Cũng giống như trận chiến giữa Amazon và Walmart ở Mỹ, chiến trường của FPT Shop và TGDĐ tại Việt Nam chưa bao giờ im tiếng súng…
Từ quá khứ cho đến hiện tại, sự cạnh tranh quyết liệt giữa FPT Shop và Thế giới di động (TGDĐ) luôn luôn hiện hữu. Sự cạnh tranh đó đã "đập vào mắt" ngay từ cách chọn vị trí cửa hàng của cả hai. Hầu hết các vị trí đẹp trong các thành phố lớn trên toàn quốc đều có mặt của TGDĐ, và ngay gần đó, người ta cũng sẽ thấy có sự xuất hiện của FPT Shop.
Thế giới di động có mạng lưới bán lẻ với gần 4200 cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm hơn 900 cửa hàng thế giới di động, hơn 1500 cửa hàng Điện máy xanh và khoảng 1700 cửa hàng Bách hóa xanh. Ngoài ra, họ còn mở rộng thị trường nước ngoài với với 50 chuỗi bán lẻ thiết bị di động và điện máy tại Campuchia.
Trong khi đó, FPT Shop của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) được thành lập năm 2012. Tính đến thời điểm hiện tại, FPT Shop đã có 721 cửa hàng, trải dài trên khắp 63 tỉnh thành cả nước.
Trên thực tế, TGDĐ và FPT Retail được coi là hai tên tuổi lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại, điện máy. Về quy mô, TGDĐ có sự áp đảo hơn. Nhưng, FPT Retail lại đang cho thấy họ có lợi thế về CNTT và đằng sau là sự hậu thuẫn của Tập đoàn FPT, người đứng đầu thị trường ICT từ nghiên cứu, phần mềm, giáo dục…
Hệ thống bán lẻ của FPT Shop là một chuỗi chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện và dịch vụ công nghệ. Trong khi, các mặt hàng của chuỗi TGDD cũng tương tự. Họ được coi là chuỗi bán lẻ thiết bị di động có thị phần số một Việt Nam.
Đầu năm 2018, cả hai đã cùng nhày vào một lĩnh vực mới, đó là chuỗi nhà thuốc. Thế Giới Di Động đã nhanh chân thâu tóm chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang. Tập đoàn này đang nắm 49% cổ phần của An Khang. Theo báo cáo, TGDĐ đã chi hơn 62 tỷ đồng cho thương vụ này.
Còn với FPT Retail, họ cũng đã nắm trong tay chuỗi nhà thuốc Long Châu, chuỗi nhà thuốc lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh. FPT thành lập Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu năm 2018, sau đó liên tiếp mở chuỗi các cửa hàng thuốc Long Châu tên toàn quốc. Hết quý II năm nay, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã cán mốc 300 cửa hàng tại 53 tỉnh thành trên toàn quốc.
Sự cạnh tranh gần đây lại càng gia tăng hơn nữa ở các mảng miếng được coi là “lãnh địa riêng” của hai “gã khổng lồ” này. Hồi giữa năm, FPT Shop đã lấn sân sang mảng thiết bị gia dụng, điện tử thông minh với sự hậu thuẫn của “gã khổng lồ” Xiaomi để phân phối toàn bộ hệ sinh thái Mi Eco. Đây là lĩnh vực được coi như “sân nhà” của TGDĐ với chuỗi hàng trăm cửa hàng Điện máy xanh.
Không chịu kém cạnh, ngày 22/10/2021 vừa qua, Thế giới di động cũng đã xâm nhập vào mảng kinh doanh cốt lõi bao gồm các sản phẩm Apple của FPT Shop, khi cho ra mắt 4 cửa hàng đầu tiên của chuỗi bán lẻ mới mang thương hiệu TopZone.
TopZone là chuỗi cửa hàng công nghệ, chuyên bán tất cả các sản phẩm của Apple tại Việt Nam. Họ sẽ ra mắt hai mô hình cửa hàng: Một với diện tích nhỏ tích hợp với các thương hiệu có sẵn và hai là diện tích lớn nằm độc lập bên ngoài. Bốn cửa hàng đầu tiên ra mắt vào 22/10 và dự kiến có hơn 60 cửa hàng sau quý I/2022.
Có một điều khá ngạc nhiên, mặc dù là đơn vị đứng đầu về quy mô bán lẻ công nghệ, nhưng TGDĐ lại không phải là hệ thống đầu tiên tại Việt Nam hợp tác với “gã khổng lồ” Apple. Đối thủ của họ - FPT Retail mới thực sự là tay chơi nhanh nhẹn khi tiếp cận trước và được Apple công nhận là đối tác đại lý ủy quyền cấp cao nhất, thậm chí từ 9 năm trước.
Năm 2012, FPT Retail ra mắt thị trường 2 cửa hàng đầu tiên trong chuỗi F.Studio được Apple ủy quyền chính hãng tại Hà Nội và TP. HCM. Liên tục từ đó, FPT Retail đã sở hữu chuỗi bán lẻ với đầy đủ mô hình cửa hàng của Apple bao gồm cả APR, AAR và CES (Consumer Electronic Stores). Các cửa hàng này trở thành "át chủ bài" trong chiến lược phát triển kinh doanh của FPT Retail.
Có thể thấy, việc FPT Retail nhanh chân trong sự hợp tác với Apple đã đem lại những lợi ích to lớn cho họ. Theo một thông tin từ FPT Retail cho biết, chỉ trong ngày đầu bán ra iPhone 13 Series, chuỗi đã thu về gần 200 tỷ đồng khi bán ra gần 5.000 máy, con số "kỷ lục mọi thời đại" trong tất cả các kỳ mở bán. Dự kiến doanh thu quý 4/2021 của FPT Retail, các sản phẩm Apple có thể đóng góp tới 40% doanh thu mảng ICT của doanh nghiệp này.
Nhưng giờ đây, với việc TGDĐ đã nhảy vào lĩnh vực này có thể sẽ đem lại nhiều áp lực cho FPT Retail. Miếng bánh thị trường đã bị chia sẻ và thêm vào đó là sự quyết đoán, nhanh chóng của TGDĐ sẽ khiến FPT Retail phải vất vả nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, thời của chiến lược sản phẩm khác biệt đã đi qua bởi sự khác biệt về năng lực công nghệ ngày càng mờ nhạt và để duy trì sản phẩm vượt trội trong dài hạn là rất khó khăn. Vì vậy, trải nghiệm khách hàng sẽ là thứ quyết định thắng bại.
Và cuối cùng, có lẽ khách hàng sẽ là người được hưởng lợi sau những cuộc cạnh tranh bất tận của FPT Shop và TGDĐ.
Có thể bạn quan tâm
FPT và chuyện trách nhiệm xã hội
03:28, 20/09/2021
Ưu đãi “bình cũ rượu cũ” nhưng đúng thời điểm của FPT
03:28, 30/08/2021
Chủ tịch FPT IS kể chuyện 100 ngày “giải cứu” sàn HoSE
05:00, 21/08/2021
Tham vọng "khó nhằn" của Thế giới di động
11:04, 26/10/2021
TopZone - “Con bài bí mật” của Thế Giới Di Động
05:00, 18/10/2021
Từ vụ Thế Giới Di Động: Giải pháp cho các doanh nghiệp đi thuê mặt bằng
11:21, 11/10/2021