêm ngặt để có thể mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho các thương hiệu, nhà bán hàng và người tiêu dùng. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết những vướng mắc liên quan, từ đó xây dựng một nền tảng thuong mại điện tử đáng tin cậy – nơi các sản phẩm sách chính hãng có thể được phân phối đến cho người tiêu dùng Việt Nam”. Dù vậy, First News tiếp tục có ý kiến phản bác phản hồi của Lazada. Đến nay hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và có lẽ vụ việc sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có lẽ sẽ cần đến một phán quyết có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.

Dưới góc độ pháp lý, có thể thấy rằng việc khởi kiện là một quyền hợp pháp và là một hành vi ứng xử văn minh trong một xã hội pháp quyền. Do vậy, việc First News tiến hành khởi kiện là cần thiết. Tuy vậy, về yêu cầu khởi kiện cụ thể là gì và yêu cầu khởi kiện có được chấp nhận không và được chấp nhận đến đâu thì vẫn phải chờ đợi đến phán quyết cuối cùng của Tòa án, trong đó có nhiều yếu tố cần phải chứng minh và các yếu tố khác liên quan.

Có hay không trách nhiệm pháp lý của sàn thương mại điện tử?

Theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, khi khởi kiện, nguyên đơn cần phải cũng cố các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp. Chẳng hạn như chứng minh tư cách chủ sở hữu quyền tác giả, có tác phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; chứng minh hành vi vi phạm của bị đơn và các bên khác liên quan (nếu có), chứng minh thiệt hại thực tế mà nguyên đơn gánh chịu,… Được biết, nguyên đơn đã yêu cầu lập nhiều vi bằng về việc đặt mua sách, nhận sách và kiểm tra sách trên internet để làm bằng chứng. Đây cũng là bước chuẩn bị thận trọng của nguyên đơn và là cơ sở thuận lợi để tiến hành khởi kiện.

Về trách nhiệm của Lazada, nguyên đơn đã tiến hành khởi kiện dân sự nên kết quả cuối cùng vẫn phải chờ Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Tuy nhiên, Lazada là sàn thương mại điện tử nên cũng có thể sẽ bị xem xét trách nhiệm liên quan của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, nghiêm cấm hành vi “lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Điều 37 của Nghị định này cũng quy định nghĩa vụ của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử là phải đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử; tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử,

Đồng thời, Điều 36 Nghị định 52/2013/NĐ-CP cũng quy định thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ; có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử,...

Khoản 4 Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BCT về quản lý website thương mại điện tử cũng quy định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là phải loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này.

Như vậy, nếu người bán có hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ như bán sách giả, sách lậu, xâm phạm quyền tác giả của tổ chức, cá nhân khác thì sàn thương mại điện tử như Lazada cũng phải kiểm tra, giám sát đối với người bán, có biện pháp xử lý kịp thời để ngăn chặn. Trường hợp vi phạm nghĩa vụ này, có thể Lazada cũng phải chịu trách nhiệm liên quan.

Hiện tại, First News đã tiến hành khởi kiện theo thủ tục vụ án dân sự và vẫn phải chờ đợi kết quả cuối cùng từ Tòa án để xác định trách nhiệm của Lazada cũng như của các bên khác liên quan, nếu có.

Ở một diễn biến khác, nếu có cơ sở chứng minh, có dấu hiệu của tội phạm, chẳng hạn như tội xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự hoặc tội buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự thì vụ việc có thể sẽ được giải quyết theo trình tự, thủ tục của vụ án hình sự và cá nhân, tổ chức liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, kể cả pháp nhân vẫn có thể bị truy cứu và phải chịu hình phạt theo quy định (pháp nhân thương mại phạm tội). Việc xác định có dấu hiệu của tội phạm hay không, truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh nào sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện trên cơ sở tin báo về tội phạm, tố giác tội phạm của người bị hại và phụ thuộc cụ thể vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và các chứng cứ liên quan.

Công bằng mà nói vụ kiện giữa First News với Lazada là một vụ kiện rất đặc thù, có nhiều vấn đề pháp lý liên quan và là một cuộc chiến không dễ dàng. Tuy vậy, vụ kiện cũng đã được khởi động những bước đi đầu tiên và chung ta chờ đợi một phán quyết công bằng, đúng pháp luật từ phía Tòa án. Nếu vụ kiện này thành công sẽ là một tiền lệ tốt trong việc xác định trách nhiệm của sàn thương mại điện tử đối với các sản phẩm được rao bán trên sàn; có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao ý thức tôn trọng quyền tác giả, đặc biệt là bản quyền sách, quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

(*) Giám đốc điều hành Công ty KAV Lawyers

  

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết First News kiện Lazada: Trách nhiệm pháp lý của sàn thương mại điện tử? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711705349 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711705349 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10